Kiến nghị trên của Bộ Xây dựng có lẽ đã “gãi đúng chỗ ngứa” những bế tắc của chương trình cải tạo chung cư cũ. Nhưng thực tế khó khăn trong giải quyết chung cư cũ lại không liên quan gì đến thời hạn sở hữu chung cư.
Theo các chuyên gia, vấn đề là ở chính sách đền bù, di dời cho người dân còn chưa hợp lý. Ngoài ra, còn không ít thủ tục, chính sách chưa thu hút được doanh nghiệp tham gia đầu tư. Thực tế khó khăn trong giải quyết chung cư cũ lại không liên quan gì đến thời hạn sở hữu chung cư, vấn đề là ở chính sách đền bù, di dời cho người dân còn chưa hợp lý.
lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc tại TP.HCM thẳng thắn, Nghị định 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo chung cư cũ dù đã thông thoáng hơn trong cơ chế đền bù, thương lượng với người dân, nhưng vẫn còn một số vướng mắc trong triển khai xây mới chung cư cũ, nên dù nhiều doanh nghiệp muốn cũng không thể thực hiện.
Chẳng hạn, đối với quỹ nhà tạm cư, nếu như chỉ di dời 1 - 2 chung cư thì doanh nghiệp, chủ đầu tư còn dễ thực hiện, nhưng cùng lúc phải di dời cả một khu, cụm chung cư thì áp lực tài chính với doanh nghiệp là rất lớn. Ngoài ra, cách tính diện tích để tính tiền bán nhà hiện nay đối với phần ban công, chưa có cách tính cho lô gia… cũng là một trong những nguyên nhân gây tranh cãi, có nhiều tranh chấp.
Về đề xuất cấp sổ hồng chung cư có thời hạn, vị này nói rằng, nếu lo lắng về sự an toàn của chung cư thì không nhất thiết liên quan đến quy định thời hạn sở hữu, mà phải dựa vào các quy định tiêu chuẩn an toàn trong hoạt động xây dựng, cũng như quy định phù hợp trong hoạt động thu hồi, giải tỏa, tháo dỡ chung cư. “Thời hạn sử dụng chung cư không đồng nghĩa với thời hạn quyền sở hữu chung cư và càng không thể lấy lý do tháo dỡ chung cư cũ để bảo vệ người dân mà tước đoạt quyền sở hữu của họ”, vị này nói.
Thời điểm 2010 - 2011, Bộ Xây dựng từng đưa ra đề xuất nghiên cứu cơ chế về việc sở hữu nhà ở có thời hạn, đặc biệt là nhà chung cư. Bộ này cho rằng, quy định sở hữu nhà ở có thời hạn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cấp, cải tạo chung cư cũ. Nhưng đề xuất này không nhận được đồng thuận của người dân.
Hai năm sau, Bộ Xây dựng trở lại với ý tưởng này, nhưng mục tiêu của đề xuất là nhằm kéo giá căn hộ chung cư xuống, để người thu nhập thấp cũng có cơ hội tiếp cận nhà ở. Mới đây, trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang được Bộ Xây dựng trình thẩm định, lấy ý kiến cũng có phần nội dung liên quan đến sở hữu chung cư có thời hạn.
“Trong quá trình thực hiện cải tạo chung cư cũ xây dựng từ trước năm 1994, công tác thu hồi, di dời, phá dỡ rất khó khăn. Thực tế này cho thấy, cần có quy định phù hợp, tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan nhà nước thực hiện thu hồi, phá dỡ, xây dựng lại chung cư cũ, hết thời hạn sử dụng”, Bộ Xây dựng lý giải trong Dự thảo và cho rằng, việc nghiên cứu bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư là cần thiết.