Bộ trưởng Tài chính khẳng định thị trường chứng khoán vẫn "rất tốt", đặc biệt đặt trong bối cảnh là kênh huy động vốn

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tin rằng thị trường chứng khoán vẫn là kênh huy động vốn trung và dài hạn rất tốt. Thị trường chứng khoán của Việt Nam còn non trẻ, mới chỉ 22 năm, nhưng có nhiều tín hiệu tích cực, trong khi các nước tiên tiến đã có trên 500 năm rồi.

Lãnh đạo Bộ Tài chính lấy dẫn chứng các sự việc thao túng chứng khoán, lừa dối khách hàng, giả mạo hồ sơ, tài liệu để lừa dối khách hàng… đều đã được cơ quan pháp luật xử lý nghiêm minh. Còn về phía Bộ Tài chính, cơ quan này đã có những thông báo, cảnh báo về rủi ro trên thị trường vốn cho người dân.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tin rằng thị trường chứng khoán vẫn là kênh huy động vốn trung và dài hạn rất tốt. Sắp tới, Bộ Tài chính trình Chính phủ để ban hành Nghị định nhằm nâng cao tính minh bạch trên thị trường chứng khoán, đồng thời, kiến nghị sửa Luật Chứng khoán theo hướng siết doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cổ phiếu.

"Thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn, kênh đầu tư trung và dài hạn", Bộ trưởng khẳng định. Đối với thị trường cổ phiếu, năm 2021, giao dịch đạt gần 7,7 triệu tỷ đồng, chiếm 92% GDP và tăng 46,7% so với năm 2020. Bình quân giao dịch một ngày trên 26.000 tỷ đồng.

Đối với trái phiếu, bên cạnh trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 đạt 1,37 triệu tỷ đồng, tương đương 15% GDP. Nếu so với các nước trong khu vực, số liệu của Việt Nam vẫn còn thấp, tuy nhiên, ông Phớc cho rằng đây lại là tiềm năng phát triển của thị trường.

Tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp chỉ chiếm 10% trên vốn tín dụng của các ngân hàng (khoảng 13 triệu tỷ đồng).

"Thị trường chứng khoán của chúng ta thời gian qua có thể nói là rất tốt để phục vụ cho việc phát triển kinh tế, xã hội. Còn về một số vụ việc sai phạm, đây là sai phạm so với Luật Chứng khoán và với các Nghị định liên quan mà Chính phủ ban hành", Bộ trưởng nhìn nhận.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm tại hội trường sáng nay (2/6), Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã đề cập đến giá xăng dầu đang rất "nóng" hiện nay.

Sau lần thứ 5 tăng giá liên tiếp trong kỳ điều chỉnh ngày 1/6, giá xăng E5 RON 92 hiện ở mức 30.230 đồng/lít; RON 95 là 31.570 đồng/lít. Việc giá xăng dầu tăng quá cao, ảnh hưởng đến đời sống người dân, nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi.

Theo Bộ trưởng Tài chính, nhiều ý kiến cho rằng cần giảm thêm thuế đối với xăng dầu để kìm đà tăng mặt hàng này. Ông Phớc khẳng định sẽ cân nhắc, đánh giá tác động và báo cáo Chính phủ, để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về việc giảm thêm thuế với mặt hàng xăng dầu.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, tỷ trọng thuế trong mỗi lít xăng ở nhiều nước là 45-60%, còn tại Việt Nam hiện khoảng 29-31%. Ví dụ, xăng RON 92 (loại xăng nền dùng để pha chế xăng E5 RON 92) với giá nhập khẩu hiện khoảng 22.000 đồng/lít, tiền thuế là 8.000 đồng/lít, tương đương khoảng 28%.

Bộ trưởng cũng cho biết, từ ngày 1/4, thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đã giảm 50% đến hết năm nay. Dư địa loại thuế này hiện còn 2.000 đồng mỗi lít xăng; 1.000 đồng với dầu và thẩm quyền quyết định thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài ra, cơ cấu thuế trong mỗi lít xăng hiện còn thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế VAT…, các loại thuế này thuộc thẩm quyền quyết định ở Quốc hội.

"Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô, mỗi năm sản xuất được hơn 8 triệu thùng dầu thô. Giá dầu thô tăng cũng bù đắp ngân sách được một phần, nhưng chính sách thuế gắn liền với chính sách tài khóa, nên khi giảm thuế sẽ phải cắt giảm các khoản chi, trong khi chính sách tài khóa đã được duyệt", Bộ trưởng Tài chính nêu khó khăn.

Tổng Hợp