Nền tảng IoT mở đầu tiên tại Việt Nam
Ngô Huỳnh Ngọc Khánh , CEO Công ty Cổ phần Công nghệ iNut (iNut JSC), iNut Platform. Đây là một nền tảng kết nối vạn vật, có thể kết nối các nhà phát triển phần cứng, phần mềm và người sử dụng cuối.
Ngô Huỳnh Ngọc Khánh, CEO Công ty Cổ phần Công nghệ iNut - Ảnh: Cẩm Viên. |
Sự phối hợp này tạo nên hệ thống IoT kết nối giữa những thiết bị chạy bằng điện (cảm biến, đèn, quạt, tụ điện...) vào internet và có thể điều khiển trên điện thoại thông minh hoặc máy vi tính.
Để làm được điều này trước đây, các nhà phát triển giải pháp phải đầu tư thời gian nghiên cứu và vận hành một nền tảng IoT của riêng họ. Điều này chứa đựng nhiều rủi ro vì khi số lượng thiết bị tăng lên nhanh chóng và không có kinh nghiệm trong việc mở rộng mô hình dẫn đến sự chập chờn của toàn bộ hệ thống và không đem lại trải nghiệm tốt cho khách hàng.
Dù không am hiểu công nghệ nhưng người dùng cuối vẫn có thể dễ dàng thực hiện nhờ theo dõi các ví dụ có sẵn. Ví dụ như một bác nông dân không hiểu biết về lập trình sẽ được các lập trình viên chia sẻ các khối lệnh kéo thả sẵn có.
Với nền tảng iNut, người cung cấp giải pháp không cần lo lắng về vấn đề nền tảng kết nối vạn vật, họ chỉ tập trung vào việc cung cấp giải pháp đến tay người dùng cuối.
Theo Ngọc Khánh, iNut đưa ra một hướng tiếp cận hoàn toàn khác trong ngành công nghiệp IoT, khi rút ngắn thời gian làm ra một dự án IoT từ 6 tháng xuống còn 1 tuần và hơn hết là cực kỳ dễ dàng. Từ đó, các nhà phát triển có ý tưởng sáng tạo có thể dễ dàng đưa các ý tưởng IoT của mình đến tay khách hàng, vào thực tế cuộc sống một cách nhanh nhất.
Khánh đang điều khiển tắt mở các thiết bị điện qua điện thoại. |
Đến thời điểm hiện tại, iNut Platform là nền tảng IoT mở đầu tiên tại Việt Nam. Nền tảng đã hoàn thiện và được tung ra thị trường. Ngô Huỳnh Ngọc Khánh cho biết, iNut có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, sản xuất, kinh doanh.
Nuôi Yến, trồng nấm bằng điện thoại
INut ra đời từ khi Ngọc Khánh là sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, xuất phát từ việc sợ ma nhưng thường xuyên đi học, đi làm về muộn, Ngô Huỳnh Ngọc Khánh, sáng tạo thiết bị iNut có thể bật đèn trước khi về nhà.
Ngọc Khánh tạo ra một công tắc điều khiển bật tắt đèn từ xa thông qua điện thoại thông minh và sóng wifi. Mỗi ngày ngoài giờ học, cậu bạn dành khoảng 2 tiếng đồng hồ lọ mọ chấm hàn từng mạch điện của nút điều khiển đèn từ xa và thành công ngay lần đầu tiên thử nghiệm.
Công ty chuyên cung cấp giải pháp thông minh cho doanh nghiệp. |
Sau thành công đèn thông minh, Ngọc Khánh tiếp tục “hô biến” tất cả các thiết bị điện trong nhà như máy hút khói nhà bếp, công tơ điện nước, máy điều hòa đều trở nên thông minh.
Cứ một thiết bị iNut kết nối với một thiết bị điện trong nhà sẽ số hóa thiết bị đó trở nên thông minh và tất cả được điều khiển bằng một chiếc điện thoại và thậm chí là điều khiển bằng giọng nói. Điều thú vị là bạn có thể chia sẻ các ứng dụng thông minh này với người thân trong gia đình thông qua một mã quét QR code.
