Bất động sản Việt Nam 'hút' nhà đầu tư nước ngoài như thế nào?

Đại dịch COVID-19 tái bùng phát khiến nhiều lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, bất động sản bất ngờ nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Nguyên nhân vì sao?

FDI bất động sản đã tăng trưởng như thế nào?

Theo số liệu vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, tính đến ngày 20/3, tổng số vốn FDI (vốn đầu tư nước ngoài) cả nước đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể, cả nước có tổng cộng 234 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký đạt 7,2 tỷ USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ.

Về vốn điều chỉnh, có 161 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 31,8% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 2,1 tỷ USD, tăng 97,4% so với cùng kỳ.

Đối với góp vốn, mua cổ phần, có 734 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 70,9% so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp 805,3 triệu USD, giảm 58,8% so với cùng kỳ.

bds-1.jpg
Bất động sản Việt Nam ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Internet

Theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó dẫn đầu là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đầu tư đạt gần 5 tỷ USD, chiếm 49,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Đứng thứ 2 là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện với tổng vốn đầu tư 3,9 tỷ USD, chiếm 38,9% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực kinh doanh bất động sản bất ngờ chiếm vị trí thứ 3 tổng vốn đăng ký kinh doanh đạt 600 triệu USD, bỏ khá xa lĩnh vực xếp thứ 4 là lĩnh vực khoa học công nghệ là 167 triệu USD.

Trong lĩnh vực bất động sản, 3 phân khúc được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều nhất là nhà ở, văn phòng và công nghiệp.

Về nguyên nhân khiến Việt Nam thu hút dòng vốn FDI nói chung và FDI trong lĩnh vực bất động sản nói riêng, về vĩ mô, theo các chuyên gia là do Việt Nam trong năm 2020 có mức tăng trưởng tốt nhất khu vực, ở mức gần 3%.

Ngoài ra, Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao về sự ổn định về chính trị và đặc biệt là đang tích cực cải thiện môi trường đầu tư.

Ở trong nước, chính phủ đang có sự thay đổi Luật Đầu tư 2014 và Luật Đầu tư 2020, điều này có ảnh hưởng tích cực tới tình hình cấp mới cũng như điều chỉnh các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Hiện môi trường đầu tư tại Việt Nam đang được cải thiện so với nhiều năm trước, và Việt Nam đang nắm giữ các lợi thế lớn về môi trường đầu tư, chính trị ổn định, chính sách quản lý vốn hấp dẫn với đầu tư nước ngoài.

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội 

Về vấn đề này, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng, trong giai đoạn COVID-19 năm 2020, FDI chưa thể hiện đúng mức độ quan tâm của các nhà đầu tư với thị trường Việt Nam.

“Tuy vậy, vốn FDI vẫn đổ vào lĩnh vực sản xuất đã tạo điều kiện cho ngành bất động sản cũng có những chuyển biến tích cực. Thêm vào đó, với việc đạt tăng trưởng dương trong năm 2020 bất chấp tác động của dịch COVID-19 đến các hoạt động kinh tế, Việt Nam đang trở thành ứng cử viên sáng giá cho quá trình chuyển dịch chuỗi giá trị ở châu Á”, ông Matthew Powell cho biết thêm.

Vì sao nhà đầu tư nước ngoài “để mắt” đến bất động sản Việt?

Thực ra, việc các nhà đầu tư nước ngoài “để mắt” đến lĩnh vực bất động sản ở Việt Nam đã xuất hiện từ một vài năm trước, đặc biệt là thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát.

Từ các dữ liệu thu thập được về lĩnh vực đầu tư nước ngoài, vào đầu năm nay, Công ty Chứng khoán VNDirect đã từng đưa ra dự báo, các thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản sẽ trở nên sôi động trong năm 2021.

Việc chuyển nhượng các dự án thành phần trong dự án có quy mô lớn được xem là giải pháp nhanh nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài bước chân vào thị trường Việt Nam và các nhà đầu tư trong nước mở rộng quỹ đất.

Nguyên nhân được cho là quá trình phê duyệt pháp lý kéo dài kể từ giữa năm 2018 và tác động của dịch COVID–19 đã khiến nhiều nhà phát triển bất động sản quy mô nhỏ đối mặt với các vấn đề tài chính. Điều này đã tạo cơ hội săn tìm đất cho các công ty bất động sản có tiềm lực mạnh về tài chính, VNDirect cho biết thêm.

1-15505436800641246446259-crop-155054368473688853754.jpg
FDI là động lực giúp kinh tế Việt Nam phục hồi, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Ảnh: Internet

Trong khi đó, theo Colliers Việt Nam, cho đến cuối năm 2020, có ít nhất 10 nhà phát triển nước ngoài mới từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Singapore đang tìm kiếm cơ hội gia nhập thị trường Việt Nam.

Con số này đáng ngạc nhiên khi so sánh với 12-15 nhà phát triển nước ngoài tại Việt Nam hiện tại, nguyên nhân từ việc Việt Nam kiểm soát tốt sự bùng phát đại dịch COVID-19, Colliers nhấn mạnh.

Và, thực tế cho thấy thời gian qua, một số tập đoàn quốc tế đã có dấu hiệu chuyển đổi nguồn vốn từ các lĩnh vực khác sang bất động sản, một trong số đó là tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản- Tập đoàn Takashimaya.

