Du lịch đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, đóng góp 9,1% GDP và tạo ra 9,1% việc làm trong năm 2023. Tuy nhiên, ngành này cũng là nguồn phát sinh rác thải nhựa đáng kể, chiếm 37,5% tổng lượng rác thải nhựa toàn cầu, với hơn 150 triệu tấn mỗi năm. Đặc biệt, lĩnh vực lưu trú thải ra lượng lớn nhựa sử dụng một lần (NSDML), gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan và sức hấp dẫn của điểm đến. Nếu không có biện pháp kiểm soát, ô nhiễm rác thải nhựa sẽ đe dọa sự phát triển bền vững của du lịch và sinh kế của hàng triệu lao động trong ngành.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, nay là thành phố Huế, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng xanh và bền vững. Với lợi thế về tài nguyên văn hóa, thiên nhiên, Huế hướng đến mục tiêu phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường và giảm thiểu rác thải nhựa. Trong bối cảnh này, dự án "Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam" do WWF-Na Uy tài trợ thông qua WWF-Việt Nam đã đặt mục tiêu giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường vào năm 2024, thúc đẩy du lịch Huế giảm NSDML.
Việc triển khai giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch Huế là cấp thiết do:
Quy định của chính phủ và địa phương: Việt Nam đặt mục tiêu loại bỏ NSDML tại khu du lịch vào năm 2025 và tại điểm du lịch ven biển vào năm 2030. Huế cần thực hiện nghiêm túc các chính sách này.
Xu hướng du lịch bền vững: Ngày càng nhiều du khách ưu tiên lựa chọn điểm đến thân thiện môi trường. Theo Booking.com, 78% du khách muốn đặt phòng tại cơ sở lưu trú sinh thái, 56% mong muốn giảm NSDML.
Nâng cao năng lực cạnh tranh: Nghiên cứu khảo sát tại thành phố Huế (WWF, 2021) cho thấy, bộ phận phi hộ gia đình (nhà hàng, khách sạn, chuỗi quầy hàng và cà phê) phát sinh khoảng 7,54 tấn LDPE (chủ yếu là các túi ni lông) và 0,59 tấn PS (các hộp xốp) hàng ngày. Ngoài ra, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Việt Nam, RTN chiếm khoảng 50-80% lượng rác thải đại dương. Ô nhiễm nhựa ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh điểm đến. Do đó, cần có các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu và hạn chế lượng RTN thất thoát ra đại dương bằng các giải pháp từ nguồn, đặc biệt là các cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch.
Thực hiện mục tiêu đô thị giảm nhựa: Hoạt động giảm nhựa trong du lịch góp phần đưa Huế trở thành đô thị giảm nhựa, đảm bảo phát triển bền vững và thu hút du khách quốc tế.
Như vậy, giảm thiểu rác thải nhựa (RTN) trong du lịch không chỉ bảo vệ môi trường mà còn nâng cao vị thế của Huế trên bản đồ du lịch bền vững.
Phương pháp nghiên cứu
Dữ liệu được thu thập bao gồm dữ liệu thứ cấp và sơ cấp. Dữ liệu thứ cấp được thu thập bao gồm: Văn bản pháp luật liên quan đến giảm nhựa ngành du lịch; Các nghiên cứu, bài báo, hội thảo… quốc tế liên quan đến thực hành giảm nhựa trong ngành du lịch được truy cập từ internet; Số liệu thống kê và báo cáo liên quan về phát triển bền vững nói chung, thực hành giảm nhựa nói riêng của Việt Nam, thành phố Huế.