Ngọc Khánh chia sẻ: “iNut ban đầu có tên là iNút, ý nói đến một chiếc "Nút trí tuệ” có kết nối internet. Ý tưởng xuất phát từ việc số hóa các thiết bị trong nhà trở nên thông minh hơn nhưng không ngờ đạt giải đặc biệt cuộc thi Sáng kiến Xây dựng Thành phố Thông minh - Bình Dương 2018, do UBND tỉnh Bình Dương phối hợp với Hiệp hội Đô thị Khoa học thế giới (WTA) tổ chức. Hiện tại tôi và các cộng sự đang khởi nghiệp từ “nút thông minh” này với trên 600 sản phẩm được bán ra thị trường”.
iNut hiện tại ứng dụng rộng rãi với qui mô lớn trong ngành nông nghiệp thông minh như nuôi trồng yến và trồng nấm. Cụ thể với iNut, các nhà sản xuất có thể điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng ngay trên chiếc điện thoại của mình.
Còn tại các nhà nuôi yến, iNut có thể đếm lượt chim yến vào ra, ngăn chim cú bằng laser, đổi âm thanh trong nhà yến từ xa thông qua chiếc điện thoại thông minh. Người nuôi yến không còn làm thủ công hay túc trực 24/24 tại nhà yến như trước đây.
Ngọc Khánh tại một buổi hướng dẫn các bạn sinh viên chế tạo các thiết bị thông minh bằng iNut |
Trải nghiệm “nút thông minh” miễn phí
Hiện tại, Ngọc Khánh và các cộng sự đang khởi nghiệp và dành thời gian cuối tuần đến các trường đại học, THPT để hướng dẫn các bạn trẻ sử dụng nền tảng iNut tự tạo ra các thiết bị thông minh cho chính ngôi nhà của mình.
Mở đầu con đường tri thức vạn vật kết nối internet đến cộng đồng trong nháy mắt, cậu bạn và các cộng sự đã tạo ra phiên bản iNut trải nghiệm miễn phí với hơn 1000 phần mềm hỗ trợ cho thiết bị phần cứng dành cho tất cả các bạn học sinh, sinh viên Việt Nam có thể tiếp cận với công nghệ một cách dễ dàng và nhanh chóng nhất.
Các bạn hoàn toàn có thể tự tay làm các thiết bị thông minh trong cuộc sống: Xe điều khiển, bãi giữ xe thông minh, hệ thống máy lạnh, máy bơm, điều hòa thông minh hoặc cao hơn là các thiết bị nông nghiệp, điện công nghiệp thông minh... với phiên bản miễn phí này.
Ngọc Khánh là người sáng lập và phát triển Cộng đồng Arduino Việt Nam - là sân chơi về điện tử, tự động hóa miễn phí lớn nhất Việt Nam với trên 60.000 thành viên. Khánh từng là sinh viên được chọn giới thiệu sản phẩm máy cắt laser đến cựu thổng thống Barack Obama trong chuyến thăm chính thức Việt Nam năm 2016.
Ngô Huỳnh Ngọc Khánh từng là sinh viên đặc biệt được gặp tổng thống Obama. |
Ngọc Khánh cho biết: “Tôi từng bắt đầu với vạch xuất phát số 0 về điện tử. Tôi hiểu được khó khăn của mọi người khi tiếp cận với công nghệ. Không phải tất cả mọi người đều có thời gian, kiến thức để theo đuổi giấc mơ tự động hóa vạn vật kết nối internet ứng dụng vào thực tế cuộc sống nên tôi đã thành lập nên Cộng đồng Arduino Việt Nam với mong muốn tất cả mọi người ai cũng làm được những sản phẩm sáng tạo, thông minh phục vụ cho cuộc sống mình trong thời đại số 4.0”.
Dự án iNut rinh các giải thưởng: Giải đặc biệt Cuộc thi Sáng kiến Xây dựng Thành phố thông minh - Bình Dương 2018 - UBND tỉnh Bình Dương phối hợp với Hiệp hội Đô thị Khoa học thế giới (WTA) và thành phố Daejeon (Hàn Quốc) tổ chức. Giải khuyến khích Nhân tài Đất Việt năm 2018 lĩnh vực Công nghệ Thông tin. Giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp Kinh doanh - Câu lạc bộ Tiềm năng Quản trị của Trường đại học Kinh tế - Luật TP.HCM. Giải nhất cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp Phú Yên 2018 Giải nhì cuộc thi IOT STARTUP 2018 - Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao (SHTP-IC – Saigon Hi-Tech Park Incubation Center) |