Người thua cuộc

Khác với hình dung của Phượng, công ty như thứ gì đó sang trọng, nó lại giống một trại lính. Giám sát các cô là đội chủ quản (đốc công).

Phượng là cô gái nhà quê ngây thơ, chủ nhật nào cũng mang gà lên chợ huyện bán. Thi thoảng, cô lại dán mắt vào cái tủ kính cửa hàng phố huyện để ngắm những người đàn ông, đàn bà mặc đồ hàng hiệu sáng loáng như được bọc sáp, trưng bày trong đó. Phượng chẳng thể nào nghĩ rằng họ thì có dính líu gì đến cuộc đời cô? Cho đến một ngày có người đàn ông về làng cô để “tuyển công nhân làm công ty”.

Chiếc xe máy "tàu" và vài chỉ vàng

Một sáng mùa đông, Phượng rời cái làng quê nghèo ra tỉnh. Hôm ấy, từ cô bán gà phố huyện, cô thành thợ may mũi giày thành phố! Công ty “của cô” nằm ở ngoại thành Hải Phòng, toàn đám thanh niên choai choai. Sau cô mới biết: Các ông bà chủ khôn chán! Họ chỉ thích cái khỏe mạnh, lành tính, không biết “xù lông” đáp trả của những cô gái nông thôn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khác với hình dung của Phượng, công ty như thứ gì đó sang trọng, nó lại giống một trại lính. Giám sát các cô là đội chủ quản (đốc công). Họ giống hệt nhau: Khuôn mặt khép kín như cửa nhà tù, mắt như hai cái cúc áo không hề biết chớp, đầy vẻ nghi ngờ. Họ không cần sự yêu quý, chỉ cần sợ hãi. Trong giờ làm việc, họ không cho các cô cười, không cả nói chuyện, thậm chí quy định số lần được đi vệ sinh mỗi ngày! Nội quy công ty là một tràng dài những điều cấm đoán, “sai một ly, đi một dặm”. Ôi nhầm! đi…nộp phạt!

Công việc của Phượng (các cô gái khác cũng vậy) vô cùng đơn điệu, ngày ngày giống nhau như những hạt đỗ trong cùng một quả! Tuy nhiên, cường độ lao động thì thật nặng nề, nhất là khi đến thời hạn giao hàng- 12 đến 14 giờ làm việc mỗi ngày!

Phượng còn trẻ, khỏe, cô sẵn sàng làm thêm giờ, miễn là thêm... tiền cho nó bõ công. Thế nhưng, nhiều lần cô phải đình công cùng với chị em để đòi bà chủ (một người, cô tả, “Như con gà tây xòe đuôi”) thực hiện lời hứa tăng lương. Từ ngày Phượng vào công ty nó cứ xa vời như lời hứa hẹn phần thưởng ở chốn thiên đàng!

Phượng chìa cho tôi xem ảnh một cô gái quê tròn trĩnh, da hồng hào, tóc đen nhánh, môi dưới có một đường cong dịu dàng như hé mỉm cười rồi bảo: “Cháu ngày xưa đấy!”. Bây giờ trước mắt tôi là cô Phượng gầy nhẳng như một nốt nhạc, bệch bạc như vải phai màu.  Cô nói: “Cháu chưa có bệnh gì cả, chỉ thiếu ăn, thiếu ngủ thôi!”.

Những ngày đầu đến công ty, Phượng không ngủ được vì thiếu ngọn gió thơm tho, dịu dàng bay vào cửa sổ, thiếu tiếng chim đập cánh trong vòm cây, tiếng động mơ hồ của con cá quẫy dưới sông. Còn bây giờ thì ngơi phút nào là cô tranh thủ ngủ, mặc kệ không khí ngột ngạt mùi khét buồn nôn của cao su cháy, mùi nấm mốc, mùi nước tiểu vây quanh nhà trọ hay tiếng còi xe ô tô ré lên như tiếng khóc của con thú bị thương. Cô ngủ say như một cái gốc cây đến khi gà gáy lôi bình minh dậy.

Nếu trong công ty đi nhẹ nói khẽ, thì ngoài công ty, suốt ngày, dịch vụ ăn uống hoạt động náo nhiệt. Đồ sống- cà chua, rau cải, những con cá mắt mờ đục- được bày ngay trên mặt đất còn dính bùn từ trận mưa hôm qua. Đồ chín- bánh rán, thịt kho- được để tênh hênh, bất chấp lũ ruồi và đám mây bụi cuốn theo từ hàng trăm chiếc xe tải trên đường cái quan.

TH, thợ dán đế giày, gọi “thực đơn” cho bữa trưa của mình: Một cái bánh mỳ kẹp thịt (những miếng thịt có bề dày của chiếc lá cỏ, ăn dai như thịt quạ già), một cốc chè đỗ (nấu đường hóa học, ngọt nhức chân răng) và một cái tăm! Tất cả 15.000đ. Hình như đấy là tiêu chuẩn của các cô thợ da giày. Chỉ khổ cho những con chó lang thang, lục lọi đống rác thấy vỏ hoa quả mà không bao giờ thấy thức ăn thừa! Tôi hỏi TH ăn cảnh vẻ thế có lớn được không? Cô gái 21 tuổi, thân hình đậu đũa, thật thà như đếm: “Đã 3 năm rồi cháu vẫn mặc vừa vặn chiếc áo này!”.

Hết giờ nghỉ trưa, họ lũ lượt vào công ty. Nhìn những cô gái bé nhỏ, hao gầy, lầm lũi đi trong nắng hè, không biết bà chủ da giày tôi quen, vẫn hay nói về tình người với vẻ xót thương như bông hoa nhựa, nghĩ gì?

Anh P, cán bộ công đoàn, nói rằng: “Thông thường chỉ sau 10 năm là các cô thợ da giày giải nghệ vì bị kiệt quệ. Làm việc trên 15 năm thì hiếm như gà có răng!”. Họ lại về quê, mang theo hành lý xách tay: Chiếc xe máy “tàu” và vài chỉ vàng. Ruộng vườn ở quê không biết là còn hay mất, nhưng tuổi thanh xuân thì chắc chắn đã hết rồi. Làm sao dạy con sáo già biết hót điệu mới?

Cánh cửa tương lai bị khóa

Một chiều thứ bảy, anh P đưa tôi đến một cái ngõ đầy những mèo hoang, nơi tá túc của 4 cô “da giày”. Đó là ngôi nhà xây xấu xí bằng gạch mộc. Thấy có khách đến, các cô vội vàng dúi đám bát đĩa chưa rửa vào sau đống giẻ lau nhà. Căn phòng 15m2, không biết họ có phải thay nhau để thở không? Chắc không! Vì ngoài 4 cô, nếu không kể con chó già mồm đầy nước dãi đang gắt nhặng ở xó nhà, trong phòng còn nhiều diễn viên Hàn Quốc và các cô gái phương Tây mặc đồ lót viền đăng ten. Họ được cắt ra từ bìa tạp chí và được dán ở đầu giường mỗi cô.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chúng tôi ngồi xuống những chiếc ghế nhựa vương sợi lông chó nói chuyện với nhau. Họ kể toàn những chuyện buồn. Có vẻ cái buồn như được cài sẵn trong bức tường nhà khi họ đến đây. Họ phải rời bỏ làng quê với một khát vọng đổi đời. Thế rồi họ đã phí hoài thời gian để chờ mãi trong tuyệt vọng cái ngày cánh cửa mở cho tương lai ùa vào. Mang tiếng sống ở thành thị mà chẳng mấy khi các cô được hưởng niềm vui thị thành. Một ngày luẩn quẩn hết vào công ty lại ra nhà trọ. Có cô nuối tiếc: Biết thế ngày xưa ở nhà lấy béng gã thu thuế chợ rồi đẻ con cho anh ta! Vài cái chỉ vàng chắt chiu dành dụm không đủ bôi trơn cho một tuổi trẻ lụi tàn.

Đến bây giờ thì ước mơ của các cô đã trở nên khiêm nhường. Họ chẳng để ý đến sự biến đổi khí hậu, đến chiến tranh hay hòa bình (nhưng dịch COVID thì có). Đàn ông là câu trả lời cho những nguyện cầu của họ! Điều họ quan tâm là một tấm chồng.

Hôm nay, cô thợ may mũi giày K đang chuẩn bị đi chơi với người yêu. Trẻ trung như cô thì chỉ cần véo vào má cho nó hồng lên, tội gì tô môi đỏ chót, làm cho son dính đầy răng! Người yêu cô là một gã trung niên, mép lủng lẳng một nụ cười dễ dãi, hễ mở mồm là phun ra một lời chửi bậy. Chẳng bà mẹ tử tế nào an tâm khi thấy một gã như thế xuất hiện gần nhà. Nhưng bà ở mãi tận quê nên không cấm được cô gặp hắn ta. Mỗi lần như vậy cái răng to tướng của cô lại bị lộ ra trong một nụ cười hạnh phúc!

