Nhu cầu nhà ở cho công nhân hết sức cấp bách

 Do quy mô lớn, vốn đầu tư cao, nhưng thu hồi vốn chậm, hiệu quả thấp nên rất ít doanh nghiệp mặn mà đến việc xây dựng nhà ở cho công nhân. Trong khi đó, vấn đề nhà ở, hạ tầng xã hội và đời sống công nhân trong khu công nghiệp đặt ra hết sức cấp bách.

Hiện có khoảng 55% công nhân trong các khu công nghiệp tập trung phải thuê nhà trọ do các hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư xây dựng gần các khu công nghiệp, đa số là những dãy phòng cấp bốn, diện tích mỗi phòng chỉ rộng khoảng 9-10m2, thiếu nước sạch, môi trường ô nhiễm, giá thuê trọ cao, không có hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật kèm theo dẫn đến không đảm bảo chất lượng sống của người lao động.

Tỷ lệ lao động nhập cư hiện nay ở các khu công nghiệp khoảng trên 50%, địa phương có tỷ lệ lao động nhập cư cao như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, lao động ngoại tỉnh chiếm tới 70%.

Theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ từ báo cáo của các địa phương, nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong giai đoạn này khoảng 294.600 căn, tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp khu vực đô thị khoảng 131.100 căn, tổng mức đầu tư khoảng 138.000 tỷ đồng; còn nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là 163.500 căn, tổng mức đầu tư khoảng 82.000 tỷ đồng.

Nguồn vốn tín dụng dành để cấp bù lãi suất cho các chủ đầu tư dự án và các đối tượng được ưu đãi vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội (trong đó có công nhân khu công nghiệp) vẫn còn thiếu. Từ sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng kết thúc, việc phân bổ nguồn vốn để phát triển nhà ở xã hội theo quy định pháp luật về nhà ở còn hạn chế; đến thời điểm hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội mới được phân bổ 2.163/9.000 tỷ đồng, chiếm 27% nhu cầu giai đoạn 2016-2020.

Trong khi đó, các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định (4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định) chưa được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội, dẫn đến nhiều dự án bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công do chủ đầu tư dự án và người mua nhà ở xã hội ko tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi nhà ở xã hội.

Về cơ chế ưu đãi cho chủ đầu tư, chủ đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng (nếu có) và được khấu trừ chi phí này khi nộp tiền sử dụng đất kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về đất đai để được hưởng ưu đãi tương tự như quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội 20% trong các dự án nhà ở thương mại.

Về vay vốn để xây dựng; mua, thuê mua nhà ở xã hội, cần xem xét quy định tổ chức tín dụng chủ đầu tư vay vốn đồng thời là đơn vị cho vay đối với người mua, thuê mua nhà ở xã hội tại cùng dự án. Cho phép chủ đầu tư được áp dụng hình thức tự thực hiện đối với các công tác tư vấn, thi công xây lắp, nếu có đủ năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Theo khảo sát của Sở Xây dựng TP HCM, công nhân chỉ có thể dành 15-20% thu nhập hàng tháng, tương đương 1,5-2 triệu đồng chi trả cho nhà ở. Việc này khiến thời gian chi trả khi mua nhà của công nhân kéo dài, nhà đầu tư chậm thu hồi vốn nên không mặn mà. Vì vậy, ngoài hỗ trợ người mua dễ vay vốn từ ngân hàng chính sách với lãi suất 4,8%/năm, thành phố sẽ có phương án hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng nhà ở dành cho người thu nhập thấp.

Tĩnh Kiên

(Tổng Hợp)