Phụ nữ thành phố Huế - sáng tạo, tiên phong trong hành trình xây dựng và thực hiện mô hình “xanh hóa” cuộc sống

Phụ nữ Huế góp phần “xanh hóa” cuộc sống bằng các mô hình sáng tạo như tái chế rác, xây dựng “điểm xanh văn hóa”, lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường, phát triển bền vững cộng đồng.
Đô thị Huế khi thành thành phố trực thuộc Trung ương là đô thị đặc sắc về sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Ảnh: Báo Lao Động
Đô thị Huế khi thành thành phố trực thuộc Trung ương là đô thị đặc sắc về sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Ảnh: Báo Lao Động

Thành phố Huế, mảnh đất cố đô ngàn năm văn hiến, không chỉ nổi tiếng bởi vẻ đẹp thiên nhiên trữ tình mà còn là nơi hội tụ của những người phụ nữ tài năng, sáng tạo và đầy tâm huyết. Phụ nữ Thành phố Huế không chỉ là những người giữ lửa cho gia đình, mà còn là những chiến binh thầm lặng, góp sức to lớn vào sự nghiệp bảo vệ môi trường của quê hương. Bài tham luận đề cập đến sức sáng tạo, tiên phong của phụ nữ Thành phố Huế trong hành trình xây dựng và thực hiện các mô hình “xanh hóa” cuộc sống.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường gia tăng, Thành phố Huế đã phát động phong trào "Sáng - xanh - sạch, không rác thải", kêu gọi toàn dân chung tay bảo vệ môi trường. Phụ nữ Huế, đặc biệt là đội ngũ nữ trí thức và cán bộ Hội LHPN(LHPN) đã thể hiện vai trò tiên phong trong phong trào này. Họ đã triển khai nhiều mô hình và sáng kiến thiết thực, góp phần cải thiện môi trường thành phố. Các nữ lãnh đạo Hội LHPN các cấp đóng vai trò "đại sứ" cho lối sống xanh, lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường đến cộng đồng. Phụ nữ Huế đã tích cực tham gia các hoạt động phân loại rác thải, trồng cây xanh, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng. Họ cũng chủ động đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường và bản thân họ chính là những "hạt nhân xanh" quan trọng, góp phần xây dựng một Huế xanh, sạch, đẹp và bền vững.

Sự cần thiết phải xây dựng những mô hình “xanh hóa cuộc sống” của phụ nữ Thành phố Huế

Để thực hiện hiệu quả các phong trào bảo vệ môi trường như "Thành phố Huế sáng - xanh - sạch, không rác thải", "Ngày Chủ nhật xanh", "Huế - Đô thị giảm nhựa", Hội nữ trí thức và Hội LHPN Thành phố Huế đã phát động phong trào "Sáng kiến xanh của phụ nữ Huế". Phong trào này nhằm huy động sức mạnh của phụ nữ trong việc xây dựng các mô hình "xanh hóa cuộc sống". Tuy nhiên, quá trình triển khai phong trào gặp nhiều thách thức như nhận thức của người dân còn hạn chế, thói quen sinh hoạt cũ khó thay đổi, kinh phí đầu tư còn ít và khó khăn trong việc duy trì, nhân rộng mô hình. Do đó, việc xây dựng các mô hình cụ thể, thiết thực là rất cần thiết để phong trào có sức sống lâu dài.

Các mô hình "xanh hóa cuộc sống" là giải pháp đột phá, thể hiện sự sáng tạo của phụ nữ Huế. Trong đó, đội ngũ cán bộ Hội và phụ nữ cơ sở đóng vai trò nòng cốt. Các mô hình này cần phù hợp với đặc thù giới nữ, gắn với các lĩnh vực cụ thể như quản lý rác thải, tiết kiệm năng lượng, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường và trồng cây xanh. Việc xây dựng các mô hình thành công sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa, khuyến khích cộng đồng cùng tham gia bảo vệ môi trường, góp phần khẳng định thương hiệu Huế - thành phố xanh quốc gia.

Nội dung các mô hình

Mục tiêu, yêu cầu xây dựng các mô hình “sáng kiến xanh”

Hội LHPN các cấp Thành phố Huế đẩy mạnh xây dựng mô hình "Sáng kiến xanh" nhằm bảo vệ môi trường và xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Mục tiêu các mô hình là nâng cao nhận thức cộng đồng, khuyến khích lối sống thân thiện với môi trường, xây dựng các mô hình bền vững, có khả năng nhân rộng.