Sự chuyển dịch này được Nikkei, một tờ báo hàng đầu của Nhật Bản tiết lộ cách đây chưa lâu. Theo đó, việc mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản là ưu tiên hàng đầu của Takashimaya, các trung tâm thương mại của công ty vừa qua phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ mua sắm trực tuyến và lượng khách du lịch đến Nhật Bản giảm so với trước đại dịch.

Các trung tâm thương mại tại Nhật Bản chiếm chưa đến 20% tổng lợi nhuận hoạt động của Takashimaya trong năm tài khóa 2019, dù đóng góp đến 80% tổng doanh thu.

Điều này tương phản rõ nét với lĩnh vực kinh doanh bất động sản, khi trong cùng kỳ, mảng này tạo ra khoảng 40% lợi nhuận hoạt động cho Takashimaya dù đóng góp chưa đến 10% doanh thu.

Các trung tâm thương mại ở Nhật Bản và tại thị trường nước ngoài của Takashimaya đều được dự đoán là sẽ đối mặt với nhiều thách thức từ đại dịch trong tương lai.

298-1621741343-5054-1621754355(1).png
Samty corporation rót vốn vào The Sakura - phân khu tiêu chuẩn Nhật Bản thuộc dự án The Metrolines (Vinhomes Smart City).

Trong 3 - 4 năm tới, đại gia bán lẻ Nhật Bản dự kiến đầu tư tổng cộng khoảng 20 tỷ JPY ra nước ngoài, chủ yếu rót vào lĩnh vực bất động sản.

Tại thị trường Việt Nam, Khu dân cư Starlake tại Hà Nội là dự án bất động sản tại nước ngoài đầu tiên mà Takashimaya tham gia vào tất cả các khâu, từ thu hồi đất đến vận hành.

Takashimaya cũng sẽ phát triển không gian thương mại và văn phòng tại Starlake trong giai đoạn 2022 - 2025, bên cạnh hai dự án thương mại qui mô lớn khác ở Hà Nội. Cũng theo Nikkei, đại gia gia bán lẻ Nhật Bản sẽ cải tạo một số tòa nhà hỗn hợp mà họ đã mua lại tại TP HCM và Hà Nội.

Cùng thời điểm trên, SAMTY Corporation, một trong những tập đoàn bất động sản hàng đầu của Nhật Bản cũng đánh dấu sự có mặt ở thị trường Việt Nam khi bắt tay cùng Vinhomes, một công ty thành viên của Tập đoàn Vingroup để phát hiện phân khúc căn hộ theo tiêu chuẩn Nhật tại dự án Sakura tại Hà Nội.

SAMTY là một trong những tập đoàn bất động sản lâu đời tại Nhật Bản với hơn 40 năm kinh nghiệm, cùng khối tài sản tỷ USD niêm yết trên sàn chứng khoán Tokyo.

Ngoài ra, thị trường bất động sản du lịch Việt Nam trong thời gian qua còn có sự xuất hiện của những nhà điều hành khách sạn, nhà hàng hàng đầu quốc tế như Accor, Hyatt...

Accor hợp tác với Tập đoàn Novand ở ba dự án tại Mövenpick Phan Thiết, Novotel Phan Thiết, Mövenpick Hồ Tràm trong khi Hyatt hợp tác với Novaland xây dựng Khu nghỉ dưỡng và Căn hộ cao cấp Hyatt Regency cũng ở Hồ Tràm.

1620043929_81_accor-se-quan-ly-hotel-movenpick-novotel-thuoc-novaworld.jpg
Novotel Phan Thiết.

Lý giải về nguyên nhân Việt Nam thu hút FDI bất động sản bất chấp đại dịch đang diễn ra phức tạp, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam nắm giữ lợi thế nền tảng khi là một thị trường lớn mạnh với lĩnh vực nhân khẩu học trẻ, năng động, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam ngày càng nâng cao.

Các nền tảng cơ bản khiến cho Việt Nam trở nên hấp dẫn vẫn không thay đổi trong khi sự phát triển của bất động sản Việt Nam vẫn dựa trên mức tăng trưởng thu nhập, nhân khẩu học và đô thị hóa. Sự gia tăng nhanh chóng của các cơ sở hạ tầng chính tại Hà Nội và TP.HCM được hỗ trợ bởi tính liên kết giữa các tỉnh.

Trước COVID-19, Việt Nam đã có vị thế tốt, song ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh có nhiều tác động không mấy khả quan lên thị trường toàn cầu, Việt Nam vẫn hoạt động tốt hơn hơn nhiều thị trường khác.

Ngoài ra, môi trường đầu tư tại Việt Nam đang dần được cải thiện, với sự hỗ trợ đáng kể cho các ngành sản xuất, thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu và bất động sản. Đang có những cơ hội đầu tư hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, như việc chính phủ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đấu giá đất, và các rào cản pháp lý đang được tích cực gỡ bỏ.

Tất cả những yếu tố trên đã cộng hưởng với nhau, tạo nên một kịch bản cực kỳ thuận lợi cho việc Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn FDI trong nhiều lĩnh vực, trong đó có bất động sản - để Việt Nam nhanh chóng trở thành “ổ đại bàng” – nơi sẵn sang đón các nhà đầu tư như kỳ vọng của nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

NGUYỄN MINH