Nghiên cứu khoa học chỉ ra: Hơn 60% cha mẹ từng làm 1 hành động gây tổn thương não bộ của con, thậm chí sụt giảm IQ

Hầu hết cha mẹ đều yêu thương con cái, nhưng không phải ai cũng biết cách giáo dục đúng.

Khi nhắc đến bạo lực gia đình, nhiều người nghĩ ngay đến những trận cãi vã hay đánh nhau giữa bố mẹ. Thế nhưng, có một loại “bạo lực gia đình” khác có thể gây tổn thương cho con cái nặng nề hơn cả những màn đánh nhau của người lớn, đó là bạo lực ngôn từ (bạo lực tâm lý).

Theo báo cáo nghiên cứu của UNICEF, có đến 61,7% cha mẹ từng có hành vi bạo lực ngôn từ với con cái. Trong đó, hành động bạo hành tinh thần phổ biến nhất là dìm hàng con, hoặc chỉ trích trẻ vô lý.

Nghiên cứu cũng chỉ ra: Mặc dù bạo lực ngôn từ không gây hại cho cơ thể, song chúng để lại những ám ảnh tâm lý rất khó quên cho những đứa trẻ.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Kiểu bạo hành tâm lý này thường núp dưới vỏ bọc của "tình yêu gia đình" và đau lòng hơn nữa, chúng lại thường đến từ những người gần gũi với trẻ nhất.

Những hành động bạo hành được thực hiện bởi chính cha mẹ và người thân của bé, xuất phát từ mục đích tưởng chừng đúng đắn “mẹ làm việc này là vì con” khiến nạn nhân chỉ biết im lặng và chịu đựng những lời chửi bới, đe doạ hay hạ thấp của người lớn. 

Một số dấu hiệu của việc bạo hành tâm lý trẻ có thể đến từ những lời dưới đây: 

+ Hạ thấp năng lực hay thành tích của bé. (“Con làm điều này chẳng có ích lợi gì đâu, bỏ đi!”)

+ Đe doạ trẻ. (“Nếu con không vâng lời, mẹ sẽ…”)

+ Trách cứ con vô lý. (“Chỉ vì con mà cuộc đời mẹ mới mệt mỏi và khó khăn thế này đây!”)

+ Thường xuyên so sánh khiến trẻ xấu hổ. (“Nhìn con nhà người ta mà học tập đi!”).

+ Trêu chọc hay chế nhạo bé. (“Nếu con không ăn ít đi, con sẽ mập hơn cả anh trai đấy!)

+ Đặt những biệt danh khiến trẻ cảm thấy bị xúc phạm. (“Con lợn mập mạp”).

+ Phớt lờ nhu cầu của con bằng sự im lăng. (“Đi ra ngoài, để mẹ yên”).

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

“Lời bạo lực tàn nhẫn nhất tôi từng nghe lại đến từ chính cha mẹ”

Đó là những dòng chia sẻ nhận về hơn 1,5 triệu lượt thích từ một bài chia sẻ ẩn danh trên Douban (MXH nổi tiếng của Trung Quốc).

Bên dưới bài viết, nhiều netizen đã bày tỏ sự đồng cảm với người đăng, đồng thời kể lại những kỷ niệm tuổi thơ đầy bất lực của mình.

Trong số đó, cũng có không ít phụ huynh bình luận: “Tôi đã dành tất cả điều kiện vật chất tốt nhất cho con. Tôi cho con tham gia lớp học thêm đắt đỏ, nấu đủ 3 bữa/ngày. Tôi còn chưa đụng vào mà nó đã giận dữ, kêu không chịu nổi là sao?”.

