Kinh tế thế giới tác động gì đến Việt Nam?

Đầu tư FDI vào Việt Nam trong năm 2020 dự kiến tiếp tục tăng ổn định do căng thẳng quan hệ thương mại Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Tăng trưởng 3,4%

Tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020 được dự báo sẽ phục hồi về mức 3,4%. Kinh tế thế giới dự kiến phục hồi ở nhóm các nền kinh tế mới nổi, với mức tăng trưởng đạt 4,6%. Điểm sáng của bức tranh kinh tế thế giới đến từ các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Nhật Bản, Eurozone với mức tăng trưởng kỳ vọng đạt 1,7%.

Tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020 được dự báo sẽ phục hồi về mức 3,4%.
Tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020 được dự báo sẽ phục hồi về mức 3,4%.

Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng kỳ vọng thấp hơn so với năm 2019, dự báo ở mức 5,8% do suy giảm tổng cầu xuất phát từ căng thẳng thương mại và rủi ro nợ công gia tăng.

Dự báo, nền kinh tế Mỹ có tỷ lệ lạm phát dự kiến là 2,6% sẽ vượt quá mục tiêu trung hạn là 2,2% trong khi Eurozone dự báo sẽ tăng dần từ 1,2% trong năm 2019 lên khoảng 1,4% vào năm 2020. Dự báo tỷ lệ lạm phát của Nhật Bản (không bao gồm thực phẩm tươi sống và năng lượng) vào cuối năm 2020 sẽ tăng lên 1,4% trong khi thuế tiêu dùng có xu hướng giảm xuống.

Lạm phát dự kiến sẽ tăng cao hơn vào năm 2020 tại Argentina do sự mất giá của đồng peso, tại Nga do việc tăng thuế giá trị gia tăng, tại Trung Quốc do tăng giá thịt lợn. Trong khi đó, lạm phát tại các quốc gia đang phát triển và quốc gia mới nổi, ngoại trừ Venezuela, được kỳ vọng sẽ giảm xuống 4,7%.

Dự báo thương mại quốc tế năm 2020 có xu hướng phục hồi. Thương mại quốc tế dự kiến sẽ tăng 3,2% vào năm 2020 và tiếp tục đà tăng trưởng trong các năm sau đó. Sự phục hồi của kinh tế toàn cầu sẽ thúc đẩy nhu cầu đầu tư tại các quốc gia đang phát triển và quốc gia mới nổi.

Điều này sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng thương mại toàn cầu vào năm 2020 và các năm sau đó. Tuy nhiên, các yếu tố rủi ro xuất phát từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và các tiến bộ công nghệ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thương mại quốc tế.

Đối với thị trường tiền tệ, dự báo trong năm 2020, các ngân hàng Trung ương sẽ giữ nguyên mặt bằng lãi suất trong đó có Fed. Các ngân hàng châu Âu dự kiến sẽ không tăng lãi suất nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2020. Dự kiến, ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng sẽ không dừng chính sách lãi suất âm cho đến năm 2021.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đi theo hướng ngược lại, lo lắng về khả năng tăng trưởng, ngân hàng này tiếp tục tung ra những gói kích thích khiêm tốn. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tiếp tục biện pháp hỗ trợ thanh khoản. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với các ngân hàng Trung ương là xu hướng bật tăng trở lại của lạm phát trong năm 2020.

Thách thức hay thuận lợi?

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa có hồi kết xuất phát từ bản chất cạnh tranh quyền lực giữa hai siêu cường bất chấp thỏa thuận giai đoạn 1 đã đạt được. Chính sách thương mại của Mỹ một mặt đã thúc đẩy các đối tác của Mỹ tìm kiếm các thỏa thuận song phương khác Trung Quốc.

Điều này giúp thúc đẩy việc ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) diễn ra vào ngày 30/6/2019, vốn đã bị trì hoãn từ năm 2018. Mặt khác, chính sách này cũng khiến cho các doanh nghiệp Trung Quốc tìm kiếm thị trường khác ngoài Mỹ để đầu tư ra nước ngoài.

Việt Nam là nước láng giềng có tiềm năng lớn nên sẽ được các doanh nghiệp Trung Quốc tìm kiếm cơ hội để mở rộng quy mô thương mại. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, kinh tế thế giới chậm lại tác động tới nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Chính sách thương mại cứng rắn của Mỹ với những tuyên bố nhằm vào chênh lệch thương mại giữa hai nước và việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi về thao túng tỷ giá có thể tác động tới tâm lý nhà đầu tư trong thời gian tới.

Chính sách mới về FDI thì triển vọng năm 2020 rất sáng sủa. 
Chính sách mới về FDI thì triển vọng năm 2020 rất sáng sủa. 

Ngoài ra, kinh tế Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn hàng đầu của Việt Nam, cũng tăng trưởng chậm lại do căng thằng thương mai với Mỹ. Cộng hưởng các điều kiện thuận lợi và thách thức sẽ khiến kinh tế Việt Nam tiếp tục gặp nhiều thách thức trong năm 2020.

Làn sóng phản đối toàn cầu hóa và tự do thương mại dâng cao ở các nước Bắc Mỹ và EU đang thách thức nghiêm trọng sự tồn tại của các định chế thương mại tự do hiện tại như WTO và các FTAs.

Với độ mở của nền kinh tế hiện tại, Việt Nam không thể miễn dịch với các cú sốc thương mại từ bên ngoài. Ngoài ra, xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng, một số nước sẵn sàng vi phạm quy định của WTO để bảo hộ sản xuất trong nước. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn đối diện với những khó khăn và thách thức.

Trong bối cảnh đó, dự báo tốc độ tăng trưởng nhập khẩu khoảng 8-10%, tăng cao hơn so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khoảng 6-7% và dự báo nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2020 ở mức dưới 3%.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong năm 2020 dự kiến tiếp tục tăng ổn định do căng thẳng quan hệ thương mại Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Trong bối cảnh bấp bênh của kinh tế thế giới, đặc biệt là chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, Việt Nam được cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức quốc tế đánh giá cao môi trường kinh doanh và đầu tư, với một số hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới bắt đầu có hiệu lực.

Trên cơ sở định hướng, chính sách mới về FDI thì triển vọng năm 2020 rất sáng sủa. Dự báo, tốc độ tăng vốn FDI thực hiện 7-8%, đạt 23-24 tỷ USD, chiếm 22-23% tổng vốn đầu tư xã hội. Đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và châu Á vẫn gia tăng, đồng thời đầu tư từ Mỹ, Đức, Pháp, Anh và một số nước châu Âu khác vào công nghệ hiện đại, công nghệ tương lai, giáo dục và đào tạo, nghiên cứu và phát triển với nhiều dự án lớn sẽ được gia tăng.

TUYẾT HƯƠNG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương