Mẹ chồng mặt nghiêm trọng gọi con dâu vào muốn “bàn chuyện Tết”, tuyên bố sau đó của bà khiến cô không dám tin

"Thú thật là em năm thứ 2 ăn Tết nhà chồng nên lo lắm, không biết mình có gây ra lỗi gì không mà mặt mẹ nghiêm trọng thế", Mai kể.

Những ngày cuối năm, càng có nhiều câu chuyện liên quan đến việc ăn Tết được chia sẻ trên mạng xã hội. Ngoài những xích mích hôn nhân thì cũng có không ít nàng dâu sung sướng tâm sự điều đặc biệt trong cách ăn Tết ở gia đình chồng.

Mới đây, nàng dâu tên Mai đã chia sẻ câu chuyện liên quan đến mẹ chồng mình.

Mai đã kết hôn được gần 3 năm nhưng năm nay mới là cái Tết thứ hai cô đón ở nhà chồng. Gia đình chồng Mai khá dễ chịu, mẹ chồng trẻ trung, bố chồng thấu hiểu nên cô làm gì cũng thấy thoải mái, không phải lo lắng. Tuy nhiên, Tết thì không phải chỉ mỗi ăn Tết trong nội bộ gia đình nên không tránh khỏi việc cỗ bàn linh đình, có khách đến là bê mâm ra vào, cả ngày chỉ có nấu nướng rửa bát. Bởi vậy, Mai cũng có chút sợ Tết.

Mai kể: “Nói thật là năm đầu ăn Tết nhà chồng em hơi hãi. Ở quê em ăn Tết đơn giản lắm, đến chúc Tết rồi ăn tí hướng dương kẹo ngọt thôi. Ở quê chồng lại khác, có bất cứ khách nào vào cũng bưng mâm ra mời khách, ăn chẳng bao nhiêu nhưng uống rượu chúc tụng thì nhiều. Trời này thì lạnh, cả ngày em với mẹ chồng chỉ quần quật nấu nướng, rửa bát rồi lại bê mâm ra bê mâm vào. Suốt 3 ngày Tết như thế, nghĩ lại em vẫn thấy ngại. Đúng là cưới rồi mới biết tại sao mấy chị ở cơ quan cứ kêu Tết là sợ”.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Có lẽ cũng vì những công việc liên tục như thế nên những năm gần đây, nhiều người càng than thở về chuyện “sợ Tết”, “bị Tết ăn chứ không phải ăn Tết”. Bản thân Mai cũng có những nỗi lo đó nhưng điều khác biệt là cô có một bà mẹ chồng hiện đại và rất thấu hiểu.

Năm nay, vì công việc ở thành phố nên sáng 28 Tết hai vợ chồng mới về đến nhà chồng để chuẩn bị mọi thứ. Trước đó, khi gọi điện hỏi han việc mua sắm, mẹ chồng đã bảo thẳng với Mai rằng không phải mua gì vì bà đã mua cả rồi. 

Thậm chí hôm trước chồng cô gọi điện ngỏ ý biếu tiền để bố mẹ sắm Tết, ông bà cũng chối luôn, thậm chí còn “mắng” nhẹ nhàng: “Tiền nong gì, bố mẹ có tiền, chúng tao còn làm ăn được. Tiền chúng mày giữ đó mà tiêu với tích cóp trả nốt nợ nần đi. Có mỗi cái Tết, bố mẹ bao luôn chúng mày còn được. Có mua thùng bia biếu bố thì mua, tiền thôi nhé”.

Mai kể:

“Sáng 28 vừa về đến nhà, cất đồ xong xuôi thì mẹ chồng đã gọi hai vợ chồng lại để nói chuyện. Thú thật là em năm thứ 2 ăn Tết nhà chồng nên lo lắm, không biết mình có gây ra lỗi gì không mà mặt mẹ nghiêm trọng thế. Vừa ngồi xuống, mẹ bảo luôn: “Bố mẹ đã bàn trước với nhau rồi, năm nay gia đình mình ăn Tết gọn lại. Toàn bộ cỗ bàn các thứ mẹ sẽ đặt hết, mình chỉ làm món canh, món xào cúng ông bà ngày mùng 1 thôi. 

Với lại năm nay bố mẹ tính đúng mùng 1 đi chúc Tết ông bà rồi sau đó cả nhà mình đi du lịch từ sáng mùng 2. Mẹ cũng muốn Tết nhất nghỉ ngơi tí, nghĩ đến cỗ bàn mà mẹ sợ quá. Bố mày cũng thấy thế là phải, ông ấy khiếp rượu lắm mà Tết người ta đến chẳng nhẽ không uống. Nên bố mẹ bàn nhau Tết đi du lịch luôn, vừa nghỉ ngơi vừa coi như ăn Tết mới. Các con thấy thế nào?”.

Nghe mẹ chồng nói mà em không dám tin vào tai mình luôn. Chuyện vui mà mẹ làm mặt mày nghiêm trọng sợ quá. Em cũng từng ngưỡng mộ mọi người dám nghĩ đến cái Tết mới, không ngờ bố mẹ chồng mình cũng chuẩn bị cho điều này và còn quyết tâm thực hiện luôn. Bố mẹ chồng em còn bảo rằng nếu con dâu thích thì về nhà ngoại đón Giao Thừa, sáng mùng 2 ông bà lái xe qua chúc Tết bố mẹ em rồi đón em đi du lịch luôn một thể.

Đương nhiên vợ chồng em ủng hộ hai tay hai chân. Vậy là chiều nay cả nhà chỉ đèo nhau lên chợ hoa sắm sửa đồ trang trí. Những thứ còn lại đã được đặt hết rồi. Cứ nghĩ cái cảnh Tết không cỗ bàn linh đình, không phải ngày rửa dăm cữ bát đĩa thì đây đúng là “ăn Tết”, “nghỉ Tết” đúng nghĩa rồi”.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Bởi vậy mới nói, nhiều khi bố mẹ chồng cũng có cách đón Tết vừa mới mẻ vừa hiện đại. Ăn Tết theo cách thức nhẹ nhàng, hưởng thụ như thế đúng là mong ước của rất nhiều nàng dâu.

An Thanh

 Về quê ăn Tết, tôi cảm động rơi nước mắt khi nghe được câu nói của mẹ chồng với bác hàng xóm

Về quê ăn Tết, tôi cảm động rơi nước mắt khi nghe được câu nói của mẹ chồng với bác hàng xóm

Khi tôi ngủ dậy đã hơn 8 giờ, đồ ăn sáng đã có sẵn trên bàn; mẹ chồng thì lui cui nấu nướng dưới bếp.