COVID-19 và chủ nghĩa dân tộc của Donald Trump

Cũng như biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19 là một bằng chứng hoàn hảo giải thích lý do vì sao chúng ta cần chủ nghĩa đa phương hóa trong một thế giới toàn cầu hóa.

Thay vì viện đến những chính sách phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa cô lập, các lãnh đạo toàn cầu, đặc biệt là Mỹ, lẽ ra nên bắt đầu tổ chức một sự ứng phó mang tính tập thể từ cách đây vài tuần. COVID-19 là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng các đại dịch toàn cầu, cũng giống như biến đổi khí hậu, không liên quan đến các vấn đề chính trị.

Những gì mà Trung Quốc phải trải qua với COVID-19 hồi tháng 1 và tháng 2 vừa qua có khả năng sẽ tái diễn y như vậy ở phần còn lại của thế giới trong tháng 3 và tháng 4 này. Sẽ có những con số các ca nhiễm bệnh khác nhau, tùy thuộc vào những nhân tố khó mà đo lường như là nhiệt độ, sức mạnh của các hệ thống xét nghiệm y tế công cộng và điều trị, cũng như những mức độ khác nhau trong sức bền của nền kinh tế và tài chính.

Dịch COVID-19 đang bủa vây ông Trump.
Dịch COVID-19 đang bủa vây ông Trump.

Chúng ta nên chuẩn bị một cách thông minh cho những tình huống bất ngờ này, không chịu khuất phục trước sự hoảng loạn vô lý – chứ chưa nói đến việc xúi giục bất cứ hình thức phân biệt chủng tộc nào. COVID-19 một lần nữa nhắc nhở chúng ta rằng không một ai, hay một quốc gia nào, là một hòn đảo cô lập.

Thế nhưng, các lãnh đạo chính trị luôn thất bại trong việc kiềm chế chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, vốn trước nay vẫn luôn cố hữu trong sự phản ứng chung mỗi khi có một cơn khủng hoảng bùng nổ. Trên các xe buýt, tàu hỏa, và trên các đường phố khắp thế giới, người châu Á, đặc biệt là người Trung Quốc, luôn là những người phải hứng chịu những lời lăng mạ.

Và giờ đây, khi SARS-CoV-2 đã tấn công Italy, liệu người dân Italy có phải là các mục tiêu tiếp theo hay không? Thật đáng kinh ngạc khi chứng kiến tình trạng chung của sự thiếu đoàn kết, sự đồng cảm và lòng trắc ẩn đối với người dân Trung Quốc, đặc biệt là những người ở Vũ Hán, những người đã chịu đựng sự khắc nghiệt của địa ngục trần gian.

Liệu Manhattan, London, Sydney, Toronto, Berlin, Paris, hay New Delhi sẽ thế nào khi gặp phải những hoàn cảnh tương tự? Sự dửng dưng trước những nỗi đau của người khác chắc chắn sẽ không đưa chúng ta đến đâu trong nỗ lực hướng tới một sự ứng phó toàn cầu hiệu quả để xử lý cuộc khủng hoảng toàn cầu này.

Mỹ đã có thể dễ dàng yêu cầu giới lãnh đạo Trung Quốc hợp tác để sớm thiết lập một lực lượng đặc nhiệm cấp cao chung để ứng phó với COVId-19, với nền tảng là một sự thể hiện công khai về tình đoàn kết con người vượt lên trên chính trị. Thế nhưng, thay vào đó, chính quyền lại đưa ra những tuyên bố mang tính công kích hệ thống chính trị của Trung Quốc, và hối thúc các nhà đầu tư Mỹ cùng các nhà quản lý chuỗi cung ứng nên lánh nạn ở Mỹ.

Đúng là trong hơn ba năm qua, Mỹ và Trung Quốc đã rơi vào một vòng xoáy xung đột chiến lược, và những thù địch chính trị thông thường sẽ được nối lại một khi cuộc khủng hoảng khẩn cấp này kết thúc. Tuy nhiên, ngay lúc này, hiếu chiến không phải là một chính sách nên lựa chọn. Đó chỉ là một thái độ, và nó không giúp gì cho việc xử lý vấn đề.

Trong một diễn biến tích cực hơn, sự hợp tác giữa các thể chế và giới chuyên môn đang được âm thầm xúc tiến. Dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có thể vấp phải một số thất bại, song đây vẫn là công cụ chính thức của sự quản lý các đại dịch trên quy mô toàn cầu. Những người đã chỉ trích Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus về tính hiệu quả của tổ chức này nên xem lại những đạo luật quốc tế quy định quyền hạn của tổ chức này.

