Người mua nhà “gánh” giá thép tăng

Khi chi phí xây dựng tăng lên do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp địa ốc cho biết, họ đang cân nhắc việc điều chỉnh giá bán bất động sản. Giá thép tăng cao đã tác động không nhỏ đến lợi nhuận, buộc doanh nghiệp phải tính đến việc điều chỉnh giá bán sản phẩm.

Giá thép trên thị trường hiện ở mức 18.700 - 18.800 đồng/kg, tăng khoảng 45% so với hồi đầu năm và tăng gần gấp rưỡi so với quý III/2020. Cơn sốt nóng của giá thép bắt nguồn từ giá nguyên liệu đầu vào của mặt hàng này không ngừng tăng, trong khi ngành thép Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào nguồn nhập khẩu. Theo chia sẻ của những doanh nghiệp này, chi phí mua thép xây dựng chiếm khoảng 28% chi phí xây dựng căn hộ chung cư và khoảng 35% chi phí xây dựng căn nhà liền kề.

Về ảnh hưởng của việc tăng giá thép với các nhà thầu xây dựng, đại diện một nhà thầu xây dựng đang có 3 dự án thi công chung cư, nhà liền kề ở tỉnh Bình Dương, với tổng giá trị khoảng 900 tỷ đồng cho biết, khi thép tăng kỷ lục, vượt ngoài mọi dự báo, nhà thầu này đã chịu thiệt hại khoảng 8% tổng giá trị hợp đồng và mất toàn bộ lãi thi công các công trình. “Giá thép tăng đột biến, vượt quá chi phí dự phòng và ảnh hưởng đến vùng giá họ đưa ra thị trường. Bản thân chủ đầu tư cũng phải cân đối để đảm bảo lợi ích giữa họ và nhà thầu để giúp sản phẩm đưa ra thị trường đúng theo tiến độ đã cam kết với người mua. Nếu giá cả cứ tăng tiếp, người mua sẽ là người cuối cùng phải chịu”, vị này nói.

Lo lắng trước nguy cơ nhiều doanh nghiệp “vỡ trận”, phá sản vì giá thép tăng phi mã, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã gửi văn bản “kêu cứu” tới Văn phòng Chính phủ. Theo đó, VACC kiến nghị có sự chỉ đạo sớm các bộ, ngành liên quan kiểm tra và xử lý triệt để nguyên nhân làm giá thép tăng đột biến. Cùng với đó, Hiệp hội này kiến nghị Sở Xây dựng phải cập nhật kịp thời đơn giá thị trường để có cơ sở áp dụng cho các nhà thầu.

Đối với các dự án, công trình đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước, trước khi tìm ra nguyên nhân giá thép tăng và có biện pháp, thì Nhà nước nên sớm có quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư và chấp nhận thanh toán đơn giá cho nhà thầu theo giá thị trường. Còn đối với công trình đầu tư từ nguồn vốn tư nhân, nguồn lực xã hội, cần phải có biện pháp khuyến cáo, kêu gọi các chủ đầu tư xem xét, chia sẻ với nhà thầu.

Với những dự án đã khởi công xây dựng và đang trong quá trình triển khai, chủ đầu tư sẽ không còn thời gian để điều chỉnh giá bán với khách hàng, phải chịu thiệt thòi về lợi nhuận. Đối với các dự án chưa công bố bán hàng, chưa khởi công xây dựng và chưa đưa vào kinh doanh, thì chủ đầu tư vẫn còn đủ thời gian để điều chỉnh giá bán. Những dự án mới bán khoảng 50% thì lượng sản phẩm còn lại sẽ được điều chỉnh giá để bù lại khoản chi phí mà chủ đầu tư đã phải chịu thiệt trước đó.

Lo ngại trước đà tăng mạnh tiếp theo của giá nguyên liệu thép, một số doanh nghiệp phải dành lượng lớn tiền để nhập dự trữ. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực xây dựng, do sắt thép chiếm đến tỷ trọng lớn trong giá trị công trình nên doanh nghiệp khó có đủ nguồn vốn để dự phòng. Chính vì vậy, họ phụ thuộc hoàn toàn vào biến động thị trường.

Chủ đầu tư cũng khó chấp thuận giãn tiến độ thi công hoặc điều chỉnh giá hợp đồng do ngại ràng buộc pháp lý về tiến độ bàn giao nhà và giá bán sản phẩm theo hợp đồng với khách hàng. Do đó, đối với các hợp đồng ký mới thì đơn vị bắt buộc phải điều chỉnh giá để phù hợp với tình hình giá nguyên vật liệu tăng phi mã như hiện nay.

Kiên Cương