Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, đầu tuần này, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã có chuyến thăm đột xuất tới sân bay Suvarnabhumi và chỉ đạo giới chức tại đây đẩy nhanh thủ tục nhập cảnh và lấy hành lý cho du khách.
Theo chia sẻ của Giám đốc AOT Kirati Kijmanawat ngày 6/2, số lượng hành khách bay đến Thái Lan dự kiến sẽ tăng 206% so với cùng kỳ năm ngoái do nước này hiện đã mở cửa trở lại hoàn toàn cho du khách nước ngoài.
Bên cạnh đó, ông Kirati cũng đánh giá chính sách miễn thị thực của chính phủ đối với khách du lịch từ nhiều quốc gia đã mang lại cho ngành hàng không sự thúc đẩy rất cần thiết.
Thái Lan hiện áp dụng miễn thị thực cho du khách từ Kazakhstan và Trung Quốc lưu lại tối đa 30 ngày, có hiệu lực đến ngày 29/2. Người mang hộ chiếu Nga được miễn thị thực với thời gian lưu trú tối đa 90 ngày, áp dụng đến ngày 30/4, trong khi du khách từ Ấn Độ và Đài Loan (Trung Quốc) được miễn thị thực với thời gian lưu trú 30 ngày, áp dụng đến ngày 10/5.
Mới đây, Thái Lan và Trung Quốc cũng đã ký một thỏa thuận miễn thị thực lẫn nhau, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/3 tới. Theo thỏa thuận, người sở hữu hộ chiếu phổ thông của Thái Lan và người sở hữu hộ chiếu công vụ và hộ chiếu phổ thông của Trung Quốc sẽ được miễn thị thực nhập cảnh với thời gian lưu trú tối đa 30 ngày.
Ông Kirati cũng cho biết các quầy để khách tự làm thủ tục check-in đã được lắp đặt tại 6 sân bay quốc tế của AOT – gồm Suvarnabhumi, Don Mueang, Phuket, Chiang Mai, Hat Yai và Chiang Rai – để hành khách có thể làm thủ tục trước tới 6 giờ với thời gian chỉ vài phút.
Ông Kirati cho biết sân bay Suvarnabhumi hiện có 210 quầy tự làm thủ tục trong khi con số này tại sân bay Don Mueang là 50, giúp hành khách tiết kiệm thời gian và tránh phải xếp hàng dài. Theo nhà chức trách AOT, hiện đã có khoảng 17% số hành khách sử dụng hệ thống tự làm thủ tục và cơ quan này có kế hoạch tăng tỉ lệ trên lên 50%.
Trong khi đó, theo ZNews, nhiều người trẻ TP.HCM lựa chọn bay nối chuyến quốc tế, kết hợp du lịch thay vì bay thẳng về quê nhà ở Hà Nội, Đà Nẵng. Họ cho rằng đây là thời điểm "vàng" để đi chơi xa.
Ngày 5/2, trong thời gian chờ khởi hành về Hà Nội tại sân bay Suvarnabhumi (Bangkok, Thái Lan), Toàn Nguyễn (27 tuổi) tranh thủ mua quà về cho bố mẹ và cháu gái nhân dịp Tết Nguyên đán.
Thay vì bay thẳng từ TP.HCM về Hà Nội như mọi năm, năm nay, anh dành 4 ngày tại xứ Chùa vàng, kết hợp du lịch và xem concert của nhóm nhạc yêu thích.
"Cách đây 3 tháng, tôi kiểm tra giá vé khứ hồi TP.HCM - Hà Nội dịp Tết khoảng 6,5 triệu đồng. Nếu bay đến Thái Lan chơi, rồi sau đó về Hà Nội, mức giá không rẻ hơn, nhưng bù lại tôi có thể kết hợp đi du lịch", Toàn Nguyễn, nhân viên marketing đang làm việc tại quận 7 (TP.HCM), chia sẻ với ZNews.
Thời điểm đó, một số đồng nghiệp của anh kháo nhau rằng việc quá cảnh ở Thái Lan hay Indonesia sẽ rẻ hơn bay thẳng từ TP.HCM về Hà Nội. Nhưng Toàn Nguyễn khẳng định việc bay nối chuyến quốc tế sẽ không tiết kiệm được tiền. Giá vé chênh lệch không đáng kể, trong khi du khách sẽ mất thêm thời gian nhập cảnh, xuất cảnh.
Thay vì mục đích tiết kiệm, Toàn Nguyễn và một số người trẻ lựa chọn hình thức bay vòng này để "tự thưởng" cho bản thân một du lịch nước ngoài trước Tết. Họ muốn tranh thủ kỳ nghỉ dài ngày, cũng như việc giá vé máy bay và nhiều loại chi phí "bình ổn" hơn so với giai đoạn cao điểm du lịch hè.
Toàn Nguyễn đã chi khoảng 25 triệu đồng cho chuyến du lịch xứ Chùa vàng. Trong đó, anh chi 5 triệu đồng cho một vé xem concert, còn lại 10 triệu đồng cho chi phí khách sạn, ăn uống, đi lại ở Thái Lan, 6 triệu đồng cho tổng 3 chặng bay TP.HCM - Thái Lan - Hà Nội, và hơn 3 triệu đồng để mua quà cáp.
"Đi lại thế này vất vả, tốn kém hơn, nhưng phù hợp với những ai thích đi du lịch kết hợp trước khi về quê", Toàn nói.
(Nguồn: TTXVN/ZNews)