IMF: COVID-19 khiến kinh tế toàn cầu suy thoái

Mức độ nghiêm trọng của suy thoái kinh tế và tốc độ phục hồi tùy thuộc vào việc kiểm soát dịch COVID-19.

Ban lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa cho biết Quỹ sẽ cân nhắc việc tăng gấp đôi viện trợ khẩn cấp nhằm hỗ trợ các nước nghèo và thu nhập thấp ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tổng Giám đốc IMF, Kristalina Georgieva, đã kêu gọi một cuộc họp bất thường sau phát biểu trước các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) rằng đại dịch có thể khiến kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái trong năm 2020.

Dịch COVID-19 đang gây hậu quả nặng nề cho nền kinh tế thế giới.
Dịch COVID-19 đang gây hậu quả nặng nề cho nền kinh tế thế giới.

Theo bà, mức độ nghiêm trọng của suy thoái kinh tế và tốc độ phục hồi tùy thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh và việc các biện pháp chính sách tiền tệ mạnh đến đâu và được phối hợp ra sao. Bà Georgieva đề nghị các nhà lãnh đạo G20 ủng hộ việc tăng gấp đôi nguồn tài trợ khẩn cấp 50 tỷ USD mà IMF đã thông báo hồi đầu tháng Ba.

Để tăng nguồn tiền mặt, bà hối thúc các nhà lãnh đạo G20 ủng hộ việc phân bổ đáng kể quyền rút vốn đặc biệt (SDR), như đã được thực hiện trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 cũng như tăng cường sử dụng các chương trình dạng hoán đổi tại IMF.

Bà không đưa ra một con số cụ thể về SDR nhưng các nhà quan sát tại hội nghị thượng đỉnh vừa diễn ra của G20 cho rằng mức phân bổ lên đến 500 tỷ USD có thể là cần thiết, gấp đôi so với số tiền được bổ sung một thập niên trước. 

Ban điều hành của IMF sẽ phải phê chuẩn việc phân bổ SDR mà tất cả các nước thành viên có thể sử dụng, không chỉ là các nước nghèo và thu nhập thấp, nhưng một cuộc họp như vậy có thể diễn ra theo hình thức trực tuyến và ngắn gọn.

SDR là đơn vị tiền tệ của IMF và dựa trên một rổ các đồng tiền gồm euro, yen, bảng Anh, nhân dân tệ và USD. Mức phân bổ SDR của mỗi nước được căn cứ vào mức đóng góp cho IMF. Trong tuyên bố sau cuộc họp vừa qua, các nhà lãnh đạo G20 khẳng định sự ủng hộ đối với những nỗ lực của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) trong việc trợ giúp các nước bằng việc sử dụng tối đa tất cả các công cụ.

IMF có nguồn vốn 1.000 tỷ USD dành cho việc ứng phó với dịch bệnh, với sự phối hợp chặt chẽ với WB và các thiết chế tài chính quốc tế khác, nhưng bà Georgieva nói những thách thức là rất lớn.

TUYẾT HƯƠNG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương