Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa có báo cáo kết quả công tác quản lý, vận hành khai thác các tuyến cao tốc do đơn vị quản lý gồm: Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.
Theo VEC, Quyết định 2323 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ GTVT (về việc phê duyệt phương án tài chính hòa chung dòng tiền 5 dự án đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư) có đưa ra lộ trình tăng phí định kỳ 3 năm một lần, mức tăng 12%/lần.
Vì vậy, VEC khẳng định việc điều chỉnh tăng phí tới đây hướng đến mục tiêu đảm bảo phương án tài chính cũng như khả năng trả nợ của doanh nghiệp này.
Dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có tổng mức đầu tư 8,579 tỷ đồng, được đưa vào khai thác năm 2011; cao tốc Nội Bài - Lào Cai đầu tư với mức 26,737 tỷ đồng, đưa vào khai thác năm 2014.
Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, tổng mức đầu tư 18,058 tỷ đồng, được khai thác vào năm 2014; cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, có mức vốn 26,525 tỷ đồng, đưa vào khai thác năm 2017.
Thống kê của VEC, 9 tháng đầu năm 2023, bốn tuyến cao tốc do VEC quản lý khai thác phục vụ an toàn hơn 45.3 triệu lượt phương tiện, tăng 12.41% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có lưu lượng xe cao nhất với 15.8 triệu lượt, tuy nhiên mức tăng trưởng thấp nhất trong 4 tuyến, chỉ 8.5% so với cùng kỳ năm 2022. Đứng thứ hai về lưu lượng trên tuyến là cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây với 15.4 triệu lượt xe, tăng trưởng 9.65% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai tăng trưởng ấn tượng trong 9 tháng đầu năm, đồng thời cao nhất trong 4 tuyến cao tốc của VEC với 21.43% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tiếp tục giữ vị trí thứ 2 về mức tăng trưởng, song lưu lượng xe trên tuyến vẫn đứng cuối cùng trong 4 tuyến cao tốc (chỉ 1.8 triệu lượt).
Theo VEC, thời gian qua vẫn xảy ra tình trạng người dân xé rào đi vào cao tốc đón xe khách trên một số đoạn thuộc tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình; tình trạng mất cắp hàng rào trên tuyến TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.
Bên cạnh đó, kể từ khi chính thức vận hành, hệ thống thu phí không dừng (ETC) trên 4 tuyến cao tốc của VEC đã phát huy hiệu quả.
Song, quy trình, quy chuẩn vận hành thu phí ETC và quy trình, quy chuẩn vận hành của hệ thống cân tải trọng cũ không đồng bộ, dẫn đến việc kiểm soát tải trọng phương tiện gặp một số khó khăn, vướng mắc.
VEC đề nghị cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện, ban hành hướng dẫn về mô hình tổ chức, quy chuẩn kỹ thuật hệ thống cân tải trọng khi vận hành hệ thống thu phí ETC, tăng cường ứng dụng công nghệ của hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe phù hợp.
Cũng liên quan tới kiến nghị tăng phí này, một số chuyên gia cho rằng, phương án mà VEC xây dựng tăng phí sử dụng dịch vụ đường bộ vào năm 2024 đối với 4 dự án đường cao tốc do đơn vị này quản lý là chưa phù hợp vì doanh nghiệp vận tải vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn sau dịch COVID-19. Người dân cũng đang gặp khó khăn bị mất việc làm, lạm phát tăng cao.
Đánh giá về việc dự kiến tăng phí sử dụng dịch vụ đường bộ vào năm 2024 đối với 4 dự án đường cao tốc do đơn vị này quản lý, ông Đỗ Văn Bằng, Phó Chủ tịch hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng: "Doanh nghiệp vận tải chia sẻ với áp lực của việc phải đảm bảo phương án tài chính, các cam kết đã ký trong hợp đồng BOT là lớn, chủ đầu tư đề xuất tăng phí là chính đáng. Tuy nhiên, việc tăng phí sử dụng dịch vụ đường bộ vào năm 2024 cần xây dựng lộ trình, theo Dân Việt.
"Trong thời điểm hiện nay, nền kinh tế nói chung và ngành vận tải nói riêng vẫn đang khó khăn, dự báo khó khăn còn kéo dài tới hết năm 2025, vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu và xem xét việc tăng phí BOT", ông Bằng đề xuất.
(Tổng cộng)