Ngoài việc sử dụng dữ liệu sơ cấp, nghiên cứu cũng thực hiện phương pháp điều tra bằng bảng hỏi theo cách lấy mẫu ngẫu nhiên nhằm có được một bức tranh đầy đủ và sâu hơn về nhận thức và thực hành giảm nhựa trong lĩnh vực lưu trú và lữ hành của ngành du lịch Huế dưới góc nhìn của các nhà quản lý doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch. Phiếu điều tra bằng bảng hỏi được thiết kế với 17 câu hỏi; Ngoài thông tin chung về doanh nghiệp (DN) và người trả lời bảng hỏi (5 câu hỏi), có 12 câu hỏi về các nội dung: sự tham gia các khóa tập huấn liên quan đến giảm nhựa trong ngành du lịch; sự nhận biết về các quy định của chính phủ và địa phương về giảm nhựa trong ngành du lịch; nhận thức về tầm quan trọng của giảm rác thải NSDML đối với DN và những lợi ích cụ thể; các biện pháp giảm NSDML đã được triển khai tại DN; những khó khăn, rào cản cơ bản mà DN gặp phải trong quá trình triển khai thực hành giảm NSDML; những loại NSDML hiện đang tồn tại trong quá trình tổ chức cung cấp dịch vụ cho khách du lịch của DN; ba loại NSDML được DN ưu tiên tập trung giảm thiểu trong thời gian tới; loại sản phẩm thân thiện môi trường đang được doanh nghiệp quan tâm tìm kiếm để thay thế cho sản phẩm NSDML tại DN; mức độ sẵn sàng ký cam kết triển khai thực hành giảm NSDML tại doanh nghiệp.
Phiếu điều tra được gửi đến gần 200 doanh nghiệp du lịch do ngành du lịch quản lý vào ngày 26/9/2024 qua email. Sau khi phiếu được gửi đi, việc theo dõi trả lời của các doanh nghiệp được thực hiện với sự hỗ trợ của chuyên viên sở du lịch. Đến ngày 20/10/2024, có 50 phiếu trả lời được thu thập, trong đó có 45 phiếu hợp lệ được sử dụng để xử lý. Trong số 45 phiếu hợp lệ, có 36 phiếu thuộc nhóm kinh doanh lưu trú, trong đó có 32 cơ sở xếp hạng từ 2 đến 5 sao với số lượng phòng ngủ chiếm hơn 50% tổng số phòng ngủ toàn thành phố. Riêng khối kinh doanh lữ hành thu được 9 phiếu trong tổng số 88 đơn vị kinh doanh lữ hành (chiếm hơn 10%).
Đặc điểm của địa bàn nghiên cứu
Huế là một trong những trung tâm du lịch quan trọng của Việt Nam; toàn tỉnh có trên 30 khu du lịch và điểm du lịch cấp quốc gia và địa phương. Năm 2019 (trước khi diễn ra dịch bệnh COVID-19), số lượt khách đến Huế đạt 4,8 triệu lượt; doanh thu du lịch đạt trên 12.000 tỷ đồng, đóng góp hơn 12% GRDP của tỉnh[6].
Sau thời gian bị suy giảm mạnh do tác động của dịch bệnh COVID-19, với sự nỗ lực chung của chính phủ, địa phương và toàn hệ thống ngành du lịch, hoạt động du lịch trên địa bàn TTH đang từng bước được phục hồi. Dự báo, năm 2024, ngành du lịch TTH gần đạt được các con số của năm 2019.
Theo thống kê của Sở Du lịch Huế, đến tháng 6 năm 2024, trên toàn thành phố có 893 cơ sở lưu trú với 14.229 phòng. Trong đó, loại hình khách sạn và nghỉ dưỡng (dưới đây gọi là khách sạn) có 205 cơ sở với 8.672 phòng. Trong số 205 khách sạn, có 33 khách sạn được phân hạng từ 1 sao đến 5 sao với 3.489 phòng; số khách sạn 3-5 sao gồm có 22 cơ sở với 3.115 phòng, chiếm gần 36% tổng phòng khách sạn và chiếm 89,3% tổng số phòng của các khách sạn được xếp hạng sao. Xét về địa bàn hoạt động, trên 90% khách sạn có vị trí tại thành phố Huế. Bên cạnh các cơ sở lưu trú, trên toàn tỉnh có 94 công ty kinh doanh lữ hành và văn phòng đại lý du lịch (trong đó có 69 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế, 19 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa và 06 văn phòng & đại lý du lịch). Việc nghiên cứu thực hành giảm NSDML trong ngành du lịch được thực hiện chủ yếu đối với 205 khách sạn.
