Ngân hàng ồ ạt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trở lại

Riêng trong tháng 8, tính đến ngày công bố thông tin 25/8/2023, có 15 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị 13.555 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày công bố thông tin 25/8/2023, đã có 15 đợt phát hành riêng lẻ trong tháng 8 với tổng giá trị 13.555 tỷ đồng. Các đợt phát hành này có lãi suất trung bình 8,77%/năm, kỳ hạn chủ yếu từ 3-5 năm.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 118.658 tỷ đồng, với 17 đợt phát hành ra công chúng trị giá 16.476 tỷ đồng (chiếm 15,11% tổng giá trị phát hành) và 92 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 102.182 tỷ đồng (chiếm 86,11% tổng số).

Ngân hàng ồ ạt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trở lại - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Các doanh nghiệp đã mua lại 7.246 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 8. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 154.345 tỷ đồng (tăng 80% so với cùng kỳ năm 2022). Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị mua lại, chiếm 51,35% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng 79.269 tỷ đồng).

Trong thời gian còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 115.831 tỷ đồng. Trong đó, 48,11% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm Bất động sản với gần 55.734 tỷ đồng, theo sau là nhóm Ngân hàng với 23.110 tỷ đồng (chiếm 19,95%).

Trong khi đó, các chủ đầu tư bất động sản vẫn đang phải đối mặt với sự chậm trễ trong xây dựng do vấn đề thanh khoản, điều này có thể khiến người mua nhà từ chối thanh toán các khoản thế chấp và làm tổn thương tâm lý thị trường nhiều hơn.

Áp lực đáo hạn vẫn kéo dài trong khi danh sách doanh nghiệp chậm thanh toán nợ ngày càng dày hơn khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thể phục hồi sớm được.

Thời gian tới, khoảng 16.000 tỷ đồng trái phiếu của ABBank và LPBank có thể sẽ được phát hành trên thị trường, cụ thể:

Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBank) đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ 6.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, kỳ hạn từ 1-5 năm, lãi suất cố định, thả nổi hoặc kết hợp, tùy theo điều kiện thị trường. Dự kiến số đợt phát hành là 10 đợt, trong đó mỗi đợt phát hành tối đa 2.000 tỷ đồng.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LPBank) đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ tối đa 10.000 tỷ đồng. Trong đó, 5 đợt với tổng giá trị 4.500 tỷ đồng dự kiến được phát hành vào tháng 9 và 10 năm 2023. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm, kỳ hạn từ 2 - 3 năm, lãi suất cố định, thả nổi hoặc kết hợp, tùy theo điều kiện thị trường.

Hiện tại, một số doanh nghiệp khác cũng đang lên kế hoạch phát hành trái phiếu.

Cụ thể, HĐQT Vingroup đã thông qua phương án phát hành ra công chúng 5 lô trái phiếu có tổng giá trị 10.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và xác lập nghĩa vụ nợ trực tiếp với Vingroup. Trong tổng số 5 lô trái phiếu, 3 lô trị giá 3.000 tỷ đồng có kỳ hạn 36 tháng, lãi suất cho 2 kỳ đầu là 15%/năm và các kỳ sau bằng bình quân lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của big 4 cộng 4.5%/năm; 2 lô trái phiếu còn lại có kỳ hạn 24 tháng, lãi suất 2 kỳ đầu là 14.5%/năm, các kỳ sau bằng bình quân lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của big 4 cộng 4%/năm.

HĐQT HDBank đã thông qua phương án phát hành ra công chúng tối đa 5.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm, kỳ hạn 7 năm. Trái phiếu được phát hành nhằm mục đích bổ sung vốn cấp 2, cải thiện hệ số an toàn vốn và phục vụ nhu cầu vay của khách hàng.

Ngoài ra, về thị trường trái phiếu sơ cấp, ngày 23/8, Kho bạc Nhà nước gọi thầu tổng cộng 5.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ ở các kỳ hạn 5 năm, 10 năm, 15 năm và 20 năm. Trong đó, các kỳ hạn 5 năm, 10 năm và 15 năm đều có tỷ lệ trúng thầu đạt 100%. Tổng giá trị trái phiếu chính phủ phát hành từ đầu năm tới nay là 227.511 tỷ đồng, tương ứng gần 57% kế hoạch năm, theo Dân Việt.

Về thị trường trái phiếu thứ cấp, giá trị giao dịch (GTGD) thị trường thứ cấp đạt 19.287 tỷ đồng, trong đó GTGD thông thường (outright) trung bình ngày giảm 41% và GTGD mua bán lại (repo) trung bình ngày giảm 32% so với tuần trước. NĐTNN bán ròng 46 tỷ đồng TPCP trong kỳ. Lợi suất TPCP tại phòng giao dịch của VBMA tăng nhẹ so với tuần trước.

(Tổng hợp)

AN LY