WHO - 'Nạn nhân' đầu tiên của COVID-19?

AN LY (t/h)

Theo Giám đốc Viện Sức khỏe Toàn cầu, WHO như “một nhạc trưởng bị trách cứ là không chỉ huy được dàn nhạc, trong khi không được trao chiếc đũa chỉ huy”.

Nói là làm, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định đình chỉ đóng góp tài chính của Mỹ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Nguồn tài chính của Mỹ, khoảng 400-500 triệu USD/năm, chiếm 20% ngân sách của WHO và cao gấp 10 lần khoản đóng góp của Trung Quốc (chiếm 8%).

Lý do được tổng thống Mỹ nêu ra trong buổi họp báo tối 14/4 là do WHO đã “xử lý kém”, “che giấu tốc độ lây nhiễm của virus Corona” để cả thế giới bị đại dịch viêm đường hô hấp cấp do COVID-19 tàn phá. Việc đình chỉ đóng góp của Mỹ kéo dài trong thời gian điều tra, khoảng từ 60-90 ngày.

Nguồn tài chính của Mỹ, khoảng 400-500 triệu USD/năm, chiếm 20% ngân sách của WHO.
Nguồn tài chính của Mỹ, khoảng 400-500 triệu USD/năm, chiếm 20% ngân sách của WHO.

Khi chỉ trích WHO, tổng thống Mỹ cũng nhắm đến Trung Quốc, nơi xuất phát COVID-19 mà trước đây ông gọi là “virus Trung Quốc”. Bắc Kinh thiếu trung thực, còn WHO bị cáo buộc quá “nhu mì' trước sức ép của Trung Quốc, vì theo nguyên thủ Mỹ, “nếu WHO làm đúng công việc của mình và cử chuyên gia y tế đến Trung Quốc để nghiên cứu khách quan tình hình trên thực địa, dịch bệnh đã có thể được kìm hãm ngay từ ổ dịch và sẽ có rất ít người chết”.

WHO - "VẬT TẾ THẦN" KHI DỊCH BỆNH LAN RỘNG Ở MỸ? 

Theo nhận định của trang Vanity Fair, được báo Pháp Courrier International trích dẫn ngày 15/4, khi bị chỉ trích chậm trễ trong công tác phòng chống dịch tại Mỹ cũng như vai trò có phần lu mờ trước thống đốc các bang, Tổng thống Trump đã “từ chối thừa nhận sai lầm” và “tìm một vật tế thần mới”.

Khi trừng phạt WHO, ông Trump đã tiếp nối truyền thống của đảng Cộng hòa thường chỉ trích các định chế quốc tế. Trong bài phát biểu ngày 7/4, chủ nhân Nhà Trắng đã cáo buộc WHO thiên vị Trung Quốc, bất bình về việc một số biện pháp được Mỹ đưa ra (đóng cửa biên giới với Trung Quốc) lại bị WHO phản đối. Một điểm khác khiến Washington "phật lòng" là WHO “tiếp tục hoan nghênh các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng chia sẻ thông tin cho họ”.

Quyết định ngừng đóng góp tài chính cho WHO là bước tiếp theo trong chiến lược” “thay đổi triệt để” hoạt động của tổ chức này theo phát biểu trước đó của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Trụ sở của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Genève, Thụy Sĩ. 
Trụ sở của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Genève, Thụy Sĩ. 

Theo lãnh đạo ngoại giao Mỹ, “lần này, WHO đã không làm hết sức và chúng ta cần phải làm gì đó gây sức ép để thay đổi triệt để vấn đề này”. Đúng là “WHO hoạt động không tốt”, theo nhận định trên Twitter của Richard Haass, Chủ tịch Hội đồng Đối ngoại - một tổ chức tư vấn của Mỹ, nhưng theo ông, lỗi là do chính "các cường quốc, trong đó có Mỹ, đã để cho cơ quan đó trở nên như vậy”.

Có cùng quan điểm trên, ông Nicholas Burns - nhà cựu ngoại giao, hiện tham gia đội ngũ tranh cử của ứng viên Dân chủ Joe Biden - cho rằng WHO không phải là không có lỗi, nhưng chúng ta có thể truy xét vấn đề này sau khi vượt qua dịch COVID-19 vì ngừng viện trợ cho WHO vào thời điểm căng thẳng này chẳng khác gì cắt ngân sách của “lính cứu hỏa đang chữa cháy”.

WHO - 'NẠN NHÂN' ĐẦU TIÊN CỦA COVID-19?

Báo Pháp Le Monde mới đây đăng bài viết có tựa đề “COVID-19: Cách quản lý đại dịch của WHO dưới ngọn lửa chỉ trích”, trong đó khẳng định cho dù WHO bị tố cáo phản ứng chậm trễ với dịch bệnh vì ngả về phía Trung Quốc, bị Bắc Kinh mua chuộc, nhưng định chế này cũng là một nạn nhân của sự yếu kém do bị chính các quốc gia thành viên bỏ mặc. Đối với Le Monde, WHO và Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus chính là nạn nhân đầu tiên của COVID-19.

