Bệnh nhân COVID-19 tại Vĩnh Phúc nhiễm biến chủng có nguồn gốc từ Ấn Độ

Kết quả xét nghiệm cho thấy, 3 nhân viên quán bar ở Vĩnh Phúc nhiễm biến chủng có xuất xứ từ Ấn Độ.

Biến chủng trên có tên là B.1.617.2 và đây là lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận biến chủng này ngoài cộng đồng.

Trước đó, trong các ngày từ 18 đến 27/4, Bộ Y tế đã xác nhận có 5 bệnh nhân COVID-19 tại Yên Bái, trong số này 4 bệnh nhân 2786, 2811, 2812, 2831 là chuyên gia người Ấn Độ, nhập cảnh vào Việt Nam. Sau đó có thêm 1 ca bệnh là lễ tân khách sạn Như Nguyệt 2, là nơi cách ly tập trung chuyên gia và người từ nước ngoài về của tỉnh Yên Bái (bệnh nhân 2857).

Kết quả giải trình tự gene của 5 trường hợp trên cho thấy họ đều nhiễm biến chủng SARS-CoV-2 ở Ấn Độ. Cụ thể là biến thể B.1.617.2.

xet-nghiem-covid-19-den-doi-tuong-f3_0202084624.jpg

Như vậy, hiện Việt Nam đã có 5 chủng virus SARS-CoV-2 lưu hành, bên cạnh chủng đột biến B.1.1.7 của Anh, chủng Nam Phi, chủng D614G ở châu Âu và chủng ở Vũ Hán và mới nhất là B.1.167.2.

Tại cuộc họp trực tuyến về phòng chống dịch COVID-19 sáng 28/4, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm, cho biết chủng virus B.1617 ở Ấn Độ nguy hiểm hơn các chủng hiện hành. Chủng này có đột biến kép ở đoạn protein S, nên lan tràn rất nhanh, tử vong rất cao.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, hiện cả thế giới đang chăm chú đến biến chủng kép của Ấn Độ B.1.617. Trước đây, biến chủng chưa kép là B.1.1.7 từ Anh thấy rõ mức độ lan tràn của nó rất nhanh, tăng cao hơn 70% so với chủng ban đầu.

WHO xếp B.1.617 vào nhóm "biến chủng đáng chú ý" (VOI), nhưng chưa coi đây là "biến chủng đáng lo ngại" (VOC). Nhóm VOC gồm những biến chủng nCoV nguy hiểm hơn bản gốc nhờ khả năng lây nhiễm và gây chết người cao hơn hoặc kháng vaccine mạnh hơn.

(Tổng hợp)

HẢI MY