Cắt lỗ mạnh vẫn không có khách hỏi mua

Dịch bệnh Covid-19 kéo dài suốt 1,5 năm vừa qua đã khiến thị trường BĐS nghỉ dưỡng lâm vào tình cảnh bết bát chưa từng xảy ra. Sau hơn 1 năm gồng lỗ, chờ đợi nhiều nhà đầu tư không thể chờ đợi thêm đã phải bán tháo bất động sản. 

Trên thị trường xuất hiện nhiều thông tin rao bán loại căn hộ này với giá thấp, thậm chí cắt lỗ sâu. Trên thị trường thứ cấp, hiện tượng cắt lỗ căn hộ nghỉ dưỡng xảy ra khá phổ biến, một số nhà đầu tư rao bán thấp hơn giá vốn đến vài trăm triệu nhưng cũng không có khác hỏi mua.

Thị trường sẽ khó có những thay đổi mang tính đột phá trong những tháng còn lại của năm 2021. Đối với doanh nghiệp, các biện pháp giãn cách xã hội hiện đang ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các dự án. Trong khi các chủ đầu tư cũng không vội mở bán các dự án mới. Dự báo nguồn cung mới ở tất cả các phân khúc bất động sản sẽ giảm mạnh thời gian tới. Nhà đầu tư thứ cấp không thể thanh khoản và thoát hàng khiến thị trường rơi vào trạng thái trì trệ, thậm chí có thể dẫn đến đóng băng. Nếu kịch bản xấu này xảy ra, chúng ta phải mất một thời gian rất dài để có thể đưa thị trường trở lại ổn định, chứ chưa nói đến sôi động.

Nhiều đơn vị nghiên cứu bất động sản cũng đã đưa ra hai kịch bản đối với thị trường BĐS cuối năm. Kịch bản thị trường BĐS phụ thuộc nhiều vào tình hình dịch COVID-19 nhưng dù ở kịch bản nào thì thị trường sẽ không xuất hiện tình trạng nóng sốt như những dự báo trước đây. Nguyên nhân bởi nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp nền kinh tế tăng trưởng thấp, nguồn vốn tái đầu tư cho bất động sản sẽ giảm mạnh, lượng cầu và cung đều giảm khiến thị trường bất động sản giảm giá mạnh do hiện tượng bán tháo từ những nhà đầu tư bị áp lực dòng tiền, lãi vay…

Tại TP.HCM, so với cùng kỳ năm 2020, lượng cung đủ điều kiện bán hàng 6 tháng đầu năm 2021 lại tăng 9,2%. Cụ thể, tổng sản phẩm chào bán trên toàn thị trường đạt 4,028 s/p, gồm 3,844 căn hộ và 184 thấp tầng. Trong đó, lượng sản phẩm shophouse là 68 sản phẩm chiếm 1,4% tổng cung và lượng nhà liền kề là 116 sản phẩm chiếm 2,6% tổng cung. Giao dịch đạt 963 s/p, gồm 853 căn hộ và 110 thấp tầng. Như vậy, tỉ lệ hấp thụ trung bình cũng chỉ đạt 23,9%.

Giá bán căn hộ tại TP. HCM biến động rất mạnh, nhất là ở khu vực TP. Thủ Đức, quận 7 và một số quận trung tâm. Nếu so với 2019 thì giá bán căn hộ tại một số vùng thuộc TP. Thủ Đức đã bị đẩy lên gấp khoảng 2 lần (thời điểm 2019 cao nhất khoảng 35trđ/m², hiện nay thấp nhất 40 trđ/m² và đạt trung bình khoảng 60 trđ/m²). Nhà ở bình dân thì đã mất hẳn trên thị trường thành phố này. Tổng giao dịch có thể đạt tương đương 70 – 80% so với năm 2020. Phân khúc căn hộ trung cấp tại Hà Nội và TP. HCM nếu có hàng ra thị trường sẽ hấp thụ mạnh, đạt tỷ lệ trên 75%. Riêng phân khúc cao cấp sẽ vẫn hấp thụ ở mức thấp. Trong khi đó, đất nền sẽ vẫn là sản phẩm được săn tìm của các nhà đầu tư.

Phần lớn các nhà đầu tư mua đất trong cơn sốt, giá bị đẩy lên cao nên khi cơn sốt qua đi, giá dần tụt về mức giá trị thực và lại gặp đúng cảnh dịch bệnh nên giá tiếp tục giảm mà không có thanh khoản. Theo đó, ngay cả những nhà đầu tư sử dụng nguồn tiền nhàn rỗi cũng sẽ khốn đốn khi cơn sốt đã qua và dịch bệnh kéo dài bởi dù giảm giá họ cũng khó bán được hàng.

Cương Nguyễn