KẾT QUẢ
Hiện trạng sử dụng nhựa một lần tại các doanh nghiệp du lịch
Các doanh nghiệp du lịch tham gia khảo sát gồm 45 doanh nghiệp, trong đó có 9 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lưu trú. Các doanh nghiệp có quy mô lao động dưới 50 người chiếm 60% và từ 50 người trở lên chiếm 40%. Các đơn vị lưu trú có quy mô dưới 10 nhân viên chiếm 77,8% (7/9 đơn vị) và 22,2% có từ 11 đến 50 nhân viên; các đơn vị lữ hành có số lao động ít hơn các đơn vị lưu trú. Đặc điểm của các đơn vị và đối tượng tham gia khảo sát được trình bày như sau:
![]() |
Kết quả điều tra tại khách sạn cho thấy có tổng cộng 41 loại sản phẩm nhựa sử dụng một lần (NSDML) được sử dụng phổ biến trong các bộ phận khác nhau của khách sạn. Trong đó, bộ phận buồng phòng là nơi tiêu thụ nhiều sản phẩm nhựa một lần nhất, chủ yếu là các vật dụng được cung cấp miễn phí cho du khách, bao gồm: chai nước nhựa, bộ đồ vệ sinh cá nhân, bao bì lót thùng rác... Ngoài ra, tại khu vực nhà hàng, các loại thực phẩm đóng gói nhỏ như sữa chua, bơ viên, gói gia vị, hộp đựng thực phẩm và dụng cụ ăn uống bằng nhựa cũng được sử dụng rộng rãi.
Tương tự, điều tra tại doanh nghiệp lữ hành cho thấy có 20 loại sản phẩm nhựa dùng một lần được sử dụng phổ biến. Trong đó, chai nước nhựa miễn phí dành cho khách là sản phẩm được tiêu thụ nhiều nhất, tiếp đến là hộp đựng thức ăn, bộ đồ ăn nhựa một lần, cốc nhựa, ống hút, khăn ướt và áo mưa dùng một lần.
![]() |
Điều này cho thấy, các khách sạn và doanh nghiệp lữ hành có xu hướng sử dụng nhiều sản phẩm nhựa dùng một lần, đặc biệt là các mặt hàng cung cấp miễn phí cho khách. Điều này góp phần làm gia tăng đáng kể lượng rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch và lưu trú. Trong khi đó, bộ phận buồng phòng và nhà hàng tại khách sạn, cũng như các dịch vụ ăn uống trong doanh nghiệp lữ hành, là những nguồn phát sinh chính của rác thải nhựa.
Chai nước nhựa là sản phẩm có mức tiêu thụ cao nhất trong cả hai nhóm đối tượng khảo sát, cho thấy đây là một lĩnh vực ưu tiên cần có giải pháp thay thế bền vững như hệ thống trạm nạp nước hoặc chai tái sử dụng.
Mức độ quan tâm và thực hành giảm nhựa dùng một lần (NSDML) tại các doanh nghiệp du lịch
Khảo sát tại các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố Huế cho thấy có đến 88,9% các doanh nghiệp đã được tập huấn, trong đó 62,2% doanh nghiệp tham gia từ 2 lần trở lên, 26,7% doanh nghiệp đã 1 lần tham dự. Chỉ có 11,1% doanh nghiệp chưa tham dự lần nào hoặc không nhớ đã tham dự hay chưa. Có tới 95,6% các doanh nghiệp được điều tra trả lời họ đã biết kế hoạch hành động của chính phủ và địa phương liên quan đến quản lý chất thải nhựa. Trong đó, 73,4% doanh nghiệp cho rằng việc giảm thiểu RTN là rất quan trọng, 24,4% trả lời là quan trọng, chỉ có 2% trả lời là không quan trọng.
