“Hồi bé mỗi lần được theo mẹ lên thành phố mình chỉ ước mau lớn để được đi thật xa, hoà vào cuộc sống nhộn nhịp ở thành phố. Lúc đó mọi thứ lấp lánh lắm, nhất là với một đứa từ bé đến lớn chỉ ở đảo như mình. Đỗ đại học là lần đầu tiên mình lên Hà Nội, sau đó là 10 năm mình học tập và đi làm xa nhà. Cách đây 2 năm mình quyết định dọn hẳn về Vân Đồn để sống cùng bố mẹ. Lý do duy nhất là mình cảm thấy thoải mái và hạnh phúc khi được sống ở đảo”.
Đây là tóm tắt về hành trình từ đảo lên phố rồi lại từ phố về đảo của Thu Hương (33 tuổi). Hiện tại cô đang sống và làm việc ở huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh). Công việc chính của Hương là kinh doanh du lịch dịch vụ lữ hành và founder một khu cắm trại ở Vân Đồn.
Thu Hương |
Những điều Hương nhận ra sau khi bắt tay vào kinh doanh ở đảo |
Bỏ phố về đảo vì thèm cơm mẹ nấu và phản ứng của hàng xóm
Sau khi tốt nghiệp đại học, Hương làm rất nhiều công việc để mưu sinh ở thành phố, từ làm thuê quán cafe, bán mỹ phẩm, bán đồ ăn online, nhân viên văn phòng,... đều đủ cả. Năm 2019, cô nghỉ việc và mở một quán cà phê ở TP Hạ Long. Nhưng cũng từ cuối năm 2019 - 2021 là thời gian dịch bệnh nên để duy trì việc kinh doanh, cô đã gặp rất nhiều khó khăn.
“Bạn đã bao giờ trải qua cảm giác sau ngày dài vật lộn với công việc, người rã rời và bụng đói meo vẫn phải lang thang khắp phố xá tìm quán ăn chưa? Có những ngày mình lòng vòng cả tiếng đồng hồ mà chẳng biết ăn gì vì ăn 1 mình buồn quá nên lại về nhà úp mì tôm. Lúc đó chỉ thèm được ăn cơm mẹ nấu nên có hôm mình lái xe gần 1 tiếng từ Hạ Long về Vân Đồn để ăn cơm rồi sáng hôm sau lại đi. Cảm giác được bố mẹ đợi ở nhà, được ăn bát cơm nóng hạnh phúc lắm nên dù đường xa, dù mệt nhưng mình vẫn về”.
Năm 2021, khi công việc kinh doanh ổn định hơn, Thu Hương có nhiều thời gian về nhà với bố mẹ, không phải vội vàng nữa nên quyết định về hẳn.
Lúc mới về đảo, Thu Hương không có chủ đích làm khu cắm trại mà lại làm sale bất động sản (BĐS). Khi đó cô thấy nhiều người trẻ ở nơi khác về Vân Đồn làm sale BĐS có thu nhập tốt nên muốn thử sức xem có tốt thật không và suy nghĩ “người ta về quê mình kiếm được tiền mà mình lại không kiếm được thì kém quá”. Đây cũng chính là thời điểm giúp cô có khoản tích lũy để mở khu cắm trại sau này.
Dù quyết định bỏ phố về đảo của Hương được bố mẹ ủng hộ nhưng cô cũng gặp những áp lực nhất định từ hàng xóm, mọi người xung quanh. Đã về được 2 năm nay nhưng bây giờ nhiều người vẫn hỏi: “Ở dạo này ở nhà à? Không làm trên Hạ Long nữa à? Trước tưởng mở quán cafe gì to lắm cơ mà”. Một số người khác lại hỏi bố mẹ Hương: “Thế giờ nó về làm gì? Trước nó học cái gì ra sao mà giờ lại đi làm cái này?”. Bố mẹ cô có thời gian thì sẽ trả lời chi tiết còn bận quá thì cũng chỉ trả lời qua loa “Nó làm du lịch" cho xong.
“Vì phạm vi nhỏ nên ở Vân Đồn hay bất kỳ hòn đảo nào cũng đều có sự gắn bó thân tình làng xóm, hầu như mọi người đều biết nhau. Mình biết nhiều bạn trẻ không dám về quê hay ra đảo vì sợ định kiến nhưng chúng ta cũng nên thông cảm cho thế hệ đi trước, bởi họ chưa có dịp đi xa hơn để đón nhận cái mới. Nếu chính chúng ta bị ảnh hưởng và chấp nhận lối mòn tư duy đó thì ai sẽ là người can đảm thay đổi? Hơn nữa có nhiều người trở về và thành công trên quê hương của họ nên với những câu hỏi của mọi người, hãy dùng kết quả làm câu trả lời rõ ràng nhất” - Thu Hương bày tỏ.
Nghĩ ở quê khó làm ăn nhưng thật ra không phải vậy!
Khi còn làm sale BĐS, Thu Hương có cơ hội gặp nhiều người giàu mua BĐS nhưng không ít người chê thẳng Vân Đồn không có gì đáng để đầu tư vì du lịch chỉ được mấy tháng hè, nhiều dự án để không,... Vốn yêu quê nên cô có chút… tự ái. “Ngẫm thì họ nói cũng đúng nên mình muốn làm gì đó để góp phần thu hút khách du lịch đến Vân Đồn có thêm trải nghiệm. Quê mình đẹp thế mà, không thể để phí hoài được nên mình ấp ủ làm camping” - cô kể lại quyết định kinh doanh ở đảo.
Những khung cảnh đẹp mắt ở đảo Vân Đồn |
Để chuẩn bị cho kế hoạch này, ngoài số vốn tích cóp được khi còn làm sale BĐS, Hương dành 1 tháng để lên kế hoạch chi tiết và đi trải nghiệm các điểm camping, glamping ở khắp nơi. Sau đó cô về lại Vân Đồn, ngỏ lời mời bạn bè cùng cộng tác và trở thành chủ doanh nghiệp.
Ở thời điểm ban đầu, Thu Hương và các cộng sự hùn vốn được khoảng 800 triệu đồng. Cô cho biết để thuê đất, mở khu cắm trại thì số tiền này là không nhiều, có khu người ta làm đến mấy tỷ nên cả team đầu tư cho những hạng mục cần thiết trước, sau đó mở rộng thêm để khu trại thêm khang trang và tiện nghi hơn. Đến hiện tại, sau 14 tháng hoạt động, số vốn đã tăng lên khá nhiều.
Đương nhiên, quá trình bỏ phố về đảo của Hương cũng có rất nhiều khó khăn, nhất là những trở ngại khi bắt tay vào kinh doanh. “Mô hình cắm trại phải chọn nơi cách xa trung tâm để tăng trải nghiệm thư giãn bình yên cho khách. Chính vì vậy mà chi phí xây dựng, vận hành đều bị đội lên cao như hàng hoá vận chuyển xa thì tăng thêm chi phí, nhiều thứ thiếu thốn chứ không sẵn như ở phố, tuyển nhân lực khó mà tìm được thì chi phí cũng cao,...
Ban đầu mình cứ nghĩ làm mô hình này cho nhàn, cho vui nhưng thực ra vận hành rất cực, hết lần này đến lần khác vỡ mộng. Khách đi chơi tập trung cuối tuần và ngày lễ nhưng có tháng cứ cuối tuần là mưa to gió lớn nên bọn mình ‘đói’ cả tháng. Rồi những ngày đông khách, không đủ nhân lực thì tất cả mọi người lao vào làm đủ việc từ chạy bàn, setup lều, miễn là hỗ trợ khách khi cần. Thậm chí từ khi làm camping mình còn biết thêm nướng gà, giờ thâm niên hơn 1 năm nên trình độ cũng đỉnh lắm”.
Khu cắm trại mà Hương và đội ngũ đang vận hành |
Cũng trong hơn 1 năm làm khu cắm trại, Hương cũng có rất nhiều kỷ niệm. Đáng nhớ nhất phải kể đến lần suýt mất hơn 100 triệu trong một đêm vì toàn bộ sạp gỗ để dựng trại bị lũ cuốn trôi. May mắn là sau đó các anh em đi mò lại được nên bớt thiệt hại. “Cắm trại là trải nghiệm ngoài trời nên bị ảnh hưởng bởi thời tiết rất nhiều. Đây cũng là 1 bài học lớn cho mọi người muốn kinh doanh mô hình này là phải tìm hiểu địa hình nơi mình dự định làm bãi cắm trại” - cô rút ra bài học sau sự việc hú hồn.
Sau khi bỏ phố về đảo, thu nhập của Thu Hương thay đổi thay đổi tích cực hơn. Trước đây cô luôn cảm thấy quê mình khó làm ăn, khó kiếm tiền nên mới phải lên thành phố mưu sinh nhưng bây giờ lại có cái nhìn hoàn toàn khác: “Thì ra mình chưa làm thôi chứ nếu làm thì quê hương đúng là chùm khế ngọt”.
Nhìn lại kinh nghiệm và trải nghiệm của bản thân, cô có những chia sẻ cho người trẻ muốn bỏ phố về đảo nói riêng và về quê nói chung để khởi nghiệp: “Hãy tích lũy cả tài chính và kinh nghiệm càng nhiều càng tốt trước khi bắt tay vào làm việc gì. Hành trình vạn dặm đều bắt đầu từ những bước chân nhỏ vậy nên làm tốt từng việc nhỏ trước, đừng vội vàng. Mỗi khi gặp khó khăn mình đều tích cực tin rằng chỉ cần vượt qua là sẽ tiến bộ hơn và sự thật là hơn 1 năm qua mình và đồng đội trưởng thành hơn rất nhiều. Hơn nữa cũng đừng sợ khi không có ai làm giống mình vì người đi đầu luôn có lợi thế. Mọi người sẽ có thật nhiều quả ngọt ở quê hương giống như bọn mình nhé!”.
photo1697289983 |
“Cú tát" khi ra đảo Phú Quý kinh doanh: Lỗ 100 triệu phải quay về TP.HCM, trở lại lần nữa vẫn có thất bại nhưng ngộ ra điều quý giá!
“Thành thật mà nói, lần thất bại đó như một cú tát vào mặt mình, vào những ước mơ và viễn cảnh màu hồng trong kinh doanh mà mình tự vẽ ra”.