Hôm xảy ra cái vụ dân cư mạng tưng bừng chửi (đúng nghĩa đen) nền giáo dục nước nhà nhân hình ảnh một cháu bé bốn tuổi bị buộc dây ở cổ áo vào cửa sổ tại trường mầm non Trực Đại B, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định…. Truyền hình có tìm đến tận nơi phỏng vấn. Bà Hiệu trưởng của trường nức lên khi nói rằng vụ việc này làm ảnh hưởng đến uy tín trường, uy tín toàn ngành giáo dục… Còn ông trưởng phòng giáo dục và đào tạo huyện Trực Ninh thì thốt lên đầy đau xót, rằng ngành giáo dục của ông như tờ giấy trắng, mấy cô giáo mầm non Trực Đại làm như vậy chẳng khác gì chấm mực đen lên tờ giấy.
Nghe ông nói, tự dưng cũng thấy xót xa cho ngành giáo dục…
Nhưng mà ngẫm lại, người ta chỉ so sánh tờ giấy trắng với tâm hồn những em bé thơ ngây lẫm chẫm vào đời. Chứ ngành giáo dục, tai tiếng nhiều vô kể. Trước vụ em bé bị buộc dây vào cửa sổ này, là vụ em bé ăn 231 cái tát từ các bạn cùng lớp ở Quảng Bình. Cô ra lệnh, thế là các em tát bạn, cô chỉ bồi thêm một cái tát ân huệ cuối cùng cho em bé đi viện.
Thật khổ thân tờ giấy trắng nếu bị đem so sánh với ngành giáo dục quanh năm nhiều chuyện thế này. (Tranh minh họa TTC) |
Trước đó, ngoài mấy chuyện bạo hành học đường, lùm xùm thi cử cũng gây kinh thiên động địa, chưa kể các vụ lặt vặt như ép phụ huynh đóng góp tiền trái quy định, hay sách giáo khoa đọc lên thấy rất… linh tinh, thật khổ thân tờ giấy trắng nếu bị đem so sánh với ngành giáo dục quanh năm nhiều chuyện thế này.
Cứ mỗi đợt Quốc hội họp, là ông Bộ trưởng Bộ GD &ĐT bị đem ra chất vấn, chưa kể đến chương trình Gặp nhau cuối năm trên truyền hình, muốn thế nào thì muốn, chẳng thiếu được ông Táo giáo dục. Thế nên bảo ngành giáo dục như tờ giấy trắng thì oan cho ngành quá. Giấy biểu trưng của ngành giáo dục, màu gì thì màu, dứt khoát không phải là màu trắng.
Cái bệnh thấy ngành mình chẳng có lỗi gì, lỗi chẳng qua của người khác, lâu lắm rồi là bệnh kinh niên của của các ông bà làm công tác giáo dục. Ông bà nào làm đến hiệu phó cũng mở miệng là nói sợ ảnh hưởng thi đua. Cuối cùng, chẳng hiểu thi đua quan trọng hay việc giáo dục con người mới là quan trọng?
Cứ ngẫm 23 em đã mạnh tay tát bạn, mỗi em mười cái, không em nào dám kháng cự lện của cô giáo, không em nào dám thốt lên một câu rằng : Thưa cô em không thể đánh người!
Tâm hồn các em liệu có còn như tờ giấy trắng hay không? Bắt trẻ em phải bạo hành, việc ấy không gieo mầm ác vào những tấm lòng đang trong trắng mới là chuyện lạ. Cũng như, cho là vì ý tốt, các cô mầm non buộc dây vào cổ áo cháu bé khuyết tật, buộc cháu vào cửa sổ, là để cháu khỏi chạy nhảy nhỡ tăng động làm đau bạn khác.
Bắt trẻ em phải bạo hành, việc ấy không gieo mầm ác vào những tấm lòng đang trong trắng mới là chuyện lạ. (tranh biếm họa của TTC) |
Nghĩ cũng thương các cô, nhận một cháu khuyết tạt, rối loạn phổ tự kỷ vào lớp của mình, vừa phải trông nom, vừa mang tiếng ác khi bức ảnh cháu bé bị đưa trên mạng. Nhưng một lớp mầm non bốn mươi cháu, nhìn một cháu khuyết tật bị xích lại (cũng là nghĩa đen thôi), thì bốn mươi tâm hồn ấy nghĩ gì? Liệu sau này các cháu còn có thể tử tế với người khuyết tật được không?
Một cháu khuyết tật như thế, cần được chăm sóc riêng. Khổ thân các cô giáo vì thương bà cháu đứa trẻ mà nhận rồi vì thiếu phương pháp sư phạm mà mang vạ…
Thiếu phương pháp sư phạm, lỗi chẳng của riêng các cô.
Nhưng mà từ trên xuống dưới, ngành giáo dục vẫn thấy mình như tờ giấy trắng, hơi tý tẹo lo ảnh hưởng thành tích, khiến xã hội nói chung chẳng biết nghĩ thế nào.
Đành thương tờ giấy trắng, tiện thể thương lũ nhỏ thỉnh thoảng bị thày cô quệt mực vào tâm hồn.
Học sinh trường Gateway tử vong trên xe đưa đón: Khởi tố vụ án vô ý làm chết người
Tại buổi họp báo thông tin về vụ cháu bé lớp 1 trường Gateway tử vong, cơ quan chức năng cho biết đã khởi tố vụ án để điều tra.