Yêu cầu khi xây dựng các mô hình cần đảm bảo tính khoa học, thực tiễn, bền vững và có khả năng nhân rộng. Đội ngũ nữ cán bộ lãnh đạo Hội LHPN các cấp đóng vai trò then chốt trong việc lựa chọn và chỉ đạo xây dựng các mô hình phù hợp với từng địa phương. Hội LHPN cơ sở trực tiếp xây dựng kế hoạch, tuyên truyền, và triển khai các hoạt động thực tế như trồng cây xanh, phân loại rác, tiết kiệm năng lượng.

Để thực hiện, mỗi tổ chức Hội cần xây dựng ít nhất một mô hình "Sáng kiến xanh" phù hợp đặc thù địa phương. Cần tăng cường truyền thông, tìm kiếm nguồn tài trợ, phát triển đội ngũ cán bộ và phối hợp với các ban ngành liên quan. Thường xuyên đánh giá và nhân rộng các mô hình thành công.

Để hiện thực hóa chủ trương trên của Hội, với nhiều cách làm hay, phụ nữ Thành phố Huế đã xây dựng nhiều mô hình như mô hình “Ngày chủ nhật xanh”, “Chủ nhật vì cộng đồng”, “Điểm xanh văn hóa”, “Phụ nữ Huế tái chế chất thải -kiến tạo tương lai”, “ Tổ hợp tác tích lũy ve chai, tạo quỹ nhân ái”, “Xanh trong nếp sống phụ nữ Huế”,…Mỗi một mô hình đều thể hiện sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám thực hiện, dám chịu trách nhiệm của nữ cán bộ lãnh đạo Hội và sự đoàn kết, đồng lòng của  chị em phụ nữ trên địa bàn thành phố.

Xây dựng các mô hình “sáng kiến xanh” sự sáng tạo, năng động của lãnh đạo Hội LHPN các cấp Thành phố Huế

Mô hình "Ngày Chủ nhật xanh” của Hội LHPN cơ sở Thành phố Huế- sức mạnh lan tỏa “lối sống xanh cộng đồng”.

Mô hình “Ngày chủ nhật xanh” được đội ngũ cán bộ nữ trong Hội Liên Hiệp phụ  nữ ở cơ sở trên địa bàn Thành phố Huế cụ thể hóa qua các hoạt động bình dị, gần gũi, thân thuộc gắn với “lối sống xanh” của với phụ nữ và cộng đồng. Mô hình nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, tạo thói quen sống xanh - sạch - đẹp. Nội dung của mô hình là tổ chức các hoạt động dọn dẹp, thu gom rác thải, vệ sinh đường phố, trồng cây xanh vào mỗi dịp cuối tuần.       

Hội LHPN cơ sở chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể để xây dựng kế hoạch chi tiết cho hoạt động "Ngày Chủ nhật xanh". Đối tượng tham gia là mọi người dân trên địa bàn thôn, tổ dân phố. Đặc biệt là phụ nữ ở các chi, tổ hội. Cán bộ Hội đóng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức và điều phối các hoạt động của mô hình. Trực tiếp tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào mô hình. Kết nối, hợp tác với các cơ quan, tổ chức để huy động nguồn lực và hỗ trợ cho mô hình. Bản thân cán bộ Hội cũng trực tiếp tham gia dọn dẹp, thu gom rác thải, trồng cây xanh.

Hằng tuần, hưởng ứng phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, hội viên phụ nữ các cấp đều ra quân vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, phân loại rác thải…Hiện nay, các cấp hội phụ nữ trong thành phố đã xây dựng 261 mô hình giữ gìn vệ sinh môi trường. Tổ chức hàng trăm đợt ra quân, thu hút hàng chục ngàn lượt cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia, xây dựng 542 tuyến đường do phụ nữ tự quản và nhiều điểm sinh hoạt cộng đồng “xanh - sạch - sáng - thân thiện với môi trường”.

 Qua mô hình này, đã xuất hiện nhiều tuyến đường xanh – sạch – sáng. Nhiều công trình “đường hoa” xuất hiện gắn liền với tên gọi “Bốn mùa sắc hương”, “ Đường hoa ngũ sắc”, “ Ngõ xanh tự quản”, “Nhà tôi xanh - sạch - đẹp”, “Một hố rác, một cây xanh” .

