Thông tin đến cơ quan báo chí ngày 5/8, anh M.T (TP.HCM) cho biết vừa mất 22 triệu đồng phí dịch vụ để giải ngân khoản vay khi tin lời kẻ giả mạo nhân viên ngân hàng.
"Sáng 4/8, tôi nhận được cuộc gọi của người lạ tự xưng là nhân viên Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) mời vay vốn với lãi suất tiêu dùng chỉ khoảng 0,7 %/tháng. Thấy mức lãi suất hợp lý, lại được cho biết sẽ giải ngân khoản vay ngay nên tôi tin. Sau khi làm xong hồ sơ trực tuyến, người tự xưng nói cần nộp khoảng 10% phí dịch vụ, tương đương khoảng 22 triệu đồng để được giải ngân", anh M.T kể.
Tuy nhiên, sau khi chuyển khoản cho kẻ gian, anh M.T. không được giải ngân như mong muốn mà nhận được thông báo biên bản xử lý, mạo danh MB. Thông báo từ biên bản nêu: "Khách hàng đã tự ý nhập mật khẩu rút tiền khi trên hệ thống chưa mở khóa khoản vay xong, làm cho quá trình mở khóa khoản vay bị hủy, dẫn đến toàn bộ số tiền của khách hàng đã bị đóng băng và khóa lần 2".
Chưa hết thủ đoạn, thông báo mạo danh ngân hàng còn nêu: "Trong trường hợp xấu nhất, khoản tiền hiện tại sẽ bị treo vĩnh viễn và khách hàng có thể phải bồi thường thiệt hại cho phía ngân hàng. Với trị giá hệ thống giải ngân là… 500.000 USD và 5 bộ hồ sơ khách hàng đang chờ xử lý với giá trị tổng khoản vay 850 triệu đồng".
Kẻ gian yêu cầu anh M.T phải đóng thêm phí thu xếp xử lý sự cố là 44 triệu đồng. Anh M.T cho biết cảm thấy lo lắng, bất an khi đọc thông báo biên bản xử lý của ngân hàng, nhất là quy định phải bồi thường cho ngân hàng lên tới 500.000 USD. Thậm chí, thông báo còn dọa rằng trong trường hợp nghiêm trọng hơn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, theo VTC News.
MB khẳng định, thông báo của anh M.T nhận được là giả mạo, khi kẻ gian mạo danh nhân viên MB để lừa khách hàng cho vay online. Ngân hàng cho biết, những thủ đoạn lừa đảo tương tự được MB cảnh báo kịp thời tới khách hàng trên website và fanpage của MBBank.
Gần đây nhất, ngày 6/9, Công an các quận huyện và TP. Thủ Đức đã phát đi báo thủ đoạn lừa đảo mới liên quan đến thẻ tín dụng. Trước đó, các ngân hàng tiếp tục cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới liên quan đến thẻ tín dụng và phần mềm giả mạo để chiếm đoạt thông tin người dùng.
Theo đó, kẻ gian mạo danh nhân viên ngân hàng để tiếp cận khách hàng và mời chào sử dụng các dịch vụ thẻ như mời rút tiền từ thẻ tín dụng; hỗ trợ đóng phí bảo hiểm thẻ tín dụng hoặc hoàn phí tham gia bảo hiểm...
Các đối tượng còn mạo danh nhân viên ngân hàng mời khách hàng mở thẻ tín dụng giả, mở thêm thẻ phụ hoặc nâng hạn mức thẻ tín dụng, nâng tỉ lệ hoàn tiền... Nhóm này lên kịch bản khá tinh vi và người dân dễ dàng sập bẫy.
Cụ thể, các đối tượng tạo bài đăng trên trang mạng xã hội có nội dung hỗ trợ nâng cấp hạn mức thẻ tín dụng, sang ngang thẻ tín dụng, vay không hạn mức, thủ tục nhanh chóng, duyệt hồ sơ siêu tốc, phê duyệt tự động, giải ngân trong ngày... Người dùng tin tưởng đã liên hệ với bọn lừa đảo.