Khá nhiều cô gái da giày xa nhà không gặp may trong quan hệ tình cảm. Đánh hơi thấy sự cô đơn của họ, những gã sở khanh mò đến. Mặc dù các cô da giày hay nói: “Đời là một sự lừa dối” (chẳng biết học mót từ ai?). Tuy nhiên, cái vẻ trải đời non dại không che lấp được nguồn gốc nhà quê trong trắng. Thế nên những cô gái trẻ mong manh thoát làm sao được lưới tình bủa vây của đám đồ tể trái tim phụ nữ. Chúng “câu” các cô bằng mồi: Mới gặp 10 phút đã bàn tính chuyện trăm năm!

Nhiều cô sau này mới hiểu: Những lời thề thốt của người đàn ông như chiếc phao thủng cho người đàn bà bám vào trước khi chìm nghỉm. Đó là khi cô mang bầu, một mình đến gặp bác sĩ phụ sản: “Chồng” cô đâu rồi? Bắt làm sao được gió trên cánh đồng!

Khốn nạn hơn nữa là có những thằng lôi kéo họ vào con đường nghiện ngập. Họ bị mất việc, không dám về quê. Và giờ họ dạt đâu đó tận ngoài Đồ Sơn.

Nhiều lúc thiếu tiền để gửi về quê cho bu bị ốm, có cô da giày chợt nghĩ: Dại gì cho không thằng sở khanh nhỉ? Thế là cô quyết định bán cái vốn tự có của mình!

Ông giám đốc A cổ dài, chân ngắn, mắt như mắt ruồi: to, sẫm màu và lóe sáng, chỉ được mỗi cái ví đầy. Một tối, ông mang về phòng khách sạn một em trông bắt mắt như một quả dâu tây chín mọng. Khi tàn cuộc vui, ông lấy tiền trả và ngạc nhiên thấy cô đưa cho ông 500 ngàn đồng: “Ngày xưa, chúng em đình công 8 ngày anh mới chịu tăng phụ cấp bằng ngần này tiền. Hôm nay em bo cho anh!”. Thì ra cô là công nhân da giày của ông!

Chúng tôi ra cửa thì bầu trời đã chi chít các vì sao ướt vì lắm nỗi buồn. Con đường về nhà chằng chịt những bóng nhà và bóng cây xiêu vẹo. Thành phố về khuya đang lim dim trong giấc mơ của nó. Trong đó chắc chắn không có các cô da giày, vì đã lâu rồi chính họ cũng không còn muốn mơ nữa! Đang sống mà phải nuôi hy vọng bất khả thi, thì đó là người thua cuộc!

Cuối thế kỷ trước có một lý thuyết làm đảo lộn cả thị trường lao động toàn cầu “Thương hiệu, chứ không phải là sản phẩm, mới là mấu chốt thành công”.

Xây dựng thương hiệu tốn rất nhiều tiền nên phải cắt bớt càng nhiều càng tốt chi phí sản xuất. Thế là các tập đoàn lớn không tự sản xuất sản phẩm trong nhà máy của mình nữa. Họ đi thuê ngoài.

Cái họ cần là giá thành thật rẻ. Họ tìm đến các quốc gia có nhiều lao động và ít việc làm. Đương nhiên người lao động nước sở tại sẽ chỉ nhận được đồng lương mạt hạng.

Ngành da giày của Việt Nam chủ yếu là gia công cho nước ngoài, chẳng đóng được bao nhiêu cho ngân sách, cho sự phát triển kinh tế bền vững, mà còn tạo ra vô số hệ lụy: Ô nhiễm môi trương, sức khỏe cộng đồng… Cái lý cho sự tồn tại của ngành chỉ là vấn đề giải quyết lao động thất nghiệp.

Da giày không phải là sự lựa chọn giữa việc làm tốt và việc làm tồi, mà là lựa chọn giữa việc làm tồi và không việc làm!

Hà Linh Quân

Về quê vải tổ

Về quê vải tổ

Không gian bỗng nhiên ấm sực mùi vải và như có tiếng chim tu hú kêu! “Vải Thúy Lâm đây! Không ăn “vải Tổ” tiếc đổ máu mắt đây!”.