Mô hình “Ngày chủ nhật xanh” không chỉ dừng lại ở phong trào mà đã trở thành một nếp sống đẹp, dần xây dựng ý thức, thói quen của người dân, là hoạt động thường xuyên tại mỗi cơ quan, đơn vị trên địa bàn toàn thành phố. Qua đó, làm thay đổi diện mạo từ đô thị đến nông thôn, nhiều vấn đề về môi trường phần nào được giải quyết, số lượng điểm đen về ô nhiễm đã giảm bớt, chất lượng đời sống nhân dân được nâng cao.

Mô hình “ Phụ nữ Huế tái chế rác thải- kiến tạo tương lai xanh”

Nhằm thúc đẩy và tăng cường các hoạt động phối hợp, đồng thời phát huy vai trò phụ nữ trong tham gia bảo vệ môi trường. Các cán bộ nữ lãnh đạo của Hội LHPN trên địa bàn Thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cho hội viên phụ nữ các hoạt động phân loại rác sinh hoạt tại hộ gia đình và trên địa bàn một số chợ qua mô hình “Đội tuyên truyền giảm nhựa thúc đẩy du lịch Huế thân thiện với môi trường”. Xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình về phân loại rác tạo ra nhiều sản phẩm có ích cho gia đình và xã hội như: “mô hình phụ nữ sống xanh” , “Ngôi nhà xanh tiết kiệm”, “Biến rác thành tiền”, “Đổi rác lấy nhu yếu phẩm/quà tặng”…. . Các chị đã cùng với các ban, ngành, đoàn thể vận động hội viên đào hố ngay tại góc vườn để phân loại và xử lý rác. Rác hữu cơ thì đem đốt để làm phân bón, còn rác vô cơ thì tập kết về địa điểm theo quy định để tiêu hủy. Hàng trăm chị em được tham gia tập huấn, hướng dẫn cách thu gom, phân loại và xử lý rác tại nhà. Để thực hiện mô hình này, tổ chức hội cấp miễn phí nhiều thùng rác cho các hộ dân để tiến hành phân loại, đồng thời phân công các tổ phát động, hướng dẫn các hộ dân đào hố rác tại nhà để xử lý đối với các loại rác thải hữu cơ dễ phân hủy. Các chi hội còn thành lập đội thu gom rác thải do hội viên phụ nữ đảm nhận, phụ trách việc thu gom rác thải từ các hộ gia đình để chuyển đến điểm tập kết để đưa ra bãi rác tập trung... Tại đây, rác sẽ được các hội viên Hội phụ nữ phối hợp với đoàn viên thanh niên tiến hành phân loại và tiến hành ủ với chế phẩm vixura để làm thành phân vi sinh. Số phân này được các hộ nông dân sử dụng bón cho cây lúa, hoa màu, cây cảnh cho kết quả rất tốt. Mô hình “Nuôi heo đất - tiết kiệm xanh” của Hội LHPN phường Đông Ba. Cụ thể mỗi hộ gia đình sẽ thu gom các loại rác thải nhựa, rác thải tái chế để bán gây quỹ tiết kiệm cho heo đất. Hội thi heo đất sẽ được tổ chức mỗi dịp cuối năm và sử dụng số tiền thu được hỗ trợ phụ nữ khó khăn khởi nghiệp. Giờ đây các loại rác thải tái chế đều được bọn trẻ giữ lại để nuôi heo đất. Ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa đã lan tỏa đến tất cả các thành viên trong gia đình. Mô hình “bình hoa lốp xe” của phụ nữ Phú lộc, những chiếc lốp xe ô tô đã qua sử dụng đã được các hội viên phụ nữ và đoàn viên, thanh niên tạo thành những "bình hoa" đẹp mắt và từ những “bình hoa lốp xe” kia tạo thành “đường hoa từ lốp xe”.

Xây dựng mô hình theo hình thức này không mới, nhưng cách làm của các nhà lãnh đạo Hội phụ nữ trên địa bàn Thành phố đã thể hiện sự sáng tạo và mang nhiều ý nghĩa, vừa tiết kiệm, lại vừa góp phần bảo vệ môi trường. Đôi tay khéo léo và cái nhìn tinh tường của người phụ nữ được phát huy.

KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN

Kết quả, các mô hình đã tạo ra nguồn quỹ giúp đỡ các trẻ em mồ côi, phụ nữ đơn thân yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn có ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức và hình thành thói quen phân loại rác thải trong sinh hoạt của các hộ gia đình, của các tiểu thương kinh doanh ở các chợ giúp giảm lượng rác thải sinh hoạt ra môi trường hàng ngày là khá lớn. 

Mô hình Tổ hợp tác “tích lũy ve chai, tạo quỹ nhân ái”

Mô hình Tổ hợp tác "Tích lũy ve chai, tạo quỹ nhân ái" được Hội LHPN một số quận, huyện, thị xã thành lập nhằm hỗ trợ và nâng cao vị thế cho hội viên phụ nữ làm nghề thu mua ve chai. Các nữ lãnh đạo Hội đã nhận thức rõ những khó khăn của hội viên, đồng thời ghi nhận những đóng góp thầm lặng của họ trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt trong bối cảnh hệ thống hạ tầng đô thị thu gom rác chưa phát triển đồng bộ.

Để kết nối các thành viên cùng ngành nghề, được sự hỗ trợ của Dự án WWF,  Hội LHPN một số quận, thị xã, huyện của Thành phố Huế đã chỉ đạo, hướng dẫn thành lập mô hình "Tổ hợp tác thu gom ve chai, tạo quỹ nhân ái" tại một số phường, xã. Các thành viên được dự án hỗ trợ trang bị đồng phục, giày, găng tay bảo hộ, mũ chống nắng, cân đo khối lượng và xây dựng quy chế hoạt động. Tổ hợp tác cũng được Dự án WWF hỗ trợ kết nối thị trường, hướng dẫn lập trang Facebook và phối hợp với dự án "Ứng dụng đô thị thông minh phân loại rác tại nguồn và thu gom rác tái chế MGreen" để hướng dẫn sử dụng ứng dụng thu gom rác tại nhà. Các tổ viên được tập huấn sử dụng ứng dụng di động mGreen Collector, giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả công việc.

Để lan tỏa mô hình, Hội đã tổ chức sự kiện "Ngày hội tôn vinh phụ nữ làm nghề phế liệu - tái chế" và cuộc thi ảnh "Tôi trân quý người làm nghề ve chai". Cuộc thi đã thu hút 155 tác phẩm và bài viết tham gia, 19 tác phẩm xuất sắc được trao giải và 31 tác phẩm được triển lãm. Tại ngày hội, các hoạt động tọa đàm, giao lưu, trao quà hỗ trợ, trưng bày sản phẩm tái chế và các gian hàng đổi rác lấy cây xanh, áo dài 0 đồng cũng được tổ chức.

Định kỳ, Hội LHPN phối hợp với dự án WWF kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ hợp tác, các cơ sở thu gom tái chế và các hộ vay vốn. Sau thời gian triển khai, mô hình đã mang lại những kết quả tích cực. Nguồn vốn hỗ trợ đã giúp hội viên phụ nữ tăng thu nhập đáng kể, ước tính từ 5-6 triệu đồng/tháng, tăng 1-2 triệu đồng so với trước đây. Họ cũng chủ động hơn trong công việc, có điều kiện thay đổi phương tiện làm ăn và sử dụng điện thoại thông minh để thu gom.

Mô hình “Xanh trong nếp sống phụ nữ Huế"- hiện thực hóa phong trào “Sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường "

Hội phụ nữ cơ sở tại Thành phố Huế nhận thức sâu sắc về tác hại nghiêm trọng của ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là túi ni lông dùng một lần, đối với môi trường sống. Để giảm thiểu lượng rác thải nhựa trong sinh hoạt hàng ngày của mỗi gia đình, cần có những giải pháp thiết thực và hiệu quả. Phụ nữ đóng vai trò then chốt trong việc quản lý gia đình và tiêu dùng. Việc thay đổi thói quen tiêu dùng của phụ nữ sẽ tạo ra tác động lan tỏa, góp phần bảo vệ môi trường. Do đó, mỗi người phụ nữ cần trở thành "sứ giả xanh", tiên phong thực hiện những hành động nhỏ nhất từ bản thân và gia đình, chung tay cùng cộng đồng giảm thiểu tác hại của rác thải nhựa. Mô hình “Xanh trong nếp sống phụ nữ Huế” ra đời nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức của phụ nữ và cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa. Khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế cho đồ nhựa dùng một lần. Xây dựng thói quen tiêu dùng xanh, bền vững trong các hộ gia đình. Góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa.

