Trung Quốc nói Mỹ 'lạm quyền' khi yêu cầu các cơ quan chính phủ xóa ứng dụng TikTok

Trung Quốc cho biết Mỹ đang mở rộng quá mức khái niệm an ninh quốc gia và lạm dụng quyền lực nhà nước để đàn áp các công ty nước ngoài sau khi Nhà Trắng yêu cầu các cơ quan chính phủ phải xóa TikTok trong vòng 30 ngày.

"Chúng tôi kiên quyết phản đối những hành động sai trái đó", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Ba (28/2).

Bà nói thêm, lệnh cấm của chính phủ Mỹ đối với ứng dụng chia sẻ video cho thấy sự bất an của chính Washington và là sự lạm dụng quyền lực nhà nước.

"Mỹ, siêu cường hàng đầu thế giới, không chắc chắn đến mức nào mà lại sợ ứng dụng yêu thích của những người trẻ đến mức độ như vậy?", bà nói.

Nhà Trắng hôm thứ Hai (27/2) đã cho các cơ quan liên bang 30 ngày để xóa ứng dụng chia sẻ đoạn video do Trung Quốc sở hữu, TikTok, khỏi tất cả các thiết bị do chính phủ cấp.

Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Shalanda Young, trong một bản ghi nhớ, đã kêu gọi các cơ quan chính phủ trong vòng 30 ngày "gỡ bỏ và không cho phép cài đặt" ứng dụng trên các thiết bị công nghệ thông tin do cơ quan chính phủ sở hữu hoặc điều hành và "cấm truy cập Internet" từ các thiết bị đó đến ứng dụng TikTok .

Lệnh cấm không áp dụng cho các doanh nghiệp không liên kết với chính phủ liên bang hoặc hàng triệu công dân sử dụng ứng dụng cực kỳ phổ biến này.

Trung Quốc phản ứng trước yêu cầu cơ quan chính phủ xóa ứng dụng TikTok của Mỹ - Ảnh 1.

Logo ứng dụng TikTok trong hình minh họa này được chụp vào ngày 22/8/2022.

Tuy nhiên, một dự luật được đưa ra gần đây tại Quốc hội sẽ "cấm TikTok một cách hiệu quả" ở quốc gia này, theo Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ (ACLU).

Jenna Leventoff, cố vấn chính sách cấp cao của ACLU, cho biết: "Quốc hội không được kiểm duyệt toàn bộ nền tảng và tước bỏ quyền tự do ngôn luận và biểu đạt theo hiến pháp".

"Chúng tôi có quyền sử dụng TikTok và các nền tảng khác để trao đổi suy nghĩ, ý tưởng và quan điểm của mình với mọi người trên khắp đất nước và trên toàn thế giới".

Thuộc sở hữu của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc là ByteDance, TikTok đã trở thành mục tiêu chính trị do lo ngại ứng dụng này có thể bị Trung Quốc sử dụng cho mục đích gián điệp hoặc tuyên truyền.

Luật do Tổng thống Joe Biden ký vào tháng trước cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị do chính phủ cấp. Nó cũng cấm sử dụng TikTok tại Hạ viện và Thượng viện Mỹ.

Những lo ngại về an ninh quốc gia đối với cáo buộc gián điệp của Trung Quốc đã gia tăng trong tháng qua sau khi một khinh khí cầu của Trung Quốc bay ngang qua không phận Mỹ và cuối cùng bị bắn hạ.

Chính phủ Canada hôm thứ Hai (27/2) cũng đã cấm TikTok trên tất cả điện thoại và các thiết bị khác, với lý do lo ngại về mức độ truy cập của Bắc Kinh đối với dữ liệu người dùng.

Có hiệu lực từ thứ Ba, "ứng dụng TikTok sẽ bị xóa khỏi các thiết bị di động do chính phủ cấp. Người dùng các thiết bị này cũng sẽ bị chặn tải ứng dụng trong tương lai", chính phủ Canada cho biết trong một tuyên bố.

Ủy ban châu Âu cũng cấm ứng dụng này.

TikTok đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc họ chia sẻ dữ liệu hoặc nhường quyền kiểm soát cho chính phủ Trung Quốc.

Sự phát triển vượt bậc của TikTok từ một ứng dụng chia sẻ video đã trở thành gã khổng lồ trên mạng xã hội toàn cầu khiến nhiều quốc gia lo lắng.

Công ty này thừa nhận nhân viên ByteDance ở Trung Quốc đã truy cập dữ liệu người dùng ở Mỹ nhưng phủ nhận việc chuyển thông tin cá nhân cho chính quyền Trung Quốc.

TikTok đã có động thái xoa dịu nỗi lo của Mỹ, thông báo vào tháng 6 năm 2022 rằng họ sẽ lưu trữ tất cả dữ liệu về người dùng Mỹ trên các máy chủ có trụ sở tại Hoa Kỳ.

Các lệnh cấm không ngăn được sự phát triển của TikTok.

Với hơn một tỷ người dùng đang hoạt động, đây là nền tảng xã hội được sử dụng nhiều thứ sáu trên thế giới, theo cơ quan tiếp thị We Are Social.

Mặc dù tụt hậu so với bộ ba thống trị lâu nay của Meta gồm Facebook, WhatsApp và Instagram, nhưng tốc độ tăng trưởng của nó trong giới trẻ vượt xa các đối thủ cạnh tranh.

(CNA)

N.MINH