Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa thông báo hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu AMD của Công ty Cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone.
Nguyên nhân do FLC Stone hiện đang thuộc diện chứng khoán bị đình chỉ giao dịch do chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022 quá 6 tháng so với thời hạn quy định.
Đồng thời, cổ phiếu AMD đang thuộc diện kiểm soát do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 30 ngày so với thời hạn quy định. Đến nay, AMD chưa khắc phục được nguyên nhân đưa chứng khoán vào diện đình chỉ giao dịch và diện kiểm soát, theo TPO.
Trước đó, FLC Stone từng đưa ra cam kết nộp báo cáo tài chính năm 2022 trước ngày 30/6. Theo biên bản làm việc giữa FLC Stone và UHY, chậm nhất tới ngày 30/6, FLC Stone sẽ phát hành báo cáo tài chính năm 2022.
Sau đó, công ty sẽ thực hiện nộp báo cáo thường niên năm 2022 theo quy định, đồng thời tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2023 trước ngày 30/9/2023, nhằm khắc phục triệt để tình trạng chứng khoán bị đình chỉ giao dịch.
Tuần trước, Phó tổng giám đốc AMD Nguyễn Công Tuấn đã xin từ nhiệm vì lý do cá nhân. Ông Tuấn xin tạm dừng công việc tại FLC Stone kể từ ngày 30/6. Đáng chú ý, ông Tuấn vừa mới được bổ nhiệm vào vị trí này từ ngày 7/1/2023.
Hệ sinh thái FLC có tổng cộng 7 mã là FLC, ROS, HAI, ART, KLF, GAB và AMD. Hiện, 4/7 cổ phiếu nhóm FLC đã bị hủy niêm yết bắt buộc, gồm FLC, ROS, HAI, AMD. Các cổ phiếu còn lại bị đình chỉ, hạn chế giao dịch. Tính đến thời điểm hiện tại, không còn cổ phiếu nào của nhóm FLC được phép giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Ngoài KLF, các cổ phiếu nêu trên đều bị ông Trịnh Văn Quyết thao túng giá. Cơ quan điều tra xác định, từ 1/9/2016 - 10/1/2022, ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo em gái lập nhiều tài khoản để giao dịch thao túng giá với 6 mã chứng khoán: FLC, ROS, ART, HAI, AMD, GAB.
Nhìn lại về lịch sử hoạt động của FLC Stone, công ty này được thành lập vào năm 2012 và chính thức lên sàn UPCoM vào tháng 10/2014 với mã AMD. Đến tháng 6/2015, AMD được chấp thuận niêm yết trên sàn HoSE và bắt đầu chuỗi ngày giao dịch tăng sốc, giảm sâu của mình.
Sau khi được giao dịch trên sàn HoSE, giá cổ phiếu AMD lao dốc rất mạnh, sau đó dần chuyển sang xu hướng tăng chậm trước khi có đợt tăng đạt đỉnh vào tháng 6/2017. Chưa để nhà đầu tư kịp vui mừng thì sau đó giá cổ phiếu AMD lại đảo chiều giảm mạnh khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang.
Kể từ tháng 10/2019, giá AMD duy trì đà tăng với độ dốc thấp, thanh khoảng trong mỗi phiên gần như không có. Nhìn lại hành trình lên xuống của AMD, mã này đạt đỉnh cao nhất tại mức 23.450 đồng/cổ phiếu vào tháng 6/2017 và thấp nhất tại ngưỡng 870 đồng/cổ phiếu vào tháng 11/2022.
Tính đến nay, khối lượng AMD đang niêm yết trên sàn là 163.504.874 cổ phiếu.
(Tổng hợp)