Các nhà khoa học Việt Nam vừa nghiên cứu thành công chế phẩm HCV từ hoa cúc vàng (Chrysanthemum indicum) có khả năng ức chế sự phát triển của tảo độc Microcystis aeruginosa. Đây là kết quả của nhiệm vụ nghiên cứu mã số UDPTCN 04./22-24 do PGS.TS Lê Thị Phương Quỳnh chủ nhiệm, thuộc Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
![]() |
Tình trạng ô nhiễm môi trường nước tại Việt Nam đang gia tăng do sự phát triển kinh tế - xã hội kéo theo sự bùng phát của nhiều loài tảo độc. Trong đó, tảo Microcystis aeruginosa là một loại vi khuẩn lam có khả năng tiết độc tố làm suy giảm chất lượng nước, tạo ảnh hưởng tiêu cực cho hệ sinh thái nước và sức khỏe con người.
Nhằm tìm kiếm giải pháp xử lý tảo độc theo hướng thân thiện với môi trường, nhóm nghiên cứu đã tập trung vào các hợp chất tự nhiên có khả năng ức chế sự phát triển của loại tảo này. Kết quả cho thấy, nhóm hoạt chất furan và flavonoid chiết xuất từ hoa cúc vàng có tác dụng ức chế mạnh sự sinh trưởng của M. aeruginosa.
Nghiên cứu đã xây dựng quy trình chiết xuất chế phẩm HCV với quy mô 2 kg nguyên liệu khô/mẻ từ hoa cúc vàng, đạt hàm lượng nhóm chất phenolic ≥ 60%. Đây là thành phần chính giúp chế phẩm có khả năng diệt tảo độc một cách hiệu quả và đặc hiệu.
![]() |
Bằng độc quyền sáng chế: Hợp chất khung Furan và phương pháp phân lập hợp chất này từ hoa cây cúc vàng Chrysanthemum indicum. |
Không chỉ mang lại giải pháp tiềm năng trong xử lý ô nhiễm nước, công trình nghiên cứu còn có giá trị khoa học cao. Nhiệm vụ đã công bố 01 bài báo trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục SCIE, được cấp 01 bằng độc quyền sáng chế và đào tạo 01 nghiên cứu sinh.
Việc nghiên cứu và ứng dụng chế phẩm từ hoa cúc vàng mở ra triển vọng lớn trong việc kiểm soát tảo độc bằng phương pháp sinh học, thân thiện với môi trường. Kết quả này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng nước tại các thủy vực bị ô nhiễm mà còn tạo tiền đề cho các nghiên cứu sâu hơn về hợp chất tự nhiên trong bảo vệ môi trường.
Vi nhựa đang làm giảm khả năng quang hợp của thực vật
Tình trạng này không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế mà còn là mối lo ngại cho an ninh lương thực toàn cầu.