Căn bệnh khiến nữ TikToker bị "4 bệnh viện trả về", nằm liệt giường chỉ sau một đêm ngủ
Trong tập phát sóng "Hành trình rực rỡ" gần đây, Trường Giang, Phát La khiến khán giả xúc động... khi chia sẻ kỷ niệm giải cứu một số lượng lớn cam cho người nông dân. Sau đó mang hết số cam vào một bệnh viện tặng lại cho những bệnh nhân đang điều trị. Trong lần làm từ thiện đó, một bệnh nhân nữ đã được Trường Giang đến tận nơi nắm tay động viên, thăm hỏi...
Nữ bệnh nhân đó có tài khoản TikTok tên là K.L, sau vài tháng điều trị và khỏi bệnh người này mới đây đã đăng tải một video, ngoài chia sẻ về kỷ niệm được Trường Giang đến thăm hỏi và tiếp thêm hi vọng, thì cô cũng nói về căn bệnh mà bản thân mắc phải.
K.L chia sẻ kỷ niệm được Trường Giang thăm hỏi, động viên khi đang nằm bệnh. |
Theo đó, một buổi sáng ngủ dậy K.L nhận thấy đầu óc xây xẩm, chóng mặt, không thể điều khiển tứ chi... mặc dù trước đó cô không hề có bất kỳ dấu hiệu khác lạ nào. Người nhà nghĩ rằng K.L bị hạ canxi nên đã đưa vào bệnh viện. Tuy nhiên sau khi được truyền canxi, tình trạng của L không hề thuyên giảm. Thậm chí còn trở nặng với biểu hiện mất thị lực, không thể nhìn thấy mọi vật dù ở khoảng cách gần.
"Gia đình chuyển L lên Sài Gòn khám bệnh, đi 4 bệnh viện nhưng không nơi nào nhận hết. Đến bệnh viện thứ 5 mới được nhận, L trải qua rất nhiều cuộc xét nghiệm từ MRI, điện cơ... thì mới phát hiện mình mắc hội chứng tên là Miller Fisher. Căn bệnh này dù không nổi tiếng nhưng nó còn nghiêm trọng hơn cả tai biến", K.L chia sẻ.
Đi 5 bệnh viện, nữ TikToker mới phát hiện mình mắc hội chứng tên là Miller Fisher. |
Cũng theo cô gái trẻ, kể từ khi bị bệnh cô không thể tự sinh hoạt cá nhân mà phải nhờ đến sự giúp đỡ của người thân. "Mắt không thấy đường, miệng không nói được và phải tập nói lại từ đầu", K.L cho hay.
Nói về nguyên nhân khiến mình mắc bệnh, K.L cho biết: Vài ngày trước khi phát bệnh, cô xuất hiện một cơn ho. Sau khi khám bệnh, bác sĩ cho rằng cơn ho đó chính là nguyên nhân. "Bởi khi chúng ta ho, cơ thể sẽ tiết ra đề kháng, nhưng đề kháng không kháng lại con virus mà cơ thể đang có lúc đó mà lại đi nuốt hệ thần kinh. Đó là lý do vì sao L đã bị liệt dây thần kinh, dẫn đến mắt không thấy đường, tay chân không kiểm soát được...", K.L nói.
K.L cũng cho biết, căn bệnh mà cô từng mắc phải hết sức kinh khủng, cô đã nghĩ bản thân không bao giờ trải qua được. Nhưng rất may khi bác sĩ thông báo cô mắc Miller Fisher ở thể nhẹ, cơ thể có thể tự phục hồi sau 2 tháng.
"L có hỏi bác sĩ vì sao chỉ bị ho thôi mà lại bị nặng như vậy. Bác sĩ có giải thích rằng giới trẻ hiện nay ăn uống, sinh hoạt không điều độ và thức rất khuya, đó là một trong những nguyên nhân gây bệnh. Bệnh viện cũng đã tiếp nhận kha khá tình trạng như vậy rồi", L nói.
Qua câu chuyện của mình, K.L hi vọng đây sẽ là lời cảnh tỉnh cho các bạn trẻ đã có thói quen sống không lành mạnh như mình.