Tinh vi hơn, các đối tượng cũng có thể mua bán dữ liệu người dùng, trong đó bao gồm thông tin tin cá nhân, hạn mức thẻ tín dụng... để xác định các nạn nhân tiềm năng.
Sau đó, chúng gọi điện, nhắn tin cho khách và tự xưng là nhân viên ngân hàng, tổ chức tài chính để gửi thông tin hỗ trợ, mời chào khách sử dụng các dịch vụ liên quan đến thẻ tín dụng. Tiếp đó, đối tượng gửi đường link liên kết tới website giả mạo, lừa đảo.
Trong một số trường hợp, đối tượng sử dụng các đường link rút gọn, hoặc cung cấp mã QR để nạn nhân quét. Khi khách truy cập vào trang giả mạo, website sẽ yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân, thông tin thẻ tín dụng, bao gồm: họ tên, CCCD, chụp ảnh CCCD, số thẻ, mã xác minh thẻ CVV (Card Verification Value), ngày hết hạn thẻ giống như trang web chính thống của ngân hàng.
Khách cũng được yêu cầu cung cấp mã OTP gửi về số điện thoại. Khi có thông tin tín dụng của khách, đối tượng sẽ dùng thông tin thẻ để thanh toán các giao dịch trực tuyến, chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.
Ngoài ra, kẻ lừa đảo còn sử dụng ứng dụng Android giả mạo phần mềm thuộc lĩnh vực dịch vụ hành chính công tại Việt Nam để đánh cắp thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng của người dùng.
Khi nạn nhân truy cập đường dẫn, tải và cài đặt ứng dụng giả mạo về điện thoại. Ứng dụng giả mạo sẽ yêu cầu cấp quyền Accessibility, nếu nạn nhấn bấm "cho phép", ứng dụng có quyền truy cập sẽ đánh cắp thông tin trên điện thoại của nạn nhân.
Đặc biệt, ứng dụng sẽ rà soát các ứng dụng hợp lệ trong máy nạn nhân để tìm kiếm ứng dụng ngân hàng và các thông tin nhạy cảm, đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng, SMS... gửi về cho kẻ gian.
Từ đây, các đối tượng chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Với thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên, người dân không những bị mất tiền mà còn mất toàn bộ thông tin danh tính cá nhân, tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục bị lợi dụng để phục vụ cho các hoạt động vi phạm pháp luật khác.
Ví dụ như đăng ký sim không chính chủ, đăng ký mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử phục vụ các hoạt động lừa đảo, "rửa tiền", cá độ trực tuyến...
Công an khuyến cáo người dân cần nâng cao cách giác để bảo vệ thông tin cá nhân và tài sản của mình. Khi có nhu cầu vay tiền, mở thẻ tín dụng cần liên hệ trực tiếp với các chi nhánh ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn làm thủ tục; cảnh giác, tìm hiểu kỹ, xác thực chính xác công ty tài chính, tư vấn viên trước khi tiến hành các thủ tục vay tiền, mở thẻ tín dụng bằng cách: kiểm tra mã số thuế, địa chỉ, người đại diện công ty, gọi điện thoại đến các số đường dây nóng, chăm sóc khách hàng...
Bên cạnh đó, nên tư vấn thêm ý kiến của người thân có nhiều kinh nghiệm trước khi làm các thủ tục trên; không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân (chứng minh nhân dân/căn cước công dân, địa chỉ, hình ảnh nhận diện khuôn mặt...) khi chưa xác định chính xác website, ứng dụng và danh tính tư vấn viên, theo CAO.
Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP được gửi vào hòm thư, điện thoại di động cho các đối tượng. Đặc biệt, không chuyển tiền vào tài khoản cá nhân đối tượng lạ cung cấp, dụ dỗ; nhanh chóng trình báo Công an nơi gần nhất khi phát hiện thủ đoạn mạo danh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
(Tổng hợp)