WHO chỉ giới hạn trong việc cung cấp những thông báo quốc tế mang tính tư vấn về sự di chuyển của virus, những tư vấn lâm sàng và chuyên môn cho chính phủ các quốc gia về cách đối phó với nó, và phân loại nhanh các trường hợp khẩn cấp tại những nơi chưa có cơ sở hạ tầng y tế. Nhiệm vụ cuối cùng nói trên có thể trở nên cần thiết nếu như virus lan đến các khu vực nghèo nhất trên thế giới, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng dịch bệnh Ebola năm 2013-2016 tại Tây Phi.

WHO cũng bị hạn chế bởi sự suy giảm các mức tài trợ. Như một đòn giáng vào “chủ nghĩa toàn cầu hóa”, phe chính trị cánh hữu coi việc giảm tài trợ cho các thể chế nhân đạo của Liên hợp quốc là một huân chương danh dự, một biểu tượng có sức mạnh để đập tan các phe “cánh tả”. Tuy nhiên khi các thể chế thiết yếu không được tài trợ đầy đủ, thì tính hiệu quả của nó sẽ bị suy giảm.

Dịch COVID-19 đang lây lan nhanh khắp thế giới.
Dịch COVID-19 đang lây lan nhanh khắp thế giới.

Trong trường hợp của WHO, tổ chức này đã trở nên phụ thuộc vào sự đóng góp của các tổ chức từ thiện như Quỹ Gate và các khoản ủng hộ tự nguyện. Trong khi đó, ngay giữa tâm khủng hoảng, chính quyền Trump đã đề xuất cắt giảm sự đóng góp chính của Mỹ cho WHO từ 123 triệu USD hiện nay xuống còn 58 triệu USD vào năm sau.

Ngoài WHO, chúng ta cũng phải cảm ơn các Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ và mạng lưới các chi nhánh của cơ quan này trên toàn cầu (bao gồm cả ở Trung Quốc). Các chuyên gia y tế trong các tổ chức này đã tham gia phân tích con virus, dự báo những đột biến có thể xảy ra, và phát triển một loại vắc-xin, bất chấp phải làm việc trong một môi trường chính trị độc hại.

Chúng ta cũng nên cảm ơn các công ty y tế, dược phẩm trên toàn thế giới (trong đó có Mỹ) cùng các công ty khác vì đã âm thầm cung cấp khẩu trang, gang tay, áo bảo hộ, máy thở và các vật tư quan trọng khác cho Trung Quốc. Bất chấp những nỗ lực này, hiện có một cuộc khủng hoảng về niềm tin rõ rang trên toàn thế giới, một phần là do sự thiếu tin cậy vào hệ thống lãnh đạo quốc gia và toàn cầu.

Điều này được phản ánh trong tình trạng hoảng loạn của công chúng và những biến động tăng cao của thị trường tài chính. Tại sao Mỹ không triệu tập một cuộc họp khẩn cấp giữa các bộ trưởng y tế và tài chính và những người đứng đầu chính phủ trong nhóm G20? Một cuộc họp như vậy còn có thể được kết hợp với Liên hợp quốc và WHO nữa. Nó có thể nhanh chóng vạch ra được một bộ khung chính trị và các bổn phận tài chính được nhất trí chung để ứng phó với dịch bệnh đang xảy ra.

Đại diện cho 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, G20 cũng sở hữu một vị thế tốt nhất để vạch ra một chiến lược tài chính và kinh tế để ngăn ngừa sự suy thoái toàn cầu. Niềm tin trên toàn cầu sẽ chỉ được khôi phục chừng nào cả thị trường và công chúng đều thấy các chính phủ cùng nhau hợp tác giải quyết vấn đề.

Đó là những gì đã diễn ra vào tháng 4/2009, khi Thượng đỉnh G20 London đã ngăn chặn được sự hoảng loạn từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, thiết lập một nền tảng hợp tác, và tạo ra được một bộ khung chính sách và tài khóa nhằm khôi phục tình hình. Nếu không có những nỗ lực đa phương, các quốc gia đơn lẻ sẽ chỉ tiếp tục đi theo những con đường riêng của họ, khiến cho tiến trình phục hồi bị kéo dài.

Trong những giai đoạn khủng hoảng quốc tế, việc sử dụng quân bài dân tộc chủ nghĩa là hình thức dễ dàng nhất và sơ đẳng nhất của đời sống chính trị trong nước. Tuy nhiên, trong tình hình nguy khốn, nó sẽ chẳng thể giải quyết được bất kỳ vấn đề nào. Chỉ có sự hợp tác toàn cầu hiệu quả mới làm được điều đó.

(Nguồn: TTXVN)

CHẤN HƯNG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương