Việc tổ chức lại địa giới hành chính, sáp nhập toàn bộ tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP.HCM không chỉ đơn thuần là sự mở rộng về mặt hành chính của một thành phố, mà là bước đi chiến lược trong việc tái cấu trúc không gian phát triển toàn vùng Đông Nam Bộ.
Đây là tiền đề quan trọng để hình thành một không gian đô thị - công nghiệp - dịch vụ - du lịch liên kết mạnh mẽ, mở ra cơ hội và yêu cầu mới trong nâng cấp hệ thống giáo dục, y tế và các chính sách an sinh xã hội cho toàn thể người dân trong vùng, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, những nhóm luôn được xã hội quan tâm.
Không gian liên kết mới, kỳ vọng đồng bộ và bền vững
Sau sáp nhập, tổng thể vùng TP.HCM mở rộng sẽ trở thành không gian đô thị lớn nhất cả nước về diện tích, dân số và quy mô kinh tế - xã hội. Đây là cơ hội để các địa phương phát huy thế mạnh riêng, đồng thời tận dụng nguồn lực chung nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân toàn vùng.
Trong đó, giáo dục, chăm sóc y tế và các chính sách dành cho phụ nữ, trẻ em luôn đóng vai trò then chốt, góp phần xây dựng nền tảng xã hội ổn định, bền vững và nhân văn.
![]() |
Các em nhỏ đang nhận quà từ các nhà hảo tâm trong một chương trình từ thiện.(hình minh họa) |
Với quy mô dân số gần 14 triệu người sau sáp nhập, hệ thống giáo dục của vùng mới sẽ được tổ chức lại theo hướng liên kết liên vùng, trải dài từ nội thành TP.HCM hiện hữu đến các khu vực công nghiệp Bình Dương, đô thị - du lịch tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là điều kiện thuận lợi để quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, xây dựng các cụm đào tạo hiện đại, đồng bộ, giảm áp lực quá tải tại nội thành, đồng thời thu hẹp khoảng cách tiếp cận giáo dục giữa các khu vực.
Trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại vùng ven, nông thôn đã và đang được quan tâm đúng mức để không ai bị thiệt thòi trên hành trình tiếp cận tri thức và xây dựng tương lai. Cùng với giáo dục, chăm sóc y tế là lĩnh vực được người dân toàn vùng đặc biệt quan tâm.
Với dân số đông và nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao, không gian liên kết mới tạo điều kiện phát triển hệ thống y tế đồng bộ, hiện đại, lấy người dân làm trung tâm phục vụ. Việc hình thành các cụm y tế campus vệ tinh tại Tân Kiên (Bình Chánh), Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ giảm tải cho bệnh viện tuyến trên mà còn mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao cho người dân toàn vùng.
Đặc biệt, hệ thống y tế cần được thiết kế lồng ghép yếu tố nhạy cảm giới, chú trọng chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em, y tế học đường, phòng chống bệnh lý đặc thù cho trẻ em và dịch vụ sức khỏe sinh sản, nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện, bền vững cho các thế hệ tương lai.
Trong mọi tiến trình phát triển, phụ nữ và trẻ em luôn là đối tượng cần được ưu tiên, bởi họ vừa là nền tảng của xã hội, vừa là những người dễ bị tổn thương nếu hệ thống chính sách chưa thực sự đồng bộ.
Bởi lẽ, để tiến trình sáp nhập phát huy hiệu quả, việc xây dựng hệ thống giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội liên kết đồng bộ, nhạy cảm giới, lấy con người làm trung tâm sẽ là yếu tố then chốt, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các khu vực, nâng cao chất lượng sống cho phụ nữ, trẻ em và người dân toàn vùng.
![]() |
Em bé gái đang nhận quà từ các mạnh thường quân. (hình mình họa) |
Đồng thời, chính quyền và các tổ chức xã hội cần tạo điều kiện để phụ nữ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế, quản lý xã hội và chương trình phát triển cộng đồng, từ đó nâng cao vai trò, tiếng nói và đóng góp thiết thực của phụ nữ trong quá trình phát triển toàn vùng.
Tầm nhìn chiến lược, sự thống nhất và khát vọng phát triển toàn diện
Chủ trương tổ chức lại địa giới hành chính, hình thành không gian liên kết mới thể hiện bản lĩnh chính trị, sự chủ động, quyết đoán và tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước trong phát triển đất nước, đưa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bước vào giai đoạn phát triển bền vững, hội nhập sâu rộng.
Cả TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đều có cơ hội phát huy thế mạnh riêng, đồng thời cùng đóng góp vào việc hình thành một không gian phát triển chung toàn vùng, hướng tới mô hình tích hợp đa dạng giữa đô thị hiện đại, công nghiệp - công nghệ cao, du lịch biển và nông nghiệp sinh thái. Đây là nền tảng để toàn vùng vừa mở rộng không gian kinh tế, vừa nâng cao chất lượng sống, tạo sức cạnh tranh trực tiếp với các trung tâm lớn trong khu vực và từng bước tiệm cận mô hình phát triển của các đô thị kiểu mẫu như Singapore hay Seoul.
Sự tái tổ chức không gian phát triển này không chỉ tạo sức bật cho TP.HCM mà còn mở ra cơ hội nâng tầm toàn bộ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó mỗi địa phương đều là một mắt xích quan trọng.
Tuy nhiên, để tiến trình này thực sự mang lại hiệu quả, cần sự đồng thuận xã hội, quyết tâm chính trị và sự vào cuộc tích cực của chính quyền, các cấp ngành và mỗi người dân.
Là người con của vùng đất này, tôi hiểu hơn ai hết rằng mọi thay đổi lớn lao đều mang theo trăn trở và kỳ vọng. Nhưng với sự chuẩn bị nghiêm túc, quyết tâm của các cấp lãnh đạo cùng với sự đồng thuận của toàn xã hội, tôi tin không gian liên kết mới sẽ từng bước hình thành diện mạo đáng sống hơn, hiện đại hơn, bền vững hơn.
Và tôi càng tin rằng, trong hành trình ấy, phụ nữ, trẻ em và những nhóm dễ bị tổn thương, những đối tượng vốn luôn được quan tâm, sẽ tiếp tục được chăm lo đúng mức, để sự phát triển không chỉ hiện hữu trên những con số mà thật sự lan tỏa thành những đổi thay tích cực, thiết thực trong đời sống của từng người dân toàn vùng.
Trao tặng “Tủ sách yêu thương” cho trường Cao đẳng Việt - Mỹ
Cty CP Văn hóa Chi phối hợp với Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP. HCM trao tặng tủ sách “Lan tỏa yêu thương” cho trường Cao đẳng Việt – Mỹ.