Trên các mạng xã hội, những hình ảnh một vị bác sĩ tên là Tedros bị bịt mắt bằng quốc kỳ Trung Quốc hay bị Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thòng dây dắt đi được cư dân mạng chia sẻ rộng rãi.

Một thư kiến nghị của công chúng được tung lên mạng đòi ông Tedros Adhanom Ghebreyesus từ chức Tổng Giám đốc WHO đã thu được chữ ký của 800.000 người, nhiều hơn 10 lần so với số người ký vào kiến nghị ủng hộ ông.

Đã có gần 1 triệu chữ ký kêu gọi ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO từ chức.
Đã có gần 1 triệu chữ ký kêu gọi ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO từ chức.

Về phản ứng của WHO, bác sĩ Sylvie Briand - người đứng đầu cơ quan về các bệnh truyền nhiễm thuộc WHO - nhấn mạnh rằng khi dịch bệnh nổ ra, cơ quan này chỉ có một chuyên gia về virus Corona. Theo bà, những lời chỉ trích như trên nhắm vào WHO là “rất quen thuộc” và “vào thời khủng hoảng, luôn cần có một lối thoát và một thủ phạm”.

Tuy nhiên, Le Monde nhấn mạnh rằng trên thực tế, WHO đã chần chừ né tránh rất nhiều lần kể từ khi dịch bùng lên ở Vũ Hán (Trung Quốc) hồi cuối năm 2019.

Ngoài ra, cũng phải nhìn vào một thực tế khác, đó là WHO không có quyền cưỡng chế. Đây chính là hạn chế của định chế liên chính phủ này. WHO không có quyền ép buộc các quốc gia thành viên phải hợp tác, nhất là đối với các chế độ chuyên quyền.

Nhà nghiên cứu virus Marie-Paule Kieny, từng là Phó tổng giám đốc WHO cho đến năm 2017, giải thích với Le Monde rằng các nước thành viên WHO chỉ muốn định chế này yếu kém bởi “y tế, sức khỏe là một vấn đề mang tính chính trị rất cao và là một đặc quyền quốc gia”.

Sau cuộc khủng hoảng SARS năm 2003, 194 thành viên WHO đã thành công trong việc thiết lập Quy định y tế quốc tế. Từ năm 2005, WHO có vai trò điều phối quốc tế trong trường hợp xảy ra dịch bệnh. Tuy nhiên, các nước này lại không chấp thuận để WHO có quyền ép buộc họ.

Nhà dịch tễ học Antoine Flahault, Giám đốc Viện Sức khỏe Toàn cầu, nhận định tình trạng này giống như việc “một nhạc trưởng bị trách cứ là không chỉ huy được dàn nhạc, trong khi không được trao chiếc đũa chỉ huy”.

Mỹ hiện đang đứng đầu thế giới cả về số ca mắc và tử vong do COVID-19. 
Mỹ hiện đang đứng đầu thế giới cả về số ca mắc và tử vong do COVID-19. 

Le Monde nhắc đến “một vấn đề muôn thuở” khác trong quản lý dịch bệnh: mỗi lần dịch bệnh xảy ra, chẳng hạn SARS năm 2003, cúm H1N1 năm 2009 hay Ebola năm 2014, WHO đều bị chỉ trích phản ứng không đúng thời điểm: hoặc quá sớm, hoặc quá muộn, quá mạnh hay quá yếu.

Ông Flahault lưu ý rằng các nước có ảnh hưởng nhất đều dựa vào cơ quan y tế của riêng họ, chẳng hạn Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) có ngân sách cao gấp 10 lần ngân sách của WHO. Ngược lại, đối với những quốc gia nghèo nhất, WHO lại giữ vai trò kiểm soát và những chỉ dẫn của định chế rất được chú ý lắng nghe và làm theo.

Không ai biết WHO sẽ làm thế nào để thoát khỏi cuộc khủng hoảng niềm tin lần này trong bối cảnh chủ nghĩa đơn phương đang lên ngôi trên trường quốc tế. Tuy nhiên, Le Monde kết luận bài viết bằng cách trích dẫn ý kiến của một nhà nghiên cứu rằng cuộc khủng hoảng lần này cho thấy trong một thế giới mà các nước phụ thuộc lẫn nhau, sức khỏe, y tế là một thách thức toàn cầu và cần phải củng cố vai trò điều phối của WHO.

Và đây chính là bài học cho các nước thành viên, bởi WHO nếu bị suy yếu sẽ càng khó có khả năng đối phó được với các dịch bệnh trong tương lai.

Dữ liệu đang được cập nhật.

(Nguồn: TTXVN)