Chiều 28/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc họp cùng lãnh đạo một số bộ, ngành họp với lãnh đạo chủ chốt các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long, các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực lương thực để bàn về biện pháp cho phép xuất khẩu gạo nhiều hơn trên cơ sở đảm bảo an ninh lương thực trong nước.
Mở đầu cuộc họp, Thủ tướng nhắc lại tình hình bệnh dịch, thiên tại hạn hán ở nhiều nước, hiện Liên hợp quốc cũng đã thảo luận vấn đề an ninh lương thực thế giới, nên nhiều nước đã dừng xuất khẩu gạo để đề phòng khan hiếm lương thực có thể xảy ra trên phạm vi toàn cầu.
Vì vậy dù mục tiêu xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn gạo năm 2020, nhưng trong bối cảnh bất ổn nên từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã chỉ đạo việc điều hành xuất khẩu gạo trên cơ sở đảm bảo an ninh lương thực.
Chính phủ đã yêu cầu xuất khẩu gạo có kiểm soát, thực hiện phương án này và cùng với đó là xem xét tình hình các vụ sản xuất đông-xuân, vụ hè-thu để đánh giá năng suất, sản lượng cụ thể, nhằm đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước 100 triệu dân, đề phòng bất trắc xảy ra.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Năm nay điều đáng mừng là trong bối cảnh hạn hán, mặn xâm nhập sâu ở đồng bằng sông Cửu Long, nhưng do quyết tâm các địa phương, đặc biệt là sự chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ, chúng ta đã điều chỉnh mùa vụ sớm, đảm bảo cơ cấu cây trồng hợp lý, nên được mùa lúa rất lớn trên cả nước. Và theo dự báo, cả nước sẽ thu được trên 43 triệu tấn lúa và sẽ có khoảng trên 22 triệu tấn gạo. Đây là lý do hôm nay chúng tôi mời các địa phương, các bộ, ngành và doanh nghiệp thảo luận về phương án xuất khẩu lương thực bình thường trên cơ sở đảm bảo giá cả, quyền lợi tốt nhất cho người nông dân, đồng thời đảm bảo an ninh lương thực".
Trong cuộc họp, Bộ Công thương đã báo cáo về việc thực hiện kiểm tra liên ngành làm việc với một số cơ quan liên quan đế cập nhật tình hình sản xuất, xuất khẩu, tồn kho thóc gạo, đồng thời ghi nhận các ý kiến đề xuất về phương án điều hành xuất khẩu gạo.
Cả nước ước tính đạt 43,5 triệu tấn thóc năm 2020, trong đó nhu cầu tiêu thụ trong nước đã bao gồm cả dự trữ là khoảng gần 30 triệu tấn. Sau khi cân đối, lượng thóc còn để xuất khẩu khoảng 13,5 triệu tấn, tương đương khoảng 6,5 đến 6,7 triệu tấn gạo.
Trước những ý kiến của các thành viên cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trong thời gian tới cần có trách nhiệm chủ trì cân đối, phối hợp tốt hơn trong đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu lương thực.
"Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Công thương về phương án từ ngày 1/5/2020, cho phép xuất khẩu gạo trở lại bình thường theo Nghị định 107 năm 2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo, tiếp tục thực hiện nghiêm việc xuất khẩu gạo qua các cửa khẩu quốc tế, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không", Thủ tướng kết luận.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan chỉ đạo để tạo thuận lợi cho xuất khẩu gạo từ tháng 5, đảm bảo quyền lợi của nông dân và doanh nghiệp, gồm cả việc đảm bảo thuận lợi về vốn tín dụng phục vụ xuất khẩu. Bộ Tài chính phải đảm bảo mua đủ lúa gạo dự trữ quốc gia theo quy định; chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu gạo.
Bộ Công thương với vai trò là chủ trì, phối hợp cùng Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thu hoạch, tiêu thụ lúa gạo trong nước và xuất khẩu gạo. Cần báo cáo để xử lý kịp thời khi việc xuất khẩu gạo ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia. Trong quá trình điều hành xuất khẩu gạo, các bộ, ngành phải lắng nghe ý kiến của các địa phương, các nhà xuất khẩu gạo.
Bộ Công thương và các địa phương tăng cường đôn đốc các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm quy định của Nghị định 107 của Chính phủ về việc thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó và cam kết cung cấp ngay ra thị trường trong nước nếu được Chính phủ yêu cầu.
20 thương nhân xuất khẩu gạo lớn nhất ký thỏa thuận với ít nhất 1 hệ thống siêu thị về việc đảm bảo cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu. Nếu không thực hiện thì cho phép Bộ Công thương cho phép rút giấy phép xuất khẩu gạo.
Bộ Công thương chủ trì sửa đổi, bổ sung Nghị định 107 của Chính phủ về xuất khẩu gạo đảm bảo tránh trình trạng các đơn vị không làm xuất khẩu gạo nhưng lại đăng ký hạn ngạch xuất khẩu; đồng thời chú trọng hơn đến vai trò của UBND các địa phương sản xuất lúa gạo lớn, nhất là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, một số tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ, có chế tài đối với các doanh nghiệp không tuân thủ nghiêm quy định dự, trữ lưu thông cũng như xuất khẩu gạo...
Omicron khiến người dân châu Âu ‘phá sản’ kế hoạch Giáng sinh năm thứ 2 liên tiếp
Khi biến thể Omicron lan rộng, các hạn chế hy vọng sẽ trở lại bình thường trong mùa lễ hội này; Pháp đặt ra các hạn chế đối với khách du lịch từ Vương quốc Anh.