"Giáo sư quần đùi" Trương Nguyện Thành: Có 1 chữ quan trọng nhất, cần được ưu tiên hàng đầu trong quá trình nuôi dạy con

Dạy con và học làm cha mẹ tuy khó nhưng cũng dễ. Bạn muốn con mình trở thành người thế nào thì bạn chỉ cần sống y như vậy.

Giáo sư (GS) Trương Nguyện Thành được nhiều người trìu mến gọi bằng cái tên "Giáo sư quần đùi". Ngoài vai trò là GS đại học, tác giả sách, ông cũng là một người cha với những quan niệm nuôi dạy con được nhiều người đồng tình và yêu mến.

Ông cho rằng, phong cách dạy con của mình là tạo tình huống và qua đó trực tiếp hay gián tiếp dạy cho con điều mình muốn chứ không "lên lớp" dạy bảo để con ngồi nghe và hy vọng con sẽ tuân thủ. Một nguyên tắc rất đơn giản "Muốn con trở thành người thế nào thì cha/mẹ sống và hành xử y như vậy".

Giáo sư (GS) Trương Nguyện Thành cũng cho biết: Ở nhiều quốc gia như ở Mỹ, giá trị cốt lõi "tự" được cho là ưu tiên hàng đầu trong giáo dục trẻ. Điều này cũng có nghĩa là nó là giá trị cần có đầu tiên cho mỗi con người trong xã hội đó. "Tự" ở đây bao gồm "Tự lập", "Tự tin", "Tự quyết", "Tự giác", và "Tự trọng". 

Giáo sư Trương Nguyện Thành
Giáo sư Trương Nguyện Thành

1. Tự lập

Tự lập là một giá trị quan trọng trong hệ giá trị của nhiều quốc gia tiên tiến và có thể nói là giá trị quan trọng nhất trong xã hội Mỹ. Tính Tự lập được cha mẹ dạy cho con mình từ khi mới sinh, bắt đầu từ việc cho con ngủ giường riêng chứ không ngủ chung với cha mẹ. 

Khi con được 1 tuổi thì cha mẹ đã bắt đầu dạy cho con dùng tay rồi dùng muỗng nhỏ đưa thức ăn vào miệng. Cha mẹ ngồi cạnh bên khuyến khích con tự ăn và khen ngợi khi con thành công. Đương nhiên là ban đầu thay vì đưa vào miệng thì đứa bé chưa có khả năng điều khiển tay mình chính xác nên thức ăn có thể lên mặt hoặc rớt ra ngoài. Đây là chuyện bình thường. Cha mẹ kiên nhẫn chờ con ăn xong rồi mới tắm cho con sạch sẽ.

Từ việc tự ăn đến việc tự đi vệ sinh, tự chọn và mặc quần áo, tự mang giày... cha mẹ dần dạy cho con trẻ và kiên nhẫn để cho con thời gian thí nghiệm và học hỏi. Đến khoảng 4-5 tuổi, hầu như tất cả các đứa trẻ Mỹ đều có khả năng tự mình làm những việc cơ bản cho bản thân trước khi vào học mẫu giáo.

Nhiều cha mẹ cẩn thận hơn còn dạy cho trẻ nhớ tên cha mẹ, số điện thoại, và địa chỉ nhà của mình. Khi con GS Thành khoảng 3-4 tuổi, mỗi lần rước các con về nhà, GS hay giả vờ quên đường. Thế là những đứa trẻ ngồi trong child seat nhìn đường và chỉ đường cho Daddy (bố). 

Sau một thời gian, các con chỉ đường cho Daddy đi chợ, từ trường học về nhà, đi nhà hàng mình thích, v.v. Chúng còn nhắc Daddy cả luật đi đường. Và sau này còn làm đồ ăn sáng cho Daddy nữa vì Daddy không còn nhớ gì cả kể cả nướng miếng bánh mì!

Đó là một trong những giây phút vui vẻ nhất trong cuộc đời làm cha của GS. Không biết các bạn có con trẻ có bao giờ làm những thí nghiệm giả vờ như thế để dạy cho con mình tự lập và cách ứng xử trong những tình huống bất cập không?

2. Tự tin

Tự tin là một tính cách quan trọng trong xã hội Mỹ. Nhất là khi xin việc làm, nếu một ứng viên thiếu tự tin tuy có kiến thức cũng sẽ khó tìm được việc. Từ việc tự lập trong việc chăm sóc bản thân con trẻ thể hiện tính tự tin hơn. 

Một trong những khác biệt rất rõ trong cách dạy con trẻ ở cha mẹ và thầy/cô Mỹ là họ khuyến khích thể hiện những hành động tốt ở con trẻ thay vì la mắng những hành động không tốt. Với những hành động không tốt thì họ thường rất nhẹ nhàng nhắc nhở như "Daddy/Mommy do not like you (nói rõ hành động không tốt). It is not acceptable. Do not do it again. Do you understand?" (Bố mẹ không thích con... Nó không được chấp nhận. Đừng lặp lại nhé. Con có hiểu không?) và chờ con trả lời. 

