Sơn mài truyền thống được chắp cánh vào cuộc sống đương đại bởi những nghệ sĩ trẻ

LÊ QUANG VINH

Triển lãm “Đối thoại” bao gồm những tác phẩm sáng tác dựa trên sự kết hợp của sơn mài với đa dạng các chất liệu và loại hình nghệ thuật khác nhau.

Là một hoạt động tiếp theo trong khuôn khổ dự án "Chuyện Đình trong Phố" diễn ra tại đình Nam Hương (75 phố Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm - Hà Nội), triển lãm “Đối thoại” đã được khai mạc vào chiều tối 29/6/2024.

Đình Nam Hương chính là nơi thờ Vua Lê Thái Tổ (tên thật là Lê Lợi, 1385 - 1433) - là một nhà chính trị, nhà lãnh đạo quân sự tài ba. Ông là người đã lãnh đạo đội quân chống lại sự chiếm đóng của nhà Minh từ năm 1418 đến lúc đánh đuổi hoàn toàn quân Minh ra khỏi Đại Việt vào năm 1428, sau đó xây dựng và tái thiết đất nước.

Tác phẩm “Cảm hứng với sen” VIII của Trương Hoàng Hải - sơn mài trên vóc, thể hiện khung cảnh cầu Long Biên, cột điện sắt, loa phường và phía dưới là một mường tượng ảo của tác giả về đầm sen trên sông Hồng. Ảnh: L.Q.V
Tác phẩm “Cảm hứng với sen” VIII của Trương Hoàng Hải - sơn mài trên vóc, thể hiện khung cảnh cầu Long Biên, cột điện sắt, loa phường và phía dưới là một mường tượng ảo của tác giả về đầm sen trên sông Hồng. Ảnh: L.Q.V

Sau những thử nghiệm, nâng cấp và ứng dụng nghệ thuật sơn mài Việt Nam, triển lãm “Đối thoại” không chỉ đơn thuần là việc trưng bày tranh sơn mài thuần túy, mà bao gồm các tác phẩm được sáng tạo dựa trên sự kết hợp của chất sơn mài với đa dạng các chất liệu và loại hình nghệ thuật như: Video Art, Sound Art, sắp đặt, tượng in 3D, đồ gốm, nhựa, gỗ…

“Song mão phiêu lưu ký” - nghệ thuật trình chiếu trên tranh sơn mài, là ý tưởng của 3 nghệ sĩ, thông qua tác phẩm của Hải và Vũ cùng với cách biểu đạt nghệ thuật của Huy. Ảnh: L.Q.V
“Song mão phiêu lưu ký” - nghệ thuật trình chiếu trên tranh sơn mài, là ý tưởng của 3 nghệ sĩ, thông qua tác phẩm của Hải và Vũ cùng với cách biểu đạt nghệ thuật của Huy. Ảnh: L.Q.V

“Đối thoại” là triển lãm ra mắt của De.lac - nhóm nghệ sĩ trẻ tập trung nghiên cứu và thực hành các dự án nghệ thuật lấy cảm hứng từ sơn mài. Các nghệ sĩ đã kết hợp sơn mài với đa dạng các loại hình, chất liệu nghệ thuật; hướng đến ứng dụng kỹ thuật sơn mài truyền thống vào cuộc sống hiện đại.

De.lac được thành lập từ năm 2022, bởi 3 thành viên: Trương Hoàng Hải (họa sĩ, sinh năm 1997, tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam - khoa hội họa), Nguyễn Quang Vũ (họa sĩ, sinh năm 1997, tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam - khoa thiết kế) và Nguyễn Đoàn Quang Huy (nghệ sĩ VFX, sinh năm 1998, tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, lớp quay phim điện ảnh).