Sự bất bình của cha mẹ trên cũng là tiếng nói chung của không ít gia đình ngày nay. Thực tế, có không ít phụ huynh dành hết sự yêu thương và của cải vật chất cho con với suy nghĩ đứa trẻ sẽ cảm thấy hạnh phúc. Họ không đánh đập con, nhưng thay vào đó, họ lại thường dùng những từ ngữ gay gắt khi nói chuyện. Đó mới chính là điều khiến những đứa con đau lòng và để lại ám ảnh tâm lý khó quên.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Trong một nghiên cứu về "tổn thương của trẻ em bị bạo hành", các nhà khoa học đã nhận được 721 lá thư từ những người lớn từng bị bạo hành hồi nhỏ. Một số điều họ trải qua là lạm dụng tình dục, bạo lực thể chất và bạo hành tinh thần.

Kết quả cuộc khảo sát chỉ ra: 80% cho rằng bạo hành tinh thần để lại dư chấn và đau khổ nhiều nhất.

Trong khi đó, nghiên cứu từ Tiến sĩ Ethan Kross (nhà tâm lý học người Mỹ, tác giả của loạt sách best-seller về phương pháp giáo dục con cái) nhận định: Khi một người bị tấn công bằng bạo lực lời nói, nỗi đau tinh thần người đó chịu đựng ở vùng não sẽ tương tự như nỗi đau thể xác họ phải trải qua.

Đặc biệt, nỗi đau thể xác có thể chữa lành, nhưng nỗi đau tâm lý sẽ để lại “vết sẹo” lâu dài trong tâm hồn. 

Hậu quả nghiêm trọng khi trẻ bị bạo lực ngôn từ

Nhiều phụ huynh cho rằng lời nói tiêu cực với con chỉ là chuyện bình thường. Thế nhưng, có thể đứa trẻ đã bị tổn thương sâu sắc với 3 điều dưới đây:

1. Não dễ bị tổn thương

Nghiên cứu cho thấy những người thường xuyên bị bạo lực ngôn từ tuổi thơ, khi lớn lên có thể bị tổn thương ở các vùng não chịu trách nhiệm điều chỉnh cảm xúc và giải quyết căng thắng.

Thậm chí, việc bị tổn thương tâm lý quá mức có thể làm thay đổi cấu trúc não bộ, chẳng hạn như khiến hệ thống thần kinh phản ứng với sự căng thẳng trở nên nhạy cảm hơn. Điều này khiến họ dễ căng thẳng và sợ hãi, từ đó tăng nguy cơ bị các vấn đề về mặt cảm xúc như trầm cảm hay rối loạn lo âu.

Kết quả nghiên cứu cho thấy trẻ hay bị phụ huynh la mắng (bên phải) có não bộ nhỏ hơn rất nhiều so với các bạn đồng trang lứa
Kết quả nghiên cứu cho thấy trẻ hay bị phụ huynh la mắng (bên phải) có não bộ nhỏ hơn rất nhiều so với các bạn đồng trang lứa

2. Tác động tiêu cực đến tâm lý

Việc la mắng quá nhiều không khiến trẻ tiến bộ nhanh hơn, mà ngược lại, có thể gây suy giảm trí nhớ và nhận thức của bé, cản trở việc học tập.

Bên cạnh đó, những đánh giá tiêu cực từ cha mẹ về lâu dài sẽ khiến trẻ trở nên tự ti, mất niềm tin vào bản thân. Chúng có xu hướng phủ nhận, coi mình là “kẻ thất bại”, rơi vào vòng trạng thái chán ghét cuộc sống.

3. Hình thành những mối quan hệ gắn bó không lành mạnh

Trẻ em bị bạo lực ngôn từ trong thời gian dài sẽ có xu hướng không có cảm giác an toàn, lòng tự trọng suy giảm. Khi trưởng thành, trẻ có xu hướng trở nên hung dữ hoặc yếu đuối quá mức. Ngoài ra, họ còn bị rối loạn tương tác với các mối quan hệ xung quanh như cha mẹ, gia đình, người thân, bạn bè….