Cao lắm là phạt chúng úp mặt vào tường trong một thời gian nhất định như 10 phút. Nhờ vậy mà không đánh mất tính tự tin của con trẻ. Nhưng khi con trẻ thể hiện hay làm được việc gì tốt thì họ tỏ vẻ mừng rỡ, khen ngợi ra mặt.

Tuy nhiên một số trường hợp như tự tin trước đám đông, phát biểu trước nhiều người, v.v. thì phải chờ đến khi các trẻ bắt đầu vào mẫu giáo và đi học. Ở đây thầy/cô khuyến khích các em làm việc nhóm, đại diện nhóm phát biểu,... Thầy/cô lúc này đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng tính tự tin trước đám đông và tinh thần lãnh đạo qua việc không cho phép các học sinh chế giễu ý kiến của người khác,...

3. Tự quyết

Một trong những yếu tố giúp xây dựng tính tự tin ở con trẻ là khả năng tự suy nghĩ và tự quyết định hành động. Đương nhiên là những tự do này nằm trong khuôn khổ và chuẩn mực đạo đức, luật pháp cho phép. 

Trong xã hội Do Thái, cha mẹ khuyến khích con mình chọn và bảo vệ chính kiến riêng trên mọi vấn đề từ chính trị, xã hội, giáo dục,... Trong khi đó cha mẹ gia đình Mỹ thì khuyến khích con có suy nghĩ độc lập và phát triển tính cách riêng của mình qua những quyết định cá nhân từ những hoạt động sau giờ học. Tính tự quyết giúp con trẻ học hỏi tinh thần trách nhiệm cho những quyết định của mình.

4. Tự giác

Con trẻ học tính tự giác từ cha mẹ và những người lớn xung quanh từ những việc nhỏ nhặt nhất. Điều này rất nhiều bật cha mẹ không bao giờ để ý đến. Từ việc như đánh răng không đóng lại tuýt kem, con trai đi tiểu xong không để nắp bồn xuống, quần áo dơ không bỏ vào giỏ đồ, v.v. 

Đến những việc lớn hơn ngoài xã hội như tuân thủ luật đi xe, quăng rác ngoài đường, chửi thề, v.v. con trẻ đều học từ cha mẹ tất. Do đó muốn con mình lớn lên có tính tự giác thì bản thân cha mẹ cần thể hiện nó trước.

5. Tự trọng

Tự trọng là một tính cách đã làm thế giới nhiều lần phải nghiêng đầu nể trọng dân tộc Nhật khi họ đứng trước những thảm họa thiên tai. Tự trọng là một giá trị khó đào tạo cho con trẻ, tuy thế không phải là không làm được. 

"Tôi cũng nhiều lần đặt câu hỏi: "Tại sao người Nhật có tính tự trọng rất cao?". Nhờ mẹ của hai con là người Nhật nên dần tôi hiểu tính trung thật với bản thân là điều rất quan trọng với họ. Từ đó tôi đã thí nghiệm trên con của mình khi chúng còn rất nhỏ, 2-3 tuổi. 

Tôi có một qui luật với con cái của mình là: "Nếu con có lỗi lầm gì dù có tày trời thế nào chỉ cần con nói sự thật và xin lỗi thì Daddy không la mắng hay trừng phạt". Nếu chúng làm gì quấy khi tôi hỏi mà chúng ngập ngừng thì tôi nhắc lại qui luật. Thế là chúng nói thật. 

Sau đó, tôi ôm chúng và bảo "Daddy is very proud that you are being honest and telling the truth" (Bố rất tự hào vì con đã trung thực và nói sự thật) và giữ lời hứa không la mắng. Khi có cơ hội thì nói lại và nhắc nhở chúng. Và ngược lại khi tôi thất hứa với con điều gì dù cho có nhỏ đến đâu thì tôi cũng xin lỗi và coi chúng như người lớn", GS nói.

Có thể nói từ tính trung thực với bản thân trẻ tập cho mình tính tự trọng. Đương nhiên là con trẻ cũng học hỏi tính này từ cha mẹ nữa. Nếu cha mẹ không có tính tự trọng và trung thực với những người xung quanh thì khó dạy cho con mình có tính trung thực và tự trọng.

Dạy con và học làm cha mẹ tuy khó nhưng mà dễ. Bạn muốn con mình trở thành người thế nào thì bạn chỉ cần sống y như vậy.

Hiểu Đan

Sau khi khảo sát 100 học sinh kém, giáo sư đầu ngành khẳng định: Trên thế giới không có đứa trẻ nào lười biếng

Sau khi khảo sát 100 học sinh kém, giáo sư đầu ngành khẳng định: Trên thế giới không có đứa trẻ nào lười biếng

Không có bất kỳ đứa trẻ nào là kém cỏi hay lười biếng, chỉ là do chúng chưa nhận được cách giáo dục thích hợp mà thôi.