Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về lượng người mua sắm trực tuyến

Theo Metric, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á về mua sắm trực tuyến. Dự báo năm 2024 các sàn thương mại điện tử lớn của Việt Nam có thể đạt doanh thu hơn 310.000 tỉ đồng vào năm 2024, tăng trưởng 35% so với năm 2023.

Theo Báo cáo toàn cảnh thị trường bán lẻ trực tuyến 2023 của Metric, doanh thu trên 5 sàn thương mại điện tử (TMĐT) gồm Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki và Sendo đạt hơn 232.100 tỷ đồng, tăng 53% so với năm 2022.

Đáng chú ý, doanh thu bán hàng có xu hướng tăng mạnh ở 2 quý cuối năm với mức tăng trưởng cao nhất đạt gần 90% vào tháng 9. Đây cũng là tháng đạt doanh thu cao nhất trong năm với 21.100 tỷ đồng trên cả 5 sàn.

Tín hiệu này cho thấy người tiêu dùng không còn thói quen đợi đến cuối năm mới tập trung mua sắm mà giờ đây trải đều nhu cầu hơn. Trong đó, tháng 8 trở đi là thời điểm người tiêu dùng bắt đầu mua sắm mạnh nhất.

Trong đó, người tiêu dùng vẫn ưu tiên mua sắm trên sàn bán lẻ trực tuyến với các sản phẩm ở phân khúc giá thấp - trung bình từ 10.000 - 350.000 đồng. Doanh thu và lượng sản phẩm bán ở các phân khúc giá này đều chiếm thị phần cao nhất thị trường trong năm qua.

Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về lượng người mua sắm trực tuyến- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tuy vậy, đi kèm sự tăng trưởng lớn mạnh đó lại là sự cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt, dẫn đến đẩy nhanh tốc độ đào thải trên thị trường. Cụ thể, năm 2023, hơn 105.000 nhà bán hàng trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo đã rời khỏi thị trường. Dù rằng đã có thêm hơn 95.000 nhà bán mới xuất hiện trên sàn TikTok Shop khiến thị trường trên các sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023 cân bằng lại và giữ được nhịp độ sôi động, song tốc độ và quy mô đào thải vẫn rất lớn.

Lượng sản phẩm có lượt bán trên 5 sàn bán lẻ cũng ghi nhận mức tăng trưởng tương ứng lên 2,2 tỷ đơn vị.

Tuy nhiên, số gian hàng phát sinh đơn hàng lại có xu hướng giảm nhẹ hơn 1% xuống 637.000 đơn vị. Nguyên do đến từ các yếu tố khách quan (nền kinh tế còn chưa ổn định, bất ổn địa chính trị, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, cạnh tranh ngày càng gay gắt) và đặc biệt là yếu tố chủ quan từ doanh nghiệp (lựa chọn sai thị trường mục tiêu, chạy theo sản phẩm xu hướng mà không có kế hoạch sản xuất/nhập hàng phù hợp).

Theo Metric, thị phần doanh thu của 5 sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop, Sendo đã tăng từ 31,4% trong năm 2021 lên 46,5% ở năm 2023 so với tổng doanh thu toàn thị trường TMĐT B2C.

So với tăng trưởng doanh thu toàn thị trường TMĐT B2C thì mức tăng trưởng của 5 sàn bán lẻ trực tuyến kể trên đang cao và nhanh hơn trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt trong giai đoạn 2022-2023. Điều này cho thấy thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam đã có sự chuyển dịch lớn theo cùng với xu hướng thế giới.

Năm 2023, sự phát triển mạnh mẽ của những hình thức mua sắm mới điển hình như livestream và bán hàng đa kênh đã đem lại doanh thu khổng lồ cho những nhà bán hàng TMĐT chuyên nghiệp.

Livestream là cuộc chơi của cảm xúc, giải quyết được tất cả băn khoăn của khách hàng khi mua sắm trực tuyến như được ngắm nhìn sản phẩm và nhận tư vấn trực tiếp nhanh chóng bởi người bán. Việc mã giảm giá được đưa ra liên tục theo từng thời điểm khiến người mua càng có quyết định “chốt đơn” nhanh hơn.

Cũng theo đơn vị nghiên cứu này, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á về mua sắm trực tuyến. Bước sang năm 2024, dự báo doanh thu và sản lượng bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến tiếp tục tăng mạnh. Theo đó, các sàn thương mại điện tử lớn của Việt Nam có thể đạt doanh thu hơn 310.000 tỉ đồng vào năm 2024, tăng trưởng 35% so với năm 2023.

Hay nói cách khác, 2024 tiếp tục là năm bùng nổ của thương mại điện tử. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với cơ hội tăng trưởng dành cho tất cả doanh nghiệp. Nếu như giai đoạn 2016 - 2018, bất kỳ doanh nghiệp nào chuyển hướng lên sàn cũng dễ dàng có được lợi nhuận, thì vài năm trở lại đây, khi các sàn mua sắm trực tuyến điều chỉnh luật chơi và người chơi cũng sành sỏi hơn, những doanh nghiệp trụ lại đều là người chơi có chiến lược bài bản, rõ ràng, theo Vnbusiness.

Mua bán xuyên biên giới dự kiến là xu hướng tất yếu của thị trường. Đặc biệt, các gian hàng chính hãng từ Trung Quốc và Hàn Quốc ngày càng được quan tâm trên các sàn bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam.

Các sàn bán lẻ trực tuyến cũng đưa ra nhiều chính sách kích cầu mua sắm với hình thức mua trước trả sau.

Livestream và bán hàng đa kênh được dự báo tiếp tục là trọng tâm nâng cao doanh thu cho nhà bán trong năm tới. Combo sản phẩm là xu thế được người tiêu dùng ưa chuộng khi mua sắm vì giá cả phải chăng, giúp họ tiết kiệm chi tiêu.

Năm 2024 cũng được dự báo là năm bùng nổ của thị trường TMĐT. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc cơ hội tăng trưởng dành cho tất cả doanh nghiệp.

Nếu như giai đoạn 2016-2018, bất kỳ doanh nghiệp nào chuyển hướng lên sàn cũng dễ dàng có được lợi nhuận thì vài năm trở lại đây, khi các sàn mua sắm trực tuyến điều chỉnh luật chơi và người chơi cũng sành sỏi hơn thì những doanh nghiệp trụ lại đều là người chơi có chiến lược bài bản, rõ ràng.

AN LY (tổng hợp)