![]() |
Có 9 biện pháp giảm thiểu RTN đã và đang được triển khai thực hiện ở 45 đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố Huế. Trong đó, tỷ lệ áp dụng và các đơn vị áp dụng được trình bày chi tiết như sau:
![]() |
Kết quả khảo sát còn cho thấy mức độ triển khai các biện pháp giảm RTN có sự khác biệt giữa các doanh nghiệp. Chỉ có 7 doanh nghiệp (16%) thực hiện đầy đủ cả 9 biện pháp giảm RTN, trong khi đó 8 doanh nghiệp (18%) thực hiện 8 biện pháp, 13 doanh nghiệp (29%) áp dụng từ 6-7 biện pháp, 11 doanh nghiệp (25%) thực hiện từ 4-5 biện pháp, và 6 doanh nghiệp (13%) chỉ triển khai ở mức tối thiểu với 3 biện pháp. Điều này cho thấy vẫn còn khoảng trống cần cải thiện trong việc thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện các biện pháp giảm RTN toàn diện hơn.
![]() |
Cuối cùng, đa số doanh nghiệp nhìn nhận các lợi ích tích cực từ việc thực hành giảm NSDML và RTN. Cụ thể, 88,9% doanh nghiệp cho rằng việc này giúp quảng bá hình ảnh doanh nghiệp tốt hơn; 71,1% nhận thấy có thể tiết kiệm chi phí vận hành; 66,7% cho rằng việc giảm RTN là cách để thu hút thêm khách hàng. Tuy nhiên, chỉ 44,9% doanh nghiệp tin rằng các nỗ lực giảm RTN giúp họ nhận được sự quan tâm từ chính quyền và các tổ chức. Điều này phản ánh rằng việc giảm thiểu nhựa dùng một lần trong ngành du lịch cần có sự cam kết và tham gia của các doanh nghiệp, bao gồm áp dụng các chính sách hạn chế nhựa, cung cấp giải pháp thay thế thân thiện với môi trường và nâng cao nhận thức của du khách về tiêu dùng bền vững.
Một số rào cản trong việc triển khai thực hành giảm NSDML
Khi đánh giá mức độ khó khăn bằng thang đo 4 mức (4: Rất đồng ý, 3: Đồng ý, 2: Ít đồng ý, 1: Hoàn toàn Không đồng ý ), ba rào cản lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải gồm: Chi phí đầu tư thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần cao (2,96/4). Thiếu chính sách hỗ trợ từ cơ quan quản lý (2,76/4). Hệ thống thu gom và phân loại rác chưa đồng bộ (2,69/4).
Ngoài ra, hai yếu tố khác cũng đáng chú ý:
Tăng khối lượng công việc cho quản lý và nhân viên (2,29/4). Khó tìm nguồn cung cấp sản phẩm thay thế (2,27/4).
Trong số 6 yếu tố được khảo sát, rào cản do du khách không hợp tác có mức ảnh hưởng thấp nhất (1,82/4). Kết quả khảo sát cho thấy "du khách không hợp tác" không phải là rào cản lớn trong việc giảm nhựa. Điều này chứng tỏ rằng nếu doanh nghiệp có chiến lược truyền thông hiệu quả, cung cấp thông tin rõ ràng về chính sách giảm nhựa và khuyến khích du khách tham gia, thì khả năng nhận được sự đồng thuận và hợp tác là rất cao. Đây là một lợi thế mà doanh nghiệp có thể tận dụng để đẩy mạnh các sáng kiến giảm nhựa mà không lo ngại về phản ứng tiêu cực từ khách hàng.
Ba rào cản lớn nhất mà doanh nghiệp du lịch gặp phải gồm: Chi phí đầu tư thay thế sản phẩm nhựa cao, Thiếu chính sách hỗ trợ từ cơ quan quản lý và Hệ thống thu gom và phân loại rác chưa đồng bộ. Các trở ngại này đòi hỏi chính phủ và chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ cụ thể, chẳng hạn như ưu đãi thuế, trợ cấp hoặc hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình không nhựa. Đồng thời, việc cải thiện hạ tầng thu gom và tái chế rác thải nhựa cần được đầu tư mạnh mẽ để giúp doanh nghiệp dễ dàng tham gia vào mô hình kinh tế tuần hoàn.
