Sáng 22/5, tại TP. Hồ Chí Minh, Báo Pháp luật Việt Nam - Văn phòng đại diện phía Nam tổ chức Tọa đàm chuyên đề: “Cần tiếp tục luật hóa một số vấn đề theo tinh thần Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu”. Sự kiện thu hút sự tham gia của nhiều nhà hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế - pháp lý và đại diện các tổ chức tín dụng, với trọng tâm là đánh giá hiệu quả của Nghị quyết 42 và thảo luận hướng đi tiếp theo trong việc luật hóa nội dung nghị quyết này.
Phát biểu khai mạc, Nhà báo Hà Ánh Bình - Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam nhấn mạnh: “Nghị quyết 42/2017/QH14 được Quốc hội ban hành ngày 21/6/2017 là một bước đột phá lớn trong xử lý nợ xấu tại Việt Nam. Với hiệu lực mang tính thí điểm nhưng nội dung đột phá, nghị quyết đã tạo cơ chế đặc thù cho các tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc thu hồi nợ, xử lý tài sản bảo đảm, góp phần khơi thông dòng vốn, nâng cao hiệu quả tín dụng, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.”
![]() |
Nhà báo Hà Ánh Bình - Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam phát biểu khai mạc tọa đàm |
Sau hơn 6 năm thực thi, Nghị quyết 42 đã mang lại kết quả tích cực: tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm mạnh, môi trường tín dụng minh bạch hơn, ý thức trả nợ được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, kể từ ngày 01/01/2024, khi Nghị quyết chính thức hết hiệu lực hệ thống ngân hàng lại đối mặt với khoảng trống pháp lý trong xử lý nợ xấu. Nhiều thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm bị gián đoạn, tranh chấp phát sinh ngày càng phức tạp, làm chậm quá trình thu hồi nợ và ảnh hưởng đến khả năng cung ứng tín dụng.
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM (Khu vực 2) cho biết: “Luật hóa nội dung cốt lõi của Nghị quyết 42 là yêu cầu cấp thiết để duy trì hiệu quả xử lý nợ xấu và ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, việc luật hóa quyền thu giữ tài sản bảo đảm, một trong những điểm quan trọng của Nghị quyết này sẽ góp phần rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí cho ngân hàng và tăng tốc độ tái tạo dòng vốn cho nền kinh tế”.
Ở góc nhìn học thuật, GS.TS Võ Xuân Vinh (UEH) khẳng định: “Luật hóa các quy định hiệu quả từ Nghị quyết 42 không chỉ giúp xử lý nợ xấu nhanh hơn, mà còn thiết lập một khuôn khổ pháp lý đồng bộ, minh bạch, bền vững, qua đó bảo đảm quyền lợi hợp lý giữa các bên: tổ chức tín dụng, người đi vay, bên bảo đảm.”
Đồng quan điểm, ông Trần Phương Hồng - Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM cho biết: Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2024 đã kế thừa một số nội dung từ Nghị quyết 42 như: (1) quy định quyền thu giữ tài sản bảo đảm có thỏa thuận, (2) cơ chế kê biên tài sản bảo đảm hợp lý hơn, (3) hoàn trả tài sản bảo đảm là tang vật trong vụ án hình sự hoặc vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý tại tọa đàm cho rằng: Việc chuyển hóa các cơ chế thí điểm từ Nghị quyết 42 vào hệ thống luật định cần được làm một cách toàn diện, chi tiết và khả thi. TS. Sỹ Hồng Nam - Phó Chánh Văn phòng TAND TP.HCM nhấn mạnh: “Cần quy định rõ ràng trình tự thu giữ tài sản bảo đảm, trách nhiệm phối hợp của cơ quan công an và chính quyền địa phương, để hạn chế tình trạng chống đối, kéo dài thời gian thu giữ như hiện nay.”
Một điểm nổi bật từ Nghị quyết 42 được các đại biểu đánh giá là mang tính “ngoại lệ pháp lý”: cho phép TCTD thu giữ tài sản bảo đảm mà không cần chờ bản án có hiệu lực từ tòa án, với điều kiện có thỏa thuận bằng văn bản và tài sản không tranh chấp hoặc bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM phân tích: “Cơ chế này giúp xử lý nợ xấu nhanh hơn, tiết giảm thời gian tố tụng nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, có giám sát. Đây là điểm cần được giữ lại và luật hóa chặt chẽ để trở thành hành lang pháp lý ổn định lâu dài.”
Tuy nhiên, một số bất cập vẫn tồn tại, như việc hướng dẫn từ Thông tư 33/2017/TT-BTNMT còn thiếu rõ ràng, khiến bên mua nợ không thể đăng ký quyền giao dịch bảo đảm với tài sản gắn liền với đất, gây rủi ro pháp lý cao. Đồng thời, cơ chế thông tin chưa liên thông giữa Tòa án, Thi hành án và Văn phòng Đăng ký đất đai khiến việc kiểm tra tình trạng pháp lý tài sản gặp khó khăn.
Luật sư Dương Thanh Minh (DT Law) đề xuất cần có cơ chế xét xử rút gọn với các tranh chấp tín dụng rõ ràng và cụ thể thời hạn giải quyết. Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia liên thông về tài sản bảo đảm, giúp ngân hàng kiểm tra thông tin trước khi tiến hành thu giữ. “Việc chậm trễ trong đăng ký giao dịch bảo đảm, cũng như tạo tranh chấp giả nhằm trì hoãn quá trình thu hồi nợ, đang là những chiêu thức gây nhiều cản trở trong xử lý nợ xấu” ông nói.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng cho rằng việc luật hóa nội dung của Nghị quyết 42 cần được lồng ghép đồng bộ vào Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản để tránh xung đột pháp lý, tạo môi trường minh bạch, bảo vệ quyền lợi của cả bên thế chấp và bên cho vay.
![]() |
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM phát biểu tại tọa đàm |
Tọa đàm cũng lắng nghe ý kiến từ đại diện các ngân hàng, giới luật sư và người dân từng vướng nợ xấu do bị lừa đảo thẻ tín dụng. Những câu chuyện thực tiễn này càng cho thấy tính cấp thiết của việc hoàn thiện cơ chế xử lý nợ xấu một cách công bằng, hiệu quả và có trách nhiệm.
![]() |
Nhiều ý kiến từ đại diện ngân hàng, giới luật sư và người dân bị lừa đảo thẻ tín dụng cũng được chia sẻ tại tọa đàm |
Kết thúc buổi tọa đàm, Nhà báo Hà Ánh Bình - Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam bày tỏ kỳ vọng các ý kiến tại hội thảo sẽ là cơ sở tham khảo hữu ích cho các nhà lập pháp, qua đó tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín dụng, tài chính, hướng đến một thị trường tài chính lành mạnh, minh bạch và bền vững.
Dấu hiệu nhận biết lừa đảo theo mô hình Ponzi
Kêu gọi đầu tư làm giàu nhanh, hứa hẹn trả lãi với lãi suất cao ngất, cam kết không có rủi ro hoặc rủi ro đầu tư rất thấp… là những dấu hiệu rõ nhất của các vụ lừa đảo theo mô hình Ponzi liên tục vỡ lở theo cơn sốt tiền ảo.