Chúng dễ trở thành 2 kiểu người: Hay làm chiều lòng người khác, hoặc biến thành kẻ ưa bạo lực. Trong vài trường hợp nghiêm trọng, trẻ còn có thể tự gây tổn thương bản thân mình và người khác, thậm chí tự sát.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Lời khuyên từ chuyên gia

Trong mối quan hệ gia đình, cha mẹ luôn quan tâm và yêu thương con cái, nhưng không phải ai cũng biết giáo dục đúng cách.

Để con vẫn nghe lời gia đình và sống lành mạnh trong hành trình trưởng thành, cha mẹ cần lưu ý những điều sau:

1. Tôn trọng con như những cá thể độc lập

Trong quyển sách Người Đua Diều, tác giả Khaled Hosseini từng chia sẻ: "Trẻ em không phải cuốn tập vẽ. Bạn không nên chỉ tô màu cho con bằng những màu sắc mình yêu thích".

Trong khi đó, Giáo sư Maria Montessori (nhà giáo dục người Ý nổi tiếng với phương pháp giáo dục Montessori) cũng nhận định: Để trẻ nghe theo ý muốn của người lớn là sai lầm đáng xấu hổ nhất mà cha mẹ mắc phải.

Trẻ em không phải công cụ để người lớn đặt kỳ vọng, cũng không phải "con rối" để cha mẹ phó thác những mục tiêu trong cuộc sống. Thực tế, mục đích thực sự của giáo dục là để con tìm thấy chính mình và trở thành phiên bản tốt nhất, chứ không phải trở thành những đứa trẻ theo sự tưởng tượng của phụ huynh. 

Do đó, cha mẹ cần tôn trọng trẻ em như những cá thể độc lập với những nét tính cách, suy nghĩ và con đường khác nhau. Thay vì ra lệnh hay quát mắng, cha mẹ nên đưa ra lời khuyên và khích lệ con, hướng bé đi theo những con đường đúng đắn.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

2. Sử dụng ngôn ngữ tích cực khi giao tiếp với con

Nghiên cứu từ đại học Iowa (Mỹ) đưa ra kết quả: Chưa đến 20% lời cha mẹ nói với con hàng ngày là những điều tích cực và khích lệ.

Theo đó, các nhà khoa học yêu cầu trẻ ghi lại những nhận xét nhận được hàng ngày. Kết quả đau lòng khi cho thấy mỗi trẻ nhận được trung bình 400 lời tiêu cực mỗi ngày, trong khi chỉ có hơn 30 lời nhận xét tích cực.

Trong số đó, một số lời nhận xét hay bị cha mẹ nói nhất là: “Tại sao con dốt thế?”, “Con không thể làm được việc nhỏ này hay sao?”, “Trong đầu con đang chứa cái gì vậy”….

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Trẻ em chính là tấm gương phản chiếu của cha mẹ. Vậy nên những lời lẽ tiêu cực phụ huynh nói với con sẽ khiến trẻ bị nhiễm theo, cũng dần hình thành những nét tiêu cực như chính cha mẹ hay nói.

Do đó, hãy cố gắng nhận xét tích cực với con nhiều nhất có thể.

Khi một đứa trẻ bị điểm kém, đừng đổ lỗi con không học tập chăm chỉ; mà hãy tìm môn học hay lĩnh vực bé đã tiến bộ để khuyến khích học tiếp. Khi trẻ gặp khó khăn, cha mẹ đừng coi con là "kẻ kém cỏi". Thay vào đó, nên cùng bé tìm ra giải pháp và tin rằng con mình có khả năng giải quyết mọi vấn đề.

3. Giải thích cho trẻ những lần cha mẹ quát mắng

Thực tế, mỗi lần cha mẹ quát mắng hay dùng lời lẽ tiêu cực với con, cũng là do người lớn chưa kiềm chế được cảm xúc ở thời điểm đó. Do vậy, cha mẹ hãy cố gắng giải thích cho trẻ hiểu rằng những lời nói tiêu cực khi đó chỉ là lời bộc phát cảm xúc, không phải cố tình làm tổn thương con.

Nguyệt