Tạo điều kiện để nữ trí thức tham gia nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ

Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&CN phối hợp các cơ quan hỗ trợ Hội Nữ trí thức Việt Nam, nhằm phát huy vai trò phụ nữ trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Ảnh minh họa Hội nghị Khoa học Nữ trí thức toàn quốc lần thứ IV
Ảnh minh họa Hội nghị Khoa học Nữ trí thức toàn quốc lần thứ IV

Tại Văn bản 4324/VPCP-QHĐP, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Khoa học và Công nghệ quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ phù hợp để Hội Nữ trí thức Việt Nam, các nữ khoa học Việt Nam tham gia nghiên cứu, đóng góp cho phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Mở rộng cơ hội cho nữ trí thức trong nghiên cứu khoa học và công nghệ

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ KH&CN sẽ phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (TW Hội LHPN Việt Nam) và các bộ, cơ quan liên quan, hướng dẫn Hội Nữ trí thức Việt Nam chủ động đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ theo quy định pháp luật. Điều này nhằm thực hiện tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22 tháng 12 năm 2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nữ trí thức tham gia sâu rộng vào các dự án nghiên cứu trọng điểm.

Bên cạnh đó, TW Hội LHPN Việt Nam được giao nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Nữ trí thức Việt Nam nghiên cứu, vận động nguồn lực để sớm thành lập Quỹ hỗ trợ các nữ khoa học trẻ. Quỹ này cần đảm bảo tuân thủ đầy đủ các điều kiện, hồ sơ theo quy định tại Điều 10, Điều 15, Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Các vấn đề vượt thẩm quyền cần được báo cáo kịp thời lên cấp có thẩm quyền.

Dấu ấn của phụ nữ Việt Nam trong khoa học và công nghệ

Chỉ đạo của Thủ tướng được đưa ra trong bối cảnh phụ nữ Việt Nam đã và đang đóng góp không nhỏ, khẳng định vị thế và vai trò quan trọng của mình trong phát triển KH&CN. Hiện nay, số lượng nữ trí thức tham gia nghiên cứu khoa học chiếm khoảng 46% tổng số nhân lực nghiên cứu phát triển của cả nước, với nhiều công trình mang giá trị lý luận và thực tiễn cao.

Nhiều nhà khoa học nữ, nữ giáo sư trẻ đã được vinh danh bởi các tổ chức quốc tế như UNESCO, lọt vào Top 1% những nhà khoa học có ảnh hưởng toàn cầu, hay Top 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á ở nhiều chuyên ngành đa dạng, cho thấy năng lực và tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của họ.

Nỗ lực của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Những năm qua, TW Hội LHPN Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong KH&CN. Điển hình là hoạt động xét chọn, trao Giải thưởng Kovalevskaia, nhằm tôn vinh các nhà khoa học nữ với những công trình nghiên cứu xuất sắc và các nữ chủ doanh nghiệp đạt thành tựu cao trong ứng dụng KH&CN.

Hội LHPN Việt Nam ở cả Trung ương và địa phương cũng đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học mang tính lý luận và thực tiễn, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động Hội và hỗ trợ phụ nữ tiếp cận KH&CN và đổi mới sáng tạo, đưa sản phẩm ra thị trường.

Đặc biệt, thông qua Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 (Đề án 939) của Thủ tướng Chính phủ, sau gần 7 năm triển khai, đã có hơn 72 nghìn phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp được hỗ trợ; 1.470 doanh nghiệp nữ, gần 12 nghìn hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết được thành lập mới. Hơn 45 nghìn doanh nghiệp nữ đã được tư vấn, đào tạo, kết nối tiếp cận nguồn vốn trên 400 tỷ đồng.

Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc được tổ chức hàng năm cũng đã ghi nhận 147 dự án khởi nghiệp của phụ nữ đoạt giải, trong đó có 10 dự án gắn với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Những dự án này không chỉ thúc đẩy giá trị văn hóa, truyền thống mà còn tạo ra các sản phẩm, dịch vụ độc đáo, góp phần xây dựng thương hiệu Việt và giới thiệu tới bạn bè quốc tế.

Hoàng Toàn

Nghị quyết 'kép' mở đường cho khoa học công nghệ Việt Nam bứt phá

Nghị quyết "kép" mở đường cho khoa học công nghệ Việt Nam bứt phá

"Luồng gió mới" từ Nghị quyết 57 và 193 đang khơi dậy tiềm năng phát triển đột phá cho khoa học công nghệ Việt Nam, hướng tới một tương lai đổi mới và sáng tạo.