Miller Fisher là bệnh gì?
Theo Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia (Hoa Kỳ): Hội chứng Miller Fisher (MFS) là một trong những dạng hiếm gặp của hội chứng Guillain-Barré (GBS). Đó là một rối loạn thần kinh ngoại vi hiếm gặp.
Hội chứng này có thể xuất hiện sau khi mắc một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus, tìm thấy trong thực phẩm hoặc do môi trường lây nhiễm. Cơ thể nhầm lẫn các dây thần kinh với các protein của vi khuẩn hoặc virus dẫn đến tổn thương thần kinh.
Vi khuẩn phổ biến nhất gây ra GBS và MFS là Campylobacter jejuni, có thể gây đau bụng và tiêu chảy. Các loại virus có thể gây ra MFS và GBS bao gồm nhiễm HIV, Epstein-Barr (bệnh bạch cầu đơn nhân) và virus Zika...
Các triệu chứng của hội chứng Miller Fisher là gì?
Hội chứng Miller Fisher gây yếu mắt và cơ ở cả hai bên cơ thể. Nó có thể gây khó khăn khi đi lại và các vấn đề về thăng bằng. Nó có thể bắt đầu ở chân, từ từ lan sang cánh tay và mặt. Một số người mất khả năng cử động chân, tay hoặc mặt. Một số người có thể khó thở vì nó ảnh hưởng đến hô hấp của họ. Các triệu chứng khác của MFS có thể bao gồm:
- Ngứa ran hoặc tê ở tay hoặc chân.
- Đau ở lưng, chân hoặc cánh tay.
- Các vấn đề về chuyển động của mắt và/hoặc nhìn mờ.
- Mất sự phối hợp ở tay và chân.
Hội chứng Miller Fisher được điều trị như thế nào?
Điều trị hội chứng Miller Fisher cũng giống như GBS, nó còn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của người bệnh:
- Điều trị triệu chứng do MFS gây ra: Những người mắc MFS thường được điều trị triệu chứng tại bệnh viện. Bác sĩ sẽ theo dõi nhịp tim, nhịp thở và sức khỏe tổng quát. Nếu có vấn đề về hô hấp, bạn có thể cần dùng ống thở.
- Điều trị giảm đau: Các bác sĩ có thể sử dụng các loại thuốc khác nhau để điều trị giảm đau cho bệnh nhân.
- Điều trị tình trạng bệnh: Không có cách chữa trị ngay lập tức cho MFS và GBS. Tuy nhiên, có những phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả có thể giúp cơ thể cải thiện trong thời gian ngắn hơn. Những phương pháp điều trị này là globulin miễn dịch (IVIG) và trao đổi huyết tương.
- Phục hồi thể chất cho các cơ bị ảnh hưởng: Những người có cơ yếu cần 1 đến 2 tuần tập phục hồi chức năng với bác sĩ.
Làm sao để phòng chống hội chứng Miller Fisher?
Một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn và virus có thể gây ra những rối loạn này. Do đó, bạn có thể thực hiện một vài biện pháp để giảm nguy cơ mắc Miller Fisher:
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân: Rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước trước và sau khi sơ chế thịt sống, thịt gia cầm...
- Nấu chín kỹ gia cầm trước khi ăn.
- Đảm bảo sử dụng nguồn nước sạch.
- Tránh tiêu thụ sữa tươi chưa tiệt trùng.
- Quan hệ nam nữ an toàn.
- Bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch phải tuân thủ chế độ dùng thuốc để tránh một số bệnh, bao gồm nhiễm virus, vi khuẩn...
- Khám sức khỏe định kỳ. Duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh để đảm bảo hệ miễn dịch luôn làm việc hiệu quả.
Chợ ẩm thực bình dân nổi tiếng nhất Singapore vắng hoe vì thông tin về ca nhiễm bệnh lao, người dân và du khách "né" vội, sự thật ra sao?
Người ta cho rằng căn bệnh này gây chết người và có thể lây nhiễm. Doanh số bán hàng vì thế mà giảm tới 50%.