Bộ trưởng Bộ GTVT: "Sẽ tiến hành thu phí lại tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương"

Sáng 10/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Sáng 10/11, trong phiene chất vấn trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Đoàn Cà Mau) đã có câu hỏi chất vấn gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về thu phí tuyến TP HCM - Trung Lương. 

Trước đây có Nghị định 18 về Qũy Bảo trì Đường bộ và Luật phí và lệ phí, Luật giá nhuwng sau khi kết thúc hợp đồng thu phí thì cao tốc TP HCM - Trung Lương không tiến hành thu phí nữa dẫn đến nhiều bất cập, nhiều xe, kể cả xe hai bánh đi vào khiến cho giao thông tuyến đường này hỗn loạn.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ GTVT đã kết hợp với lực lượng công an tăng cường tuần tra kiểm soát. Tuy nhiên vệc đảm bảo tuyến đường này như tiêu chuẩn đường cao tốc rất khó khăn. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ trình Thường vụ Quốc hội và khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành thu phí lại tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương. 

"Hiện Bộ GTVT đang trình Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, một trong các điểm mới là sẽ thu phí các tuyến đường cao tốc. Đường cao tốc được làm song hành với quốc lộ và đường cao tốc có nguồn vốn đầu tư lớn cần phải được quản lý và chi phí sửa chữa lớn. Khi Luật được thông qua, việc quản lý thu phí các tuyến đường cao tốc được tốt hơn", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: Quốc hội
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Trương Thị Yến Linh (Đoàn Cà Mau) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ GTVT về đầu tư các tuyến đường cao tốc tại ĐBSCL.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: "Đến năm 2025, ĐBSCL sẽ có 300 km đường cao tốc. Con số này được Bộ GTVT tính toán rất có cơ sở. Hiện đang có 40 km đường cao tốc TP HCM - Trung Lương. Cuối năm nay, thông xe tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận dài 54 km và đưa vào sử dụng năm 2021. Đến năm 2023, sẽ có trên 7 km kết nối vào cầu Mỹ Thuận 2. Thêm 23 km từ cầu Mỹ Thuận - Cần Thơ trong tháng 12 này sẽ khởi công cả 3 gói thầu. Dự kiến, từ năm 2023, tuyến đường TP HCM - Cần Thơ dài 130 km sẽ thành đường cao tốc. Cuối năm nay sẽ khánh thành đoạn Vàm Cống đến Rạch Sỏi dài 51 km. Như vậy, tuyến TPHCM - Cần Thơ và Rạch Sỏi đi Đồng Tháp cộng lại sẽ có khoảng hơn 210 km đường cao tốc".

Bộ trưởng GTVT cho biết thêm, cao tốc từ Lạng Sơn đi Cà Mau cũng sẽ thông tuyến vào năm 2025, trong đó, đoạn đường Cần Thơ đi Cà Mau dài 170 km. Ngoài các tuyến cao tốc, Bộ GTVT cũng đang tập trung 4 trục dọc phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL, gồm đường Hồ Chí Minh qua Đồng Tháp Mười, QL1 cũng được nâng cấp, tuyến cao tốc TP HCM - Cà Mau và QL60 và khởi công cầu Rạch Miễu 2. Bên cạnh đó, cũng phát triển 4 trục ngang là QL62, cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh, đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Đại biểu Rơ Chăm Long (Đoàn Kom Tum) chất vấn về vấn đề cao tốc Gia Lai - Bình Định.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, việc xây tuyến đường cao tốc này là cần thiết, tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, trong giai đoạn hiện nay cần thiết phải nâng cấp các tuyến đường quốc lộ kết nối Tây Nguyên với vùng ven biển phục vụ người dân tốt hơn.

"Hiện Bộ GTVT đang triển khai 3 dự án, kết nối Tây Nguyên với vùng ven biển là QL19 kết nối Tây Nguyên với Bình Định; dự án QL24 kết nối Kon Tum - Phú Yên; QL25 kết nối Tây Nguyên với vùng ven biển. Khi nâng cấp 3 tuyến quốc lộ này, việc đi lại của nhân dân sẽ tốt hơn. Khi có điều kiện sẽ báo cáo Quốc hội xây dựng đường cao tốc này", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Thanh Mai

Không tìm được nhà đầu tư cho dự án cao tốc Nghi Sơn- Diễn Châu, Bộ Giao thông Vận tải hủy thầu

Không tìm được nhà đầu tư cho dự án cao tốc Nghi Sơn- Diễn Châu, Bộ Giao thông Vận tải hủy thầu

Dự án thành phần đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu không có nhà đầu tư nào nộp hồ sơ dự thầu.