Sáng nay 21-5, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (HIDS) và Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) tổ chức Diễn đàn CEO 2025 với chủ đề “Giải pháp mở rộng thị phần cho doanh nghiệp trong bối cảnh chiến tranh thương mại”.
Tại diễn đàn, ông Phạm Bình An, phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM đã chia sẻ bức tranh tổng thể về những tác động sâu rộng của xung đột thương mại đến môi trường kinh doanh trong nước. Việc các tập đoàn toàn cầu dịch chuyển sản xuất, gia tăng rào cản thương mại, đồng thời siết chặt yêu cầu truy xuất nguồn gốc đã khiến doanh nghiệp Việt phải thay đổi mạnh mẽ để thích nghi. Một trong những vấn đề nổi cộm được đưa ra là hiện tượng hàng hóa nước ngoài “đội lốt” xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang các thị trường lớn, khiến nguy cơ Việt Nam bị áp thuế trừng phạt là hoàn toàn có thật nếu không có biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín quốc gia mà còn làm tổn thương các doanh nghiệp sản xuất chân chính.
![]() |
Ông Phạm Bình An, phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM |
Diễn đàn ghi nhận nhiều chia sẻ thiết thực từ các lãnh đạo, người đang trực tiếp điều hành doanh nghiệp trong giai đoạn đầy biến động. Họ không chỉ phản ánh khó khăn mà còn chủ động trao đổi những giải pháp có thể áp dụng ngay để giúp doanh nghiệp không những “trụ vững” mà còn mở rộng thị phần một cách thông minh và hiệu quả. Tư duy “ứng phó bị động” đang dần được thay thế bởi tinh thần “chủ động tái cấu trúc”.
Các nhóm giải pháp nổi bật được nhấn mạnh tại diễn đàn bao gồm: Thứ nhất, doanh nghiệp cần tăng cường năng lực cạnh tranh nội tại thông qua đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa chi phí vận hành. Đây là nền tảng để tạo ra chuỗi giá trị bền vững, giúp doanh nghiệp vươn xa thay vì mãi loay hoay trong thị trường nội địa.
Thứ hai, cần đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu. Thay vì phụ thuộc vào các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, doanh nghiệp nên chủ động khai thác các thị trường ngách đầy tiềm năng như Đông Nam Á, Trung Đông và châu Phi, là nơi còn nhiều dư địa phát triển và ít cạnh tranh hơn.
Thứ ba, việc ứng dụng công nghệ số và thương mại điện tử xuyên biên giới được xem là chìa khóa vàng trong giai đoạn hiện nay. Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng, mà còn là công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng toàn cầu, tối ưu hóa vận hành và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Thứ tư, trong bối cảnh người tiêu dùng toàn cầu ngày càng quan tâm đến tính minh bạch, việc đầu tư vào thương hiệu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh lâu dài. Doanh nghiệp không chỉ cần bán sản phẩm, mà còn phải kể được câu chuyện về chất lượng, xuất xứ và cam kết của mình với người tiêu dùng.
Thứ năm, diễn đàn cũng nhấn mạnh vai trò của sự hợp tác liên kết ngành. Thay vì cạnh tranh đơn lẻ, các doanh nghiệp cần bắt tay nhau, chia sẻ nguồn lực, phối hợp trong logistics, tài chính và tiếp thị để cùng tạo ra sức mạnh tập thể trước các biến động toàn cầu.
Bên cạnh đó, sáng kiến thành lập các liên minh chuyên ngành như “Liên minh xuất khẩu trực tuyến Việt Nam” đang được nhiều doanh nghiệp ủng hộ. Đây được xem là bước đi chiến lược nhằm tạo dựng một hệ sinh thái bền vững từ sản xuất, logistics, thanh toán đến tiếp thị quốc tế, phù hợp với xu thế thương mại điện tử xuyên biên giới đang phát triển mạnh mẽ.
Có thể nói, trong giai đoạn bất định này, vai trò của những nhà lãnh đạo không chỉ là người điều hành, mà còn là người truyền cảm hứng và dẫn dắt doanh nghiệp đổi mới, kết nối và vươn ra toàn cầu.
Diễn đàn CEO 2025 không chỉ mang đến các phân tích chuyên sâu và kinh nghiệm thực tiễn, mà còn truyền đi thông điệp mạnh mẽ: Muốn vượt sóng, doanh nghiệp cần người lãnh đạo đủ bản lĩnh để ra khơi. Và chính trong giông bão, chân dung một lãnh đạo xuất sắc mới thật sự tỏa sáng.
Doanh nghiệp dịch vụ chú trọng xây dựng nền tảng công nghệ
Trong bối cảnh kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ, các doanh nghiệp dịch vụ đang đứng trước áp lực không ngừng đổi mới để tăng khả năng cạnh tranh.