Cẩn trọng với những rủi ro trong quá trình hồi phục

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết nền kinh tế 9 tháng đầu năm vẫn có điểm sáng, trong đó có tốc độ tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, vẫn cần cẩn trọng với những rủi ro trong quá trình hồi phục.

Tổng Cục Thống kê (GSO) đã có báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm. Theo đó, tính đến ngày 20/9, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 7,17%, cao gấp 1,4 lần mức tăng trưởng của cùng kỳ năm trước là 4,99%.

Nhiều ngân hàng đã thực hiện giảm lãi suất cho vay, lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên đang ở mức 4,4%/năm, thậm chí còn thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN là 4,5%/năm. Về lãi suất huy động, từ cuối tháng 8/2021, nhiều ngân hàng đã thay đổi mức lãi suất huy động theo hướng tiếp tục giảm trong bối cảnh ngân hàng dồi dào thanh khoản và tín dụng tăng chậm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Do duy trì mức lãi suất thấp nên huy động vốn của các tổ chức tín dụng 9 tháng đầu năm chỉ tăng 4,28%, thấp hơn nhiều so với mức huy động cùng kỳ năm 2020 là 7,48%. Nhiều chuyên gia cho rằng tốc độ tăng trưởng tín dụng thời gian tới sẽ phụ thuộc vào khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế do doanh nghiệp còn gặp khó khăn về dòng tiền trong bối cảnh dịch bệnh.

Phó Giám đốc phụ trách NHNN chi nhánh TP HCM, Ông Nguyễn Hoàng Minh cũng cho rằng  trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát, cộng thêm kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP HCM dự báo sẽ phục hồi trở lại trong quý IV năm nay.

Tuy tình hình lạm phát hiện tại ổn định nhưng các áp lực lạm phát từ bên ngoài lớn. Tình hình khó khăn có thể khiến cán cân thương mại chuyển từ thặng dư sang thâm hụt. Tác động của dịch khiến nhiều người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn khi trả nợ, dẫn đến nguy cơ nợ xấu ngân hàng tăng. “Trong bối cảnh phải căng sức thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, không chủ quan các diễn biến lạm phát, bảo đảm an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng. Chúng tôi sẽ kết hợp đồng bộ công cụ, giải pháp chính sách tiền tệ linh hoạt, bảo đảm ổn định tỷ giá và ngoại hối…," Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý IV/2021 của Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước, có 40,6% TCTD kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh quý IV/2021 sẽ tăng trưởng so với quý III. Trong khi đó, 41,6% TCTD kỳ vọng không đổi và 17,8% TCTD lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh suy giảm. Song, xét tổng thể cả năm 2021, 83,7% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương, 3% kỳ vọng không đổi và 13,3% ngại lợi nhuận giảm (cao hơn so với tỷ lệ 9,7% ghi nhận tại cuộc điều tra tháng 6/2021).

Theo nhận định của các TCTD, trong quý III, nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tổng thể của khách hàng ở mức thấp và giảm so với quý trước. Trong đó, nhu cầu gửi tiền giảm mạnh. Tuy nhiên, các TCTD kỳ vọng nhu cầu sẽ phục hồi trở lại trong quý IV/2021 nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt. Đánh giá chung cả năm, các TCTD đã thu hẹp kỳ vọng về sự gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng, trong đó nhu cầu vay vốn tiếp tục được kỳ vọng tăng cao hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán. Bên cạnh đó, khác với kết quả điều tra tháng 6/2021, nợ xấu của hệ thống ngân hàng trong quý III được các TCTD nhận định có chiều hướng tăng nhẹ so với quý II. Dù vậy, các TCTD kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu sẽ "giảm nhẹ" trong quý cuối năm và trở về mức ổn định tính đến cuối năm 2021 sau khi dịch bệnh COVID-19 được khống chế, nền kinh tế dần phục hồi.

Nhật Hạ

(Tổng Hợp)