Nguồn cung xăng dầu thiếu hụt bởi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (thị phần cung ứng 30-35% xăng dầu trong nước) đã giảm công suất do khó khăn về tài chính như thông tin Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đưa ra trong buổi chất vấn tại Quốc hội ngày 16/3.
Công ty TNHH Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn (NSRP) là công ty liên doanh được thành lập vào tháng 4/2008 do 4 thành viên góp vốn là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Công ty Dầu khí quốc tế Cô-Oét (KPE), Công ty Idemisui Kosan Nhật Bản (IKC) và Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI), trong đó PVN góp vốn 25,1%.
Theo thỏa thuận giữa Chính phủ, do PVN thay mặt ký với liên doanh nhà đầu tư, dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn không chỉ được áp giá bán buôn các sản phẩm của mình tại cổng nhà máy bằng với giá xăng dầu nhập khẩu mà còn được cộng vào giá bán thêm thuế nhập khẩu 7% với các sản phẩm xăng dầu, 3% đối với các sản phẩm hóa dầu (polypropylen, benzen...).
Đặc biệt, chỉ xét riêng ưu đãi về thuế nhập khẩu, theo thỏa thuận với liên danh nhà đầu tư lọc dầu Nghi Sơn, trong 10 năm, nếu Việt Nam giảm thuế nhập khẩu xuống thấp hơn mức ưu đãi kể trên, PVN có trách nhiệm bù cho Lọc dầu Nghi Sơn số tiền chênh lệch này. Theo lộ trình hội nhập, theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), với xăng từ năm 2023 thuế nhập khẩu sẽ giảm còn 5% và từ năm 2024 còn 0%. Với diesel và mazut, thuế nhập khẩu cũng giảm còn 0% từ năm 2016.
Còn theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), thuế nhập khẩu diesel từ 2016 đã là 5% và từ năm 2018 cũng giảm còn 0%. Với mazut, từ năm 2016 thuế nhập khẩu đã là 0% . Thuế nhập khẩu dầu từ ASEAN đã thấp hơn giá trị ưu đãi cho Lọc dầu Nghi Sơn. Vì thế, kể từ khi lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động từ 2018, PVN phải bỏ ra hàng tỷ USD để bù lỗ về thuế nhập khẩu cho nhà máy này.
Theo một tính toán gần đây, với giá dầu 45 USD/thùng, dự kiến PVN sẽ phải bù cho Lọc dầu Nghi Sơn 1,54 tỷ USD. Nếu giá dầu là 50 USD/thùng thì số tiền bù lên 1,8 tỷ USD. Nếu giá dầu lên 70 USD/thùng, PVN dự kiến phải chi 2 tỷ USD để bù cho lọc dầu Nghi Sơn. Hiện nay, giá dầu đang quanh 100 USD/thùng, số tiền bù cho lộc dầu Nghi Sơn còn cao hơn nữa.
Dự kiến, trong 10 năm đến 2028, PVN có thể sẽ phải bỏ ra 1,5-2 tỷ USD để bù cho dự án này. Đây là một trường hợp hiếm hoi khi hàng nhập khẩu về ngân sách không thu được thuế nhập khẩu mà PVN (doanh nghiệp vốn nhà nước) phải bỏ tiền bù ngược cho doanh nghiệp (có vốn nước ngoài).
thông tin mới nhất thể hiện tình hình khó khăn tài chính của đơn vị này là mới đây NSRP phải hủy nhập 2 tàu dầu thô trong tháng 1 và đối diện với nguy cơ dừng hoạt động vào ngày 13/2/2022 do khó khăn nghiêm trọng về tài chính.
Hiện nay, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và tháng 5, đặc biệt sau tháng 5 cũng chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất của Nhà máy.
Tại cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng thông tin, lỗ lũy kế của doanh nghiệp này đã lên tới 3,3 tỷ USD trong 3 năm, số tiền nợ nguyên liệu cũng lên tới 2,8 tỷ USD.
Kết quả kinh doanh thua lỗ cũng đương nhiên với việc không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Trước việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn "càng làm, càng lỗ", ngay từ Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa 14, các đại biểu Quốc hội đã đề cập và chỉ ra nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng trên. Dự án Lọc dầu Nghi Sơn là doanh nghiệp lớn nên sẽ do Tổng cục Thuế trực tiếp quản lý về việc thực hiện nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước.
Trước tình trạng doanh nghiệp càng làm càng lỗ, phóng viên đã đặt vấn đề với Tổng cục Thuế về việc nắm bắt tình hình hoạt động kinh doanh, dòng tiền và quản lý việc thực hiện nghĩa vụ thuế của Lọc dầu Nghi Sơn. Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Thuế cho hay, đó là bí mật kinh doanh của doanh nghiệp và không được phép công khai theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Đại diện này cho hay, chỉ trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm về việc thực hiện nghĩa vụ thuế như trốn thuế, trây ỳ không nộp thuế quá thời hạn quy định… thì sẽ bị công khai hoặc bị xử lý theo mức độ vi phạm. Trước đây cũng đã có nhiều doanh nghiệp có vốn nước ngoài cũng xảy ra tình trạng càng làm càng lỗ, thậm chí nhiều doanh nghiệp nước ngoài lỗ vẫn mở rộng hoạt động kinh doanh. Đề cập tới những trường hợp này, Tổng cục Thuế cho biết, doanh nghiệp kê khai lỗ nhiều năm nhưng vẫn mở rộng kinh doanh là một trong các dấu hiệu của doanh nghiệp liên kết có thể sử dụng hành vi chuyển giá để tránh thuế.
Tổng Hợp