Theo Reuters, trong một tuyên bố, bộ trên cho rằng các hành động áp thuế mới nhất của Mỹ đã vi phạm sự đồng thuận đạt được giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ tại cuộc gặp ở Osaka (Nhật Bản). Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ các quyền hợp pháp của mình theo các quy định của WTO.
Ngày 1/9, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu áp thuế 15% đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có tổng trị giá 125 tỷ USD, gồm loa thông minh, tai nghe hồng ngoại Bluetooth và nhiều loại giày dép.
Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh bắt đầu áp các mức thuế bổ sung 5% và 10% đối với 1.717 mặt hàng của Mỹ cũng như áp mức thuế mới đối với dầu thô của Mỹ. Đây là động thái mới nhất làm leo thang tranh cãi thương mại giữa hai nước mặc dù hai bên phát đi tín hiệu nối lại đàm phán.
Trước đó, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ hôm 29/8 cho biết sẽ thu thập ý kiến của công chúng cho tới ngày 20/9 về kế hoạch tăng thuế lên 30% đối với danh sách 250 tỷ USD hàng hóa đã phải chịu mức thuế 25%. Ông Trump hôm 30/8 nói rằng, nhóm thương mại của Trung Quốc và Mỹ sẽ tiếp tục đàm phán và gặp nhau trong tháng 9, song việc tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc dự kiến có hiệu lực vào ngày 1/9 sẽ không bị trì hoãn.
Các nhà kinh tế tại