Sinh ra và lớn lên ở “quê rối” Đào Thục, NNƯT Nguyễn Thị Thỏa từ nhỏ đã say mê với những làn điệu chèo sâu lắng từ các nghệ nhân trong làng. Tình yêu với chèo của bà lớn dần, trở thành nền tảng dẫn dắt bà bén duyên với nghệ thuật rối nước.
Và cũng có lẽ bởi cơ duyên, bà làm dâu trong một gia đình có truyền thống múa rối nước ở chính quê mình. Được sự động viên của gia đình chồng, năm 2000, bà quyết định xin gia nhập phường rối.
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Thỏa (bên trái) chia sẻ về rối nước (Ảnh: Nhandan) |
Do không muốn lọt bí quyết điều khiển quân rối ra ngoài, người làng Ðào Thục không dạy múa rối nước cho phụ nữ. Sau nhiều năm chỉ được làm ở “tổ cạn” với công việc đàn hát trên bờ, bà Thỏa quyết tâm phá lệ, tìm cơ hội xin trưởng phường để được xuống nước.
“Lúc mới xuống nước, tôi cũng hơi sợ. Ở tuổi 40, đôi tay không còn linh hoạt như trước, nhưng vì đam mê, tôi luôn cố gắng học hỏi và say sưa luyện tập”, bà Thỏa bộc bạch.
Lúc đầu bà Thỏa chỉ được giao điều khiển những quân rối đơn giản như con cá. Dần dần bà mới được phép chuyển sang điều khiển những quân rối phức tạp hơn. Luyện tập bằng niềm đam mê giúp nữ nghệ nhân làm chủ việc điều khiển các con rối, gồm rối tay (điều khiển trực tiếp bằng đôi tay) và "rối máy" (dùng dụng cụ để điều khiển những quân rối ở xa, với những cử động phức tạp).
Múa rối nước là công việc nặng nhọc, vất vả, nhất là khi thời tiết trở lạnh, vì vậy công việc này thường do đàn ông gánh vác. “Mùa đông xuống nước thì ngại lắm, nhưng chỉ cần vào vở diễn là quên hết, vì đam mê nghề quá”, bà Thỏa nhớ lại.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Thỏa là người phụ nữ đầu tiên của làng Ðào Thục được múa rối nước. Điều này đã tạo động lực, mở đường cho nhiều chị em khác theo đuổi nghề truyền thống.
“Đam mê là yếu tố then chốt để giữ được lửa với nghề này. Nếu có đam mê, tự khắc sẽ có sự chăm chỉ, kiên trì và mong muốn học hỏi để nâng cao kỹ năng. Nếu ai bước vào nghề chỉ vì tiền bạc, chắc chắn sẽ không thể duy trì lâu dài”, nữ nghệ nhân khẳng định.
Ngày ngày, bên cạnh công việc đồng áng, ở tuổi gần 60, NNƯT Nguyễn Thị Thỏa vẫn miệt mài trong công tác tuyên truyền, vận động các nghệ nhân trong làng; động viên bà con phường rối Đào Thục tiếp tục giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống của nghề mà các bậc tiền bối đã gìn giữ bao đời nay.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Thỏa say mê với nghệ thuật truyền thống (Ảnh: Hanoionline) |
Năm 2019, bà Nguyễn Thị Thỏa vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú bởi thành tích cống hiến xuất sắc trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc qua loại hình nghệ thuật múa rối nước truyền thống. Năm 2020, bà nhận kỷ niệm chương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch do có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Văn hóa, thể thao và du lịch.
Hiện nay, gia đình NNƯT Nguyễn Thị Thỏa đã có 3 thế hệ theo nghề múa rối nước truyền thống. Họ cùng với những nghệ nhân nơi đây vẫn đang miệt mài viết tiếp truyền thống văn hóa đặc sắc của loại hình Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia này.
Festival nghề truyền thống Huế 2023 xác lập 4 kỷ lục tại Việt Nam
Theo Ban tổ chức, tại Festival nghề truyền thống Huế 2023, có 4 kỷ lục Việt Nam được xác lập, cùng với đó có khoảng 300.000 lượt du khách và người địa phương đến tham quan và trải nghiệm các hoạt động.