Bộ Xây dựng chủ trì gỡ "nút thắt"

Với "nút thắt" liên quan đến các luật, Bộ Xây dựng cùng với các bộ ban ngành liên quan xem xét, đánh giá tác động và đề xuất chỉnh sửa sao cho phù hợp tình hình thực tiễn.

Thủ tướng yêu cầu giải quyết vấn đề này một cách căn cơ, bài bản, có tính trước mắt nhưng phải giải quyết được lâu dài, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, cũng như phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của đất nước.

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nhà ở xã hội cho công nhân luôn được Đảng và Chính phủ băn khoăn, trăn trở và chỉ đạo xây dựng chủ trương, cụ thể hóa nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ thực hiện. Tuy nhiên đến nay vấn đề này chưa được giải quyết một cách rốt ráo, căn cơ và bài bản.

Nhân buổi đối thoại, Thủ tướng đề nghị đại diện các cơ quan, tổ chức, bộ, ban ngành liên quan nêu ra những vướng mắc cụ thể để có thể triển khai hiệu quả ngay việc xây dựng nhà ở cho người lao động.

Đặc biệt, sau khi lắng nghe các ý kiến trao đổi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Xây dựng chủ trì, xem xét tiếp thu toàn bộ các ý kiến vừa nêu và nhu cầu của công nhân, trên cơ sở đó kiến nghị các vấn đề có thể sửa ngay trong các nghị định của Chính phủ.

Đại diện công nhân lao động tại điểm cầu trực tiếp Bắc Giang và 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố đã có những câu hỏi, kiến nghị và đề xuất cụ thể với Thủ tướng Chính phủ. Một trong những vấn đề được đông đảo công nhân lao động quan tâm, nêu ra tại buổi đối thoại là vấn đề nhà ở công nhân hiện nay.

Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cũng khẳng định, vấn đề nhà ở công nhân được Tổng liên đoàn đau đáu nhiều năm nay nhưng hiện đang "rất vướng". Đơn cử như các vấn đề liên quan tới thủ tục đấu thầu, việc thu hút các doanh nghiệp, Luật đầu tư công, Luật kinh doanh bất động sản.

Theo ông Khang, hiện Tổng liên đoàn đã làm việc với Bộ Xây dựng và sắp tới sẽ báo cáo Thủ tướng để có thể tháo gỡ các vướng mắc trong thời gian tới. Chia sẻ khó khăn của công nhân và doanh nghiệp, Thứ trưởng Xây dựng cho biết sẽ hoàn thiện thể chế để thúc đẩy đầu tư. Các dự án nhà ở thương mại đều phải dành 2% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Khu công nghiệp cũng phải dành 2% quỹ đất xây nhà ở cho công nhân.

Ngoài ra, chủ đầu tư cũng được miễn tiền sử dụng đất; miễn và giảm 50% thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp; được dành 20% quỹ nhà thương mại trong dự án nhà ở xã hội để bù đắp chi phí, đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Dự án đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được địa phương tùy theo tình hình sẽ hỗ trợ một phần hạ tầng, kỹ thuật.

Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, Chính phủ và Thủ tướng cũng chỉ đạo thực hiện dự án công cộng như trường học, nhà trẻ, bệnh viện, siêu thị để phục vụ công nhân tốt hơn và tích cực đôn đốc địa phương triển khai.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 về chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội với quy mô 350.000 tỷ đồng. Trong đó, nội dung phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được vay vốn lãi suất 2% với quy mô 40.000 tỷ đồng. Gói hỗ trợ giúp người lao động, công nhân tại khu công nghiệp được vay vốn với quy mô 15.000 tỷ đồng, thời gian vay là 25 năm, lãi suất 4,8%/năm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận vấn đề nhà ở là vấn đề quan trọng, "có an cư thì mới lạc nghiệp, quyền được có nhà ở là chính đáng của công nhân". Vấn đề này Đảng và Nhà nước luôn luôn trăn trở, Quốc hội, Chính phủ cũng đã cụ thể hóa nhiều chính sách như dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật, cho vay ưu đãi...

Tuy nhiên, câu chuyện này vẫn chưa giải quyết được một cách thấu đáo, căn cơ, bài bản. Qua trao đổi, Thủ tướng cho rằng dự án nhà ở xã hội vẫn đang vướng về pháp lý từ một số nội dung tại luật, nghị định. Ông giao Bộ Xây dựng chủ trì xem xét, tiếp thu toàn bộ vướng mắc của luật pháp và nhu cầu nhà ở của công nhân, trên cơ sở đó vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì sẽ sửa ngay.

Tổng Hợp