Thời hạn cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp ảnh hưởng COVID-19 có thể thay đổi

Các ngân hàng mong muốn được kéo dài thời hạn cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp bị tác động bởi dịch COVID-19

Sau hơn 1 tháng kể từ khi Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có hiệu lực, các ngân hàng đã tiến hành cơ cấu lại nợ cho hàng nghìn khách hàng với dư nợ lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng và mong muốn được kéo dài thời hạn cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp.

Theo Thông tư số 01/TT-NHNN, những khoản vay phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi vay trong khoảng thời gian từ ngày 23/1 (ngày Thủ tướng công bố dịch COVID-19 ) đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch COVID-19 mà khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19 sẽ được ngân hàng cho vay vốn gia hạn nợ mà không chuyển nhóm.

Các chuyên gia ngân hàng cho rằng, Thông tư 01 được ban hành kịp thời đã tháo gỡ được khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp là không có dòng tiền, thiếu thanh khoản để trả nợ, lãi, thanh toán thuế, phí…Bởi vậy, điều mà doanh nghiệp cần nhất lúc này là được gia hạn nợ và vẫn được giữ nguyên nhóm nợ vì nếu bị chuyển nhóm nợ, doanh nghiệp sẽ bị hạ điểm tín dụng, gây khó khăn cho việc vay mới sau này.

Thời hạn cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp có thể được xem xét lại. 
Thời hạn cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp có thể được xem xét lại. 

Theo Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, sau hơn 1 tháng triển khai Thông tư 01/2020/TT-NHNN, lãnh đạo Sacombank chia sẻ, Ngân hàng đã tính toán, giải quyết lượng hồ sơ cơ cấu lại nợ cho khách hàng đến hết tháng 3/2020 là khoảng 20.000 tỷ đồng, còn tới tháng 4/2020 lên tới 32.000 tỷ đồng. Sacombank tập trung giải quyết các hồ sơ đến hạn trước (trong vòng 9 ngày) để tránh tình trạng khách hàng bị quá hạn, không được hưởng hỗ trợ theo Thông tư 01 quy định chỉ xem xét trong 10 ngày.

Tính đến cuối tháng 4, tổng số các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 của VietinBank là khoảng 300 nghìn tỷ̉ đồng (chiếm 30% tổng dư nợ của ngân hàng này). Đến nay, ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 700 khách hàng với tổng dư nợ khoảng 33 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 10% tổng số dư nợ bị ảnh hưởng dịch bệnh của khách hàng.

Các ngân hàng khác cũng tích cực vào cuộc thực hiện gia hạn nợ để hỗ trợ khách hàng. Như VPBank, tính đến cuối tháng 4/2020 có gần 150 ngàn hộ kinh doanh có dư nợ tại ngân hàng này, trong đó 60% rơi vào khó khăn, mỗi khoản vay nhỏ có dư nợ từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng. Đến nay, VPBank đã cấu trúc nợ, giãn nợ khoảng hơn 6.000 khách hàng, cho vay mới hơn 3.000 khách hàng với dư nợ hơn 5.000 tỷ đồng.

Ngân hàng SHB thông tin, đến nay dư nợ được thực hiện cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ tại ngân hàng này là 23.339 tỷ đồng, chiếm 9% tổng dư nợ của ngân hàng.

Ngân hàng VIB cũng đã thực hiện cơ cấu nợ khoảng 700 khách hàng với tổng dư nợ là 600 tỷ đồng và sẽ tiếp tục xử lý cho 4.700 khách hàng với dư nợ 6.600 tỷ đồng trong thời gian tới.

Agribank đã thực hiện cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ gần 30.000 tỷ đồng, với gần 15.000 khách hàng. Hiện Agribank đang tiếp tục đánh giá, xác định mức độ ảnh hưởng của khách hàng do dịch COVID-19, cùng khách hàng rà soát đánh giá các phương án sản xuất - kinh doanh, từ đó tư vấn và hỗ trợ phù hợp.

Kết quả đạt được sau hơn 1 tháng triển khai Thông tư 01 là khá tích cực, nhưng lãnh đạo các ngân hàng cũng chia sẻ nhiều vướng mắc và kiến nghị để giải quyết.

Theo ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank, do dịch bệnh diễn biến còn rất phức tạp, vì vậy, không nên khống chế “cứng” thời gian cơ cấu lại nợ tối đa là 12 tháng, bởi chưa biết khi nào mới hết dịch, chưa kể ngay cả khi hết dịch doanh nghiệp vẫn phải mất nhiều thời gian mới có thể phục hồi.

Đồng quan điểm, lãnh đạo Ngân hàng SHB đề nghị “NHNN xem xét kéo dài thời hạn cơ cấu nợ lên 36 tháng, thay vì 12 tháng như hiện tại. Bởi sau khi hết dịch, nhiều doanh nghiệp sẽ phải mất rất nhiều thời gian để phục hồi kinh doanh tới 1 - 2 năm mới phát triển “hồng hào” lại và có nguồn tiền trả nợ ngân hàng”.

Lãnh đạo VietinBank cũng cho rằng, nên xem xét thời hạn tái cơ cấu các khoản nợ kéo dài đến khi WHO công bố hết dịch. Bởi trên thực tế, nhiều doanh nghiệp trong nước đã tham gia chuỗi toàn cầu, dù Việt Nam có kiểm soát được dịch tốt nhưng thị trường quốc tế của doanh nghiệp đó vẫn chưa hết dịch nên vẫn ảnh hưởng rất nặng nề.

Trước kiến nghị của các ngân hàng liên quan tới Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thống đốc Lê Minh Hưng đã yêu cầu toàn hệ thống các tài chính tín dụng cần nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của Ngành với nền kinh tế, triển khai mạnh mẽ các biện pháp cơ cấu lại nợ, cho vay mới, giảm lãi suất cho vay. Phải xác định việc hỗ trợ khách hàng vay vốn cũng là hỗ trợ cho chính các tài chính tín dụng, giúp hệ thống tài chính tín dụng hoạt động tốt hơn trong giai đoạn khó khăn.

Thống đốc cũng giao cho Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Vụ Pháp chế, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Thanh toán chủ động rà soát, tham mưu sửa đổi các quy định hiện hành và ban hành ngay các văn bản hướng dẫn cụ thể đối với các vấn đề còn vướng mắc, kiến nghị chủ yếu tập trung vào Thông tư 01, nhất là về thời hạn cơ cấu lại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, dự thu, xác định khách hàng, cho vay tái cấp vốn, thanh toán điện tử.

VIÊN VIÊN (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương