Sang chấn tâm lý, hệ lụy âm thầm và nguy hiểm từ đại dịch COVID-19

Đại dịch toàn cầu COVID-19 gây thiệt hại thảm khốc về nhân mạng, kinh tế... và một hệ lụy khó có thể đo đếm được: sức khỏe tâm thần của con người.

Trong bài viết trên báo The Guardian, nhà tâm lý học Steven Taylor cho rằng đại dịch COVID-19 có thể gây ra những rối loạn tâm lý và thay đổi cuộc sống của con người về lâu dài. 

Cuộc sống của "thế hệ COVID-19": Sẽ rất lâu mới trở lại bình thường

Thật vậy, không chỉ những biến cố như chiến tranh hay thiên tai thảm khốc mới gây sang chấn tâm lý, dịch bệnh, mà cụ thể là đại dịch toàn cầu COVID-19, cũng thế. Nỗi sợ lây nhiễm và lo lắng lỡ như người thân mắc bệnh, tử vong, thất nghiệp, phá sản... là thuốc độc cho sức khỏe tâm thần của nhiều người.

Đại dịch COVID-19 để lại hậu quả tâm lý cho nhiều gia đình ở Trung Quốc, ảnh chụp tại Thượng Hải ngày 6/3/2020. Ảnh: Reuters
Đại dịch COVID-19 để lại hậu quả tâm lý cho nhiều gia đình ở Trung Quốc, ảnh chụp tại Thượng Hải ngày 6/3/2020. Ảnh: Reuters

Hiện tại, 1/5 nhân loại đang phải chịu một trong các biện pháp cách ly, bị phong tỏa, hay giãn cách xã hội, và những chấn thương tâm lý thời dịch bệnh đã hiện hình. Chẳng hạn, tại Ý, nơi có lệnh phong tỏa toàn quốc và 27.359 người chết tính đến hết 8h sáng 29/4, có ít nhất hai y tá đã tự tử. Cả hai đều làm việc ở khu chăm sóc đặc biệt dành cho bệnh nhân COVID-19.

Theo Liên đoàn y tá Ý, một trong hai người, Daniela Trezzi, bị ốm sau khi rời bệnh viện về nhà và đã lo lắng rằng chính mình đã lây cho bệnh nhân, dẫn đến quyết định đau lòng là tự tử, dù giới chức y tế đã khẳng định cô không dương tính với virus corona. Tại Đức, Thomas Schaefer, bộ trưởng tài chính của bang Hesse, được cho là tự tử vì lo không gánh nổi hậu quả mà COVID-19 gây ra đối với nền kinh tế.

Mới đây nhất, nữ bác sĩ Lorna Breen, trưởng khoa cấp cứu của một bệnh viện ở Manhattan, New York, đã tự tử sau nhiều ngày chiến đấu với COVID-19 ở tuyến đầu. Đây là một trong những bác sĩ nổi tiếng ở thành phố New York. Trước đó, một bác sĩ 23 tuổi ở quận Bronx đã tự sát bằng súng.

Những câu chuyện đau lòng trên là hồi chuông cảnh tỉnh để thế giới quan tâm hơn về tác hại của dịch bệnh lên sức khỏe tâm thần của con người. Chẳng hạn, Cơ quan Sức khỏe cộng đồng Anh ngày 29/3 ban hành hướng dẫn bảo vệ sức khỏe thể chất và tâm thần trước virus corona. Cũng trong tuần cuối tháng 3, thăm dò của Hãng Ipsos mori cho thấy 62% dân Anh cho rằng ngày càng khó để nghĩ tích cực về tương lai so với trước khi dịch bệnh bùng phát.

Nhân viên y tế là nhóm có nguy cơ hàng đầu do trực tiếp đối mặt với dịch bệnh, họ dễ bị sang chấn tâm lý nhất. Ảnh: THX
Nhân viên y tế là nhóm có nguy cơ hàng đầu do trực tiếp đối mặt với dịch bệnh, họ dễ bị sang chấn tâm lý nhất. Ảnh: THX

“Người ta đang vật lộn với cảm xúc của mình tương tự như với nỗi lo kinh tế” - Andrew Cuomo, thống đốc bang New York, bang ảnh hưởng bởi COVID-19 nặng nề nhất nước Mỹ, nói hôm 21/3. Bốn ngày sau, thống đốc Cuomo cho lập đường dây nóng dành riêng cho những người bị đe dọa sức khỏe tâm thần vì dịch bệnh.

Những ai dễ tổn thương?

Tại nhiều quốc gia, việc thiếu các trang thiết bị bảo hộ cũng khiến nhân viên y tế mệt mỏi, căng thẳng hơn vì công việc. Nicholas Christakis, giáo sư Đại học Yale, từng là bác sĩ khi dịch HIV/AIDS bùng nổ hồi thập niên 1990, cho biết “Tình hình hiện nay giống như bắt lính cứu hỏa cứ khỏa thân mà lao vào tòa nhà đang cháy” - Christakis nói.

Những ai dễ bị chấn thương tâm lý trong đại dịch này? Rõ ràng nhất có thể kể đến các nhân viên y tế - những người trực tiếp đối diện và chiến đấu với dịch bệnh. Tinh thần đồng đội, sự gắn kết ở bệnh viện có thể giúp nhân viên y tế vững tinh thần, song chiếc phao đó không còn nữa khi họ về nhà. Theo Dhruv Khullar - một bác sĩ ở New York, nhiều bác sĩ và y tá bị yêu cầu tự cách ly với gia đình vì họ có thể nhiễm bệnh.