Doanh nghiệp du lịch ngày càng quan tâm đến việc tìm kiếm các sản phẩm thân thiện môi trường như bao bì sinh học, chai đựng nước tái sử dụng, bộ đồ vệ sinh cá nhân không nhựa, ống hút giấy... Điều này mở ra cơ hội lớn để tổ chức các hội chợ/triển lãm sản phẩm xanh dành riêng cho ngành du lịch, kết nối nhà cung cấp với các doanh nghiệp có nhu cầu, qua đó thúc đẩy việc chuyển đổi sang các giải pháp bền vững.
Kết luận
Kết quả nghiên cứu cho thấy mặc dù có nhiều thách thức, việc giảm thiểu nhựa dùng một lần trong ngành du lịch tại Huế đang dần trở thành xu hướng tất yếu. Sự chuyển đổi này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn nâng cao hình ảnh du lịch xanh, bền vững của thành phố. Để đạt được mục tiêu này, sự phối hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng là rất quan trọng. Chính sách hỗ trợ, giải pháp kỹ thuật, và nâng cao nhận thức là những yếu tố then chốt giúp thúc đẩy quá trình này. Nếu các giải pháp được triển khai đồng bộ, ngành du lịch Huế có thể tiên phong trong phong trào du lịch không nhựa, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ di sản thiên nhiên cho thế hệ tương lai.
Khuyến nghị giải pháp giảm NSDML trong doanh nghiệp du lịch
Kết quả điều tra cho thấy, có 3 loại sản phẩm NSDML được các khách sạn ưu tiên cắt giảm trong thời gian tới gồm: bộ đồ vệ sinh cá nhân, chai nước nhựa sử dụng 1 lần và túi ni lông. Đối với các doanh nghiệp lữ hành, các doanh nghiệp chỉ đưa ra hai lựa chọn là giảm túi ni lông và giảm chai nước nhựa. Đây là những yếu tố then chốt cần ưu tiên khi thiết kế các hoạt động giảm nhựa tại các đơn vị trong thời gian tới.
Để thúc đẩy việc giảm NSDML trong các doanh nghiệp du lịch tại Huế, cần tập trung vào các giải pháp sau:
Hỗ trợ tài chính và chính sách ưu đãi: Chính quyền địa phương nên đưa ra các cơ chế hỗ trợ như giảm thuế, trợ cấp cho doanh nghiệp áp dụng các giải pháp thay thế nhựa. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển mô hình du lịch không nhựa, tạo giá trị thương hiệu gắn với du lịch xanh.
Tăng cường truyền thông và thay đổi hành vi khách hàng: Đẩy mạnh các chiến dịch tuyên truyền để khuyến khích khách du lịch sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Thiết lập mạng lưới doanh nghiệp xanh: Hình thành các nhóm doanh nghiệp cam kết giảm nhựa, chia sẻ kinh nghiệm và mô hình thành công để lan tỏa tác động tích cực. Khuyến khích các nhà cung cấp địa phương phát triển các sản phẩm thay thế thân thiện môi trường.
Tích hợp tiêu chí môi trường vào xếp hạng du lịch: Xây dựng tiêu chí đánh giá mức độ thân thiện với môi trường của doanh nghiệp du lịch, các quy định cụ thể về việc hạn chế NSDML trong ngành du lịch. Ban hành lộ trình giảm dần các sản phẩm nhựa dùng một lần trong hoạt động du lịch.
Những giải pháp trên nếu được triển khai đồng bộ sẽ giúp giảm đáng kể lượng nhựa dùng một lần trong ngành du lịch, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao hình ảnh du lịch xanh của Huế.
Nghiên cứu đột phá mở ra hy vọng hồi phục cho bệnh nhân đột quỵ
Các nhà khoa học đã tìm ra loại thuốc giúp bệnh nhân đột quỵ khôi phục lại khả năng vận động mà không cần vật lý trị liệu.