Mô hình được triển khai trong toàn bộ các chi, tổ hội trên địa bàn toàn Thành phố. Bằng những hành động cụ thể như tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn về tác hại của rác thải nhựa và cách sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Vận động, khuyến khích hội viên phụ nữ sử dụng giỏ nhựa, làn đi chợ, hộp đựng thực phẩm, ly, bình giữ nhiệt, dùng túi đựng, ống hút, ly uống nước... bằng giấy,  thay vì túi ni lông thông qua mô hình thật cụ thể và thiết thực như “Phụ nữ dùng giỏ nhựa” hay “Dùng làn đi chợ”.  Khuyến khích sử dụng ly, bình giữ nhiệt cá nhân thay vì ly nhựa dùng một lần. Phối hợp với các cơ sở kinh doanh để tăng cường sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Đây chính là một cách hạn chế sử dụng túi ni lông chỉ được sử dụng một lần và được thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Gần gũi thế nên mô hình đã nhanh chóng được lan tỏa không chỉ trong cộng đồng mà các hệ thống siêu thị trên địa bàn cũng chung tay. Trong mỗi gia đình, tổ chức đều đã hạn chế sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần, tăng cường sử dụng các sản phẩm có thể tái sử dụng. Các cơ sở kinh doanh như các siêu thị, cửa hàng cũng chung tay hưởng ứng mô hình. Tại đây, túi giấy, túi vải được khuyến khích mua đựng hàng thay vì túi ni lông. Tất cả đều đã tạo thành kết quả thực tế trong thực hiện phong trào chung tay vì cuộc sống không rác thải nhựa.

Tóm lại, mô hình “Xanh trong nếp sống phụ nữ Huế” là một sáng kiến thiết thực và hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường và xây dựng một lối sống xanh tại thành phố Huế.

Mô hình “điểm xanh văn hóa” của phụ nữ thành phố Huế

Mô hình "Điểm xanh văn hóa" của phụ nữ thành phố Huế là một hoạt động thiết thực hưởng ứng cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" gắn với nếp sống văn minh đô thị. Mô hình này được Hội LHPN các cấp triển khai nhằm xóa bỏ các điểm đen ô nhiễm môi trường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp tại các khu chung cư, điểm công cộng, công trình di tích, văn hóa, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân.

Trong quá trình thực hiện, cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân đã cùng nhau ra quân dọn vệ sinh, trồng  hoa, cây xanh, thu gom rác thải và gắn bảng tuyên truyền. Hội đã quy hoạch vườn hoa, trồng hàng ngàn cây hoa các loại, lựa chọn các loại hoa dễ trồng, phù hợp với thời tiết địa phương. Mô hình được duy trì đều đặn vào ngày chủ nhật hàng tuần và lan tỏa giá trị thông qua các hoạt động thiện nguyện như tặng quà cho phụ nữ đơn thân, trẻ em nghèo, tổ chức bữa sáng yêu thương, gian hàng áo dài 0 đồng và khám bệnh miễn phí.

Đến nay, Hội đã xây dựng được hàng trăm điểm xanh văn hóa, góp phần tạo thói quen, ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường trong cộng đồng. Các điểm đen môi trường đã được biến thành những khu vui chơi công cộng sạch đẹp, thu hút đông đảo người dân thăm quan, nghỉ ngơi, tập thể dục sáng, chiều. Nhờ sự chăm sóc thường xuyên, các vườn hoa luôn rực rỡ, tạo cảnh quan tươi đẹp. Người dân cũng nâng cao ý thức, không xả rác bừa bãi và cùng nhau giữ gìn vệ sinh.

Thành công của mô hình đến từ sự gương mẫu của cán bộ hội và sự nhiệt tình, trách nhiệm của hội viên phụ nữ. Họ đã trở thành những tuyên truyền viên tích cực, lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường đến người thân và cộng đồng, góp phần xây dựng đô thị văn minh, sạch đẹp.

Một số khuyến nghị duy trì sự bền vững và phát triển các mô hình

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, khó khăn hạn chế như một số mô hình khi triển khai tại địa phương chưa hiệu quả và thiếu tính bền vững; chưa có sự phối hợp đồng bộ của các ban ngành cũng như sự vào cuộc chưa kịp thời của hệ thống chính trị tại cơ sở; thiếu các giải pháp hỗ trợ phát triển các mô hình bảo vệ môi trường; năng lực của đội ngũ cán bộ nòng cốt trong việc xây dựng và triển khai các mô hình bảo vệ môi trường còn hạn chế.

Để duy trì sự bền vững và phát triển các mô hình bảo vệ môi trường, Hội LHPN các cấp Thành phố Huế cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Trước hết, cần tập trung nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của phụ nữ và người dân. Điều này có thể đạt được thông qua các chiến dịch truyền thông đa dạng, sử dụng nhiều hình thức như hội thảo, tập huấn, truyền thông trên mạng xã hội, báo chí, truyền hình, cũng như tổ chức các cuộc thi thiết kế mô hình bảo vệ môi trường và các sự kiện thu hút sự tham gia của cộng đồng. Đồng thời, cần khuyến khích hành động thực tế bằng cách tổ chức các buổi thực hành, hướng dẫn phân loại rác, tái chế rác thải và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.

Thứ hai, việc nhân rộng các mô hình thành công là rất quan trọng. Hội cần tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm giữa các mô hình, xây dựng tài liệu hướng dẫn nhân rộng mô hình và khuyến khích các địa phương khác áp dụng các mô hình thành công. Việc xây dựng các tiêu chí thi đua về triển khai các mô hình, tính đến hiệu quả và sự lan tỏa, sẽ giúp động viên, khen thưởng và biểu dương những cá nhân, tập thể có thành tích tốt, từ đó khích lệ dần tạo thành thói quen hành động bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đánh giá hiệu quả, kết quả đầu ra của các mô hình đã triển khai và nhân rộng.

Thứ ba, Hội LHPN cơ sở cần nâng cao năng lực của họ trong việc quản lý và bảo vệ môi trường, đồng thời khuyến khích họ trở thành "sứ giả xanh" trong gia đình và cộng đồng. Sự hợp tác với các tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp và trường học cũng rất quan trọng để cùng nhau bảo vệ môi trường và xây dựng mạng lưới liên kết. Việc tạo cơ hội cho người dân tham gia vào quá trình ra quyết định, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của họ, đồng thời cho phép họ tham gia vào các hoạt động giám sát và đánh giá cũng là điều cần thiết.

Thứ tư, việc khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường cũng là một ưu tiên. Hội cần chủ động đề xuất các giải pháp liên quan đến việc sử dụng sản phẩm này, tìm kiếm và giới thiệu các sản phẩm tiện lợi, tổ chức khảo sát thị trường, giới thiệu và trưng bày sản phẩm, đồng thời xây dựng các kênh thông tin để người dân dễ dàng tiếp cận và mua sắm. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền để hội viên phụ nữ nắm bắt thông tin và cài đặt ứng dụng thu gom rác.

Cuối cùng, việc tăng cường bồi dưỡng và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nòng cốt là không thể thiếu. Hội cần lựa chọn những cán bộ có tâm huyết, trách nhiệm, kiến thức và kinh nghiệm, đồng thời tạo điều kiện cho họ tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu và trao đổi kinh nghiệm. Việc phân công cán bộ tham gia trực tiếp vào việc xây dựng và triển khai các mô hình, khuyến khích tự học hỏi và nghiên cứu, hợp tác với các chuyên gia và tổ chức khác để tổ chức đào tạo và tập huấn cũng rất quan trọng. Việc tạo diễn đàn để cựu học viên chia sẻ kinh nghiệm, mời họ tham gia vào các hoạt động của Hội và thường xuyên đánh giá hiệu quả của chương trình bồi dưỡng cũng là những biện pháp cần thiết.

Hành trình "xanh hóa" cuộc sống là một hành trình dài hơi, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ. Với tinh thần trách nhiệm cao, Hội Phụ nữ các cấp Thành phố Huế sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng, góp phần xây dựng một thành phố Huế ngày càng xanh, sạch, đẹp và phát triển bền vững.

Lê Thị Hằng

 Các nhà khoa học nữ hiến kế bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên

Các nhà khoa học nữ hiến kế bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên

Sáng nay (ngày 4/4) Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc lần thứ IV khai mạc tại Huế.