Còn ngoài lĩnh vực y tế thì sao? Những người cần lo lắng nhất, theo Jan-Emmanuel De Neve, giám đốc Trung tâm nghiên cứu sức khỏe thuộc Đại học Oxford, chính là “những người không chỉ mất việc làm và thu nhập mà còn mất luôn cả bản sắc cá nhân, các thói quen và phần nhiều các mối quan hệ xã hội”.

EmptyNgười già là đối tượng thấm đòn nặng nhất do lệnh phong tỏa kéo dài. Ảnh: Stuart Briers

Nếu các lệnh phong tỏa kéo dài, tính bằng tháng, người già sẽ thấm đòn nặng nhất. Ngay cả trước khi bị buộc phải ở suốt trong nhà, người lớn tuổi đã luôn cảm thấy cô đơn. Người già tìm vui từ việc gặp gỡ bạn bè và con cháu, và chút niềm vui còn sót lại đó đã bị các lệnh cách ly tước mất.

Ngoài ra là những người độc thân chỉ có niềm vui khi gặp gỡ bè bạn, những người cần khí trời, không gian mở để tập thể dục, giao lưu với đội nhóm, giờ phải dành cả ngày trong không gian nhỏ hẹp ở nhà. Sinh viên, học sinh không còn đi đây đó với bạn bè mà ngồi nhà lên lớp học trực tuyến.

The Economist dẫn một thăm dò cho thấy 67% người Anh từ 18-34 tuổi, độ tuổi được cho là ít chịu nguy hiểm vì virus corona, cho biết khó có thể giữ tinh thần lạc quan, trong khi tỉ lệ ở người 55-75 tuổi lại thấp hơn, 54%.

Singapore tạo ra "cuộc sống tuyệt vời... trong nhà"

Còn Singapore, hiện tại quốc đảo này đã trở thành vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á với 14.951 ca mắc COVID-19 tính đến 6h sáng 29/4, sức khỏe tinh thần của người dân Singapore là điều mà chính phủ nước này đang theo dõi đặc biệt.

Ông Desmond Lee - Bộ trưởng Bộ phát triển Xã hội và Gia đình - cơ quan quản lý công tác xã hội tại Singapore - nhấn mạnh xu hướng bạo lực, cãi vã, xích mích trong gia đình ở quốc đảo này đã tăng vọt kể từ khi dịch bệnh bùng phát và lệnh giãn cách xã hội khắt khe trên toàn quốc được thực hiện.

Một người trong đội ngũ tư vấn tâm lý thực hiện công việc online tại Singapore. Ảnh: tác giả cung cấp
Một người trong đội ngũ tư vấn tâm lý thực hiện công việc online tại Singapore. Ảnh: tác giả cung cấp

Vì lẽ đó, từ trung tuần tháng 4, toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe tinh thần của quốc đảo sư tử được đẩy lên thành một trong ba trọng tâm, bên cạnh y tế và kinh tế.

Hơn 300 nhà tâm lý học, tham vấn viên, nhân viên xã hội, bác sĩ tâm thần và nhân viên công cộng từ khoảng 50 cơ quan đã nhập cuộc vận hành đường dây nóng Chăm sóc quốc gia 24/7 tại Singapore. 

Nó hoạt động cùng với các đường dây chuyên biệt khác đến từ hơn 40 trung tâm phục vụ gia đình, đi sâu vào các vấn đề cụ thể như bạo lực, bạo hành, thất nghiệp, ly hôn, nghiện ngập, chăm sóc người già neo đơn. Khách hàng không phải tiết lộ danh tính, tuổi tác và cuộc gọi miễn phí cước. 

Để tham gia phục vụ đường dây nóng, những người tham gia công tác này được cấp một số điện thoại di động, được đào tạo cấp tốc một ngày về các kỹ năng sơ cứu tâm lý khẩn cấp, nhiệm vụ, chia khung giờ để đảm bảo các ca trực xuyên ngày đêm.

Họ cũng được giới thiệu với các đồng nghiệp tại các đơn vị khác để nắm rõ việc liên kết người có nhu cầu với các cơ quan dịch vụ xã hội và dịch vụ chuyên ngành liên quan. Mỗi người làm nhiệm vụ cũng cần giao tiếp được lưu loát ít nhất hai ngôn ngữ Anh và Hoa (hoặc Mã Lai, Tamil, Quan Thoại) do tính chất đa sắc tộc tại Singapore.

Song song với tư vấn qua điện thoại, để đảm bảo ai ai cũng có một "cuộc sống tuyệt vời... trong nhà", các đài truyền hình Singapore đã ra mắt hàng loạt chương trình phát sóng trực tuyến mời huấn luyện viên hướng dẫn tập thể hình, giáo viên dạy kỹ năng nấu ăn, ca hát, hội họa... 

Các công ty hẹn hò trở nên đắt khách khi chuyển sang tổ chức có sàng lọc cho các cặp đôi tìm hiểu nhau qua màn hình máy tính. Ngoài ra, khoản trợ cấp 600 - 800 SGD từ chính phủ khiến người dân bản địa cũng hoan hỉ đôi phần.

AN LY (t/h)

Thêm một bệnh nhân tái dương tính với Covid-19 ở TPHCM

Thêm một bệnh nhân tái dương tính với Covid-19 ở TPHCM

Việt Nam đã có 9 trường hợp dương tính trở lại sau khi xuất viện gồm bệnh nhân 207, 224, 74, 188, 52, 149, 137, 36 và 22.