Cả thế giới 'bung tiền' nhằm bảo vệ nền kinh tế trước dịch COVID-19

Những nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19 đã tung ra các gói tài chính và thực hiện các biện pháp chính sách nhằm ngăn chặn tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế toàn cầu.

Tại châu Âu

- Ngân hàng Trung ương châu Âu ngày 12/3 quyết định không cắt giảm lãi suất như kỳ vọng của thị trường mà thông qua gói kích thích kinh tế trị giá lên tới 120 tỷ euro (135 tỷ USD) nhằm hỗ trợ nền kinh tế châu Âu, đặc biệt là các ngân hàng gặp khó khăn do dịch COVID-19. 

- Chính phủ Đức ngày 13/3 đã tung ra gói cứu trợ kinh tế lớn nhất trong lịch sử hậu chiến của nước này, đồng thời đề xuất hỗ trợ không giới hạn chương trình tín dụng cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19. Chính phủ nước này quyết định hỗ trợ 550 tỷ euro (khoảng 614 tỷ USD) cho các công ty mới khởi nghiệp, nhiều hơn khoản 500 tỷ euro được đưa ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. 

Chính phủ Đức ngày 13/3 đã tung ra gói cứu trợ kinh tế lớn nhất trong lịch sử hậu chiến của nước này.
Chính phủ Đức ngày 13/3 đã tung ra gói cứu trợ kinh tế lớn nhất trong lịch sử hậu chiến của nước này.

- Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunack ngày 17/3 công bố gói hỗ trợ, cung cấp các khoản vay trị giá 330 tỷ bảng (380 tỷ USD), nhằm thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng ở nước này. Anh cũng cung cấp gói hỗ trợ thuế và các biện pháp khác trị giá 20 tỷ bảng nhằm bảo vệ các công ty và các hộ gia đình đang gặp khó khăn do dịch. 

- Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire ngày 17/3 đã công bố một gói tài chính trị giá 45 tỷ euro (khoảng 50 tỷ USD) để hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19. Pháp cũng sẽ bảo lãnh tín dụng 330 tỷ euro cho các doanh nghiệp.

- Bộ trưởng Kinh tế Italy Roberto Gualtieri ngày 16/3 cho biết, chính phủ nước này có kế hoạch bơm "một lượng thanh khoản rất lớn" vào hệ thống tài chính trong nước nhằm mang lại nguồn tiền mặt 340 tỷ euro (380 tỷ USD) cho nền kinh tế. Thông báo này được đưa ra khi Chính phủ Italy công bố chi tiết gói cứu trợ trị giá 25 tỷ euro nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình trước các tác động của dịch bệnh. 

- Tây Ban Nha ngày 17/3 thông báo gói tài chính trị giá 200 tỷ euro (220 tỷ USD) nhằm hỗ trợ các công ty, bảo vệ người lao động và các tổ chức bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Gói tài chính này tương đương khoảng 20% GDP của Tây Ban Nha. 50% trong số tiền trên là bảo lãnh tín dụng cho các công ty do nhà nước hậu thuẫn và phần còn lại bao gồm các khoản vay và viện trợ cho những người bị ảnh hưởng. 

Tại Bắc Mỹ

- Từ Washington: Trước những dấu hiệu ngày càng gia tăng về thiệt hại mà dịch COVID-19 gây ra cho kinh tế Mỹ, các thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa ngày 19/3 đã đưa ra một gói kích thích khẩn cấp trị giá 1.000 tỷ USD, bao gồm các khoản chi tiền mặt trực tiếp cho người dân và cấp vốn để các doanh nghiệp nhỏ duy trì hoạt động và trả lương cho nhân viên, cũng như một khoản cứu trợ cho các hãng hàng không.

Trước đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật trị giá 104 tỷ USD nhằm hỗ trợ người dân đối phó với những tác động của dịch COVID-19.

- Canada mới công bố gói kích thích kinh tế trị giá 82 tỷ CAD (trên 56 tỷ USD), tương đương hơn 3% GDP của nước này, nhằm giúp người dân và các doanh nghiệp khắc phục những khó khăn kinh tế nghiêm trọng do dịch COVID-19.

Cụ thể, gói hỗ trợ khẩn cấp 27 tỷ CAD sẽ dành để hỗ trợ trực tiếp cho người lao động và các doanh nghiệp Canada, trong khi kế hoạch hoãn thu thuế trị giá 55 tỷ CAD để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của các doanh nghiệp và hộ gia đình, giúp bình ổn nền kinh tế.

Tại châu Á-Thái Bình Dương

- Trung Quốc, nơi khởi phát của dịch COVID-19, với hơn 3.000 người tử vong, đã hạ lãi suất và cam kết thực hiện một loạt các biện pháp, bao gồm cắt giảm thuế và tăng cường hỗ trợ tài chính cho các vùng bị ảnh hưởng của dịch.

- Chính phủ New Zealand ngày 16/3 đã công bố gói cứu trợ trị giá 12,1 tỷ NZD (7,34 tỷ USD), chiếm khoảng 4% GDP, nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Trong đó, hơn 50% tổng số tiền chi tiêu sẽ dành để trợ cấp lương cho người lao động, hỗ trợ các doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí, trong thời điểm các hoạt động kinh doanh bị gián đoạn.

- Australia đã công bố gói chi tiêu kích thích trị giá 17,6 tỷ AUD (10,4 tỷ USD) để ngăn chặn nền kinh tế rơi vào suy thoái lần đầu tiên sau gần 30 năm. Gói kích thích này chủ yếu hỗ trợ cho ngành y tế, các doanh nghiệp nhỏ và những lao động đang học việc, bên cạnh một số đối tượng khác.

- Nhật Bản đã thông qua gói cứu trợ khẩn cấp thứ hai có tổng trị giá lên tới 1.000 tỷ yen (9,6 tỷ USD) để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn về tài chính do tác động của dịch. 

Trước đó, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua gói cứu trợ khẩn cấp đầu tiên có tổng trị giá 500 tỷ yen nhằm cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các ngành du lịch và những ngành bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh.

- Hàn Quốc ngày 19/3 công bố gói cứu trợ lên tới 50.000 tỷ won (39 tỷ USD) cho các doanh nghiệp nhỏ, nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng dịch COVID-19. Đây là một biện pháp toàn diện chưa từng có xét cả quy mô và phạm vi, là chương trình bình ổn tài chính cho sinh kế của người dân.

- Saudi Arabia ngày 20/3 công bố các biện pháp trị giá hơn 120 tỷ riyal (khoảng 31,93 tỷ USD) để giảm thiểu tác động của đợt bùng phát bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra đối với nền kinh tế nước này.

Truyền hình nhà nước Saudi Arabia dẫn lời Bộ trưởng Tài chính nước này Muhammad Al-Jadaan cho hay gói tài chính này bao gồm 50 tỷ riyal hỗ trợ cho các ngân hàng, định chế tài chính và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khoản tiền 70 tỷ riyal còn lại là những sáng kiến khác để hỗ trợ nền kinh tế.

P.V (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương