Bách Hoá Xanh: Xử lý hành chính, bị tẩy chay, giá trị vốn hóa có bốc hơn ngàn tỷ như năm xưa

Ngày 17/7, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng đã lập biên bản đối với cửa hàng Bách Hóa Xanh ở số 481 Trần Hưng Đạo, khóm 8, phường 3, TP Sóc Trăng bán một số mặt hàng cao hơn so với giá niêm yết. 

Đội Quản lý thị trường số 2 đã lập biên bản vi phạm hành chính vụ việc, củng cố hồ sơ xử lý theo quy định. Đại diện Bách Hóa Xanh cũng xác nhận có sai sót không thay giá tại cửa hàng Bách Hóa Xanh ở số 481 Trần Hưng Đạo (TP Sóc Trăng) chứ không cố ý bán cao hơn so với giá niêm yết.

Sản phẩm cháo tươi thịt thăn, niêm yết 13.500 đồng/gói, bán ra 14.600 đồng/gói; sản phẩm cháo yến vị thịt bằm, niêm yết 9.800 đồng/gói, bán ra 10.300 đồng/gói; sản phẩm cháo tươi gà cà rốt, niêm yết 19.000 đồng/gói, bán ra 19.600 đồng/gói; sản phẩm cháo tươi lươn đậu xanh, niêm yết 22.500 đồng/gói, bán ra 24.000 đồng/gói; sản phẩm cháo tươi rau củ thập cẩm, niêm yết 14.500 đồng/gói, bán ra 20.000 đồng/gói.

Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, tình hình giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm có tăng do ảnh hưởng dịch Covid-19. Hiện Sóc Trăng và 22 tỉnh phía Nam đã công bố số điện thoại của Cục trưởng Cục Quản lý thị trường và các đội Quản lý thị trường để người dân kịp thời phản ánh tình trạng nâng giá, đội giá quá quy định trong thời gian giãn cách xã hội. Tổng cục Quản lý thị trường cũng kêu gọi người dân không hoang mang, không mua hàng tích trữ; doanh nghiệp không tăng giá hàng hoá vô lý. Lực lượng này sẽ xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về giá, lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính, găm hàng, đầu cơ...

Theo phản ánh của nhiều người tiêu dùng, tại nhiều cửa hàng Bách Hóa Xanh ở TP HCM đã tăng giá bán các mặt hàng rau củ quả, thịt cá tươi sống cao hơn so với ngày thường. Đáng nói, việc tăng giá bán hàng hóa lại diễn ra trong bối cảnh TP HCM đang nằm trong tâm dịch Covid-19, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Các cấp, ngành từ Trung ương đến TP HCM phải vào cuộc mạnh mẽ để đảm bảo cung ứng hàng hóa đầy đủ cho người dân.

Mặc dù đã lên tiếng khẳng định việc tăng giá bán hàng hóa không nhằm mục đích vụ lợi, nhưng Bách Hóa Xanh vẫn phải đối mặt với “làn sóng” tẩy chay của người tiêu dùng. Nhiều ý kiến phản đối đã được đưa ra dưới bài viết của fanpage facebook của Bách hóa Xanh.

"Bách Hóa Xanh tăng giá quá đà mùa dịch?! Một bước đi đầy lòng tham có thể kéo cả tập đoàn bao gồm Điện Máy Xanh và Thế Giới Di Dộng vào chuỗi tẩy chay sau dịch của người dân...", một bạn bình luận trên fanpage facebook của Bách Hóa Xanh. Một người khác cùng bình luận: "Bách Hoá Xanh nâng giá mùa dịch quá nhiều nên tẩy chay. Lúc đồng bào khó khăn mà chỉ nghĩ lợi ích của mình". Bên cạnh đó, lý do khác khiến khách hàng phản ứng là việc Bách Hóa Xanh thông báo tăng giá bán hàng hóa thì một số siêu thị khác lại tuyên bố vẫn giữ nguyên giá, bình ổn để hỗ trợ khách hàng trong mùa dịch.

Sự cố này khiến cho những cổ đông đang nắm giữ MWG lo ngại mã CP này sẽ bị bán tháo trong phiên giao dịch tới. Việc cổ đông lo ngại là hoàn toàn có cơ sở, bởi MWG từng bị bán tháo thời điểm cuối năm 2018, sau sự cố rò rỉ thông tin về tài khoản ngân hàng của khách hàng. Thời điểm đó, rất nhiều người từng mua sắm tại MWG phát hiện thông tin tài khoản ngân hàng của mình, bao gồm số thẻ, ngày hết hạn, ngày giờ mua hàng có trong file dữ liệu được tung lên mạng. Có khoảng 31.000 bản ghi như thế được tung ra.  Dù lãnh đạo MWG không thừa nhận liên quan đến sự cố rò rỉ thông tin khách hàng, nhưng MWG vẫn bị NĐT bán tháo trong 2 phiên giao dịch, từ 120.000 đồng/CP xuống cỏn 106.000 đồng/CP. Với hơn 322,8 triệu CP đang niêm yết trên HoSE thời điểm đó, vốn hóa của MWG trên TTCK bị bốc hơi 1.937 tỷ đồng.

 Ngày 22-6 vừa qua, khi đại dịch tại TPHCM và các tỉnh phía Nam diễn biến phức tạp, BHX đã có công văn gửi đến đối tác mặt bằng, đề nghị giảm 50% chi phí thuê mặt bằng trong 1 năm, để chia sẻ khó khăn, dù tất cả cửa hàng BHX đều hưởng lợi kinh doanh trong đại dịch. Nhiều người bức xúc đặt câu hỏi, tại sao BHX yêu cầu đối tác giảm mạnh chi phí thuê mặt bằng, thì lại quay ngược tăng giá hàng hóa với khách hàng của mình đang khó khăn vì mất việc, vì thu nhập giảm trong đại dịch. Lẽ ra, là nhà bán lẻ lớn, hơn hết trong lúc này, BHX phải thể hiện trách nhiệm xã hội của mình, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.

Nhật Hạ