Tại triển lãm “Đối thoại”, từ phải sang: Họa sĩ/giảng viên/giám tuyển Nguyễn Thế Sơn và các nghệ sĩ trẻ Trương Hoàng Hải, Nguyễn Quang Vũ, Nguyễn Đoàn Quang Huy. Ảnh: L.Q.V
Tại triển lãm “Đối thoại”, từ phải sang: Họa sĩ/giảng viên/giám tuyển Nguyễn Thế Sơn và các nghệ sĩ trẻ Trương Hoàng Hải, Nguyễn Quang Vũ, Nguyễn Đoàn Quang Huy. Ảnh: L.Q.V

Nhận xét về triển lãm “Đối thoại”, họa sĩ/giảng viên/giám tuyển Nguyễn Thế Sơn (người đỡ đầu của dự án này) cho rằng: “Tuy cá tính và chuyên môn sáng tác khác biệt, nhưng 3 nghệ sĩ lại tìm thấy sự đồng điệu đến bất ngờ trong nghệ thuật, và tất cả bắt đầu từ sơn mài.

Mỗi tác phẩm như một bản ghi chép về những cuộc “đối thoại” của các tác giả với chính mình và với nhau. Không có một chủ đề hay cách thể hiện cố định, nhưng quy trình sáng tạo của mỗi tác phẩm trong “Đối thoại” lại có nét khá tương đồng.

“Từ 100 đến 100 triệu” II - sắp đặt sơn mài, là phiên bản mới “Từ 100 đến 100 triệu” của Hải, với sự phối hợp góc nhìn, tư duy nghệ thuật của Vũ và Huy. Ảnh: L.Q.V
“Từ 100 đến 100 triệu” II - sắp đặt sơn mài, là phiên bản mới “Từ 100 đến 100 triệu” của Hải, với sự phối hợp góc nhìn, tư duy nghệ thuật của Vũ và Huy. Ảnh: L.Q.V

Ba nghệ sĩ trẻ giao tiếp thông qua ngôn ngữ nghệ thuật và những kỹ thuật chuyên môn khác biệt, nhưng các tác phẩm tại triển lãm từ tranh, sắp đặt, thiết kế và in 3D, trình chiếu Visual Art … đều đem lại một cảm giác đồng điệu đến khó tin…”.

“Bình minh, hoàng hôn” - sơn mài trên nhựa in 3D, ứng dụng công năng, lấy cảm hứng từ những nguyên lý chuyển động của mặt trời qua con mắt người quan sát. Ý tưởng gốc của tác phẩm: Vũ. Thể hiện: Huy và Hải, với sự hỗ trợ của Trương Hải Đăng. Ảnh: L.Q.V
“Bình minh, hoàng hôn” - sơn mài trên nhựa in 3D, ứng dụng công năng, lấy cảm hứng từ những nguyên lý chuyển động của mặt trời qua con mắt người quan sát. Ý tưởng gốc của tác phẩm: Vũ. Thể hiện: Huy và Hải, với sự hỗ trợ của Trương Hải Đăng. Ảnh: L.Q.V

Có một điều đặc biệt ở hoạt động văn hóa này: Triển lãm “Đối thoại” được khởi xướng và bảo trợ bởi Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm và Tiểu Ban Quản lý Đình Nam Hương cùng Ủy ban Nhân dân phường Hàng Trống đã hỗ trợ địa điểm và tổ chức triển lãm.

Các tác phẩm trong triển lãm “Đối thoại” thu hút sự quan tâm của người thưởng ngoạn. Ảnh: L.Q.V
Các tác phẩm trong triển lãm “Đối thoại” thu hút sự quan tâm của người thưởng ngoạn. Ảnh: L.Q.V

Theo ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm: “Cách đây 5 năm, việc trùng tu đình Nam Hương đã được hoàn thành. Nhằm tạo dựng nơi đây thành một không gian văn hóa kết hợp, giữa nơi thờ tự tiền nhân và giao lưu văn hóa cộng đồng, thu hút sự tham gia của đông đảo công chúng, trong thời gian qua, tại đình Nam Hương đã diễn ra nhiều sự kiện tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống - như tranh dân gian Hàng Trống trong kho tàng di sản văn hóa của Việt Nam, cùng một số triển lãm kết quả các dự án nghệ thuật. Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới, nhiều triển lãm hấp dẫn khác cũng sẽ được tổ chức tại đây…”.

Triển lãm “Đối thoại” sẽ kéo dài đến hết ngày 15/7/2024. Hy vọng rằng, sau “Đối thoại” lần này, với ưu thế sức trẻ cùng những khát vọng khám phá, các nghệ sĩ của nhóm De.lac sẽ có thêm nhiều thành công trong việc thử nghiệm và thực hành sáng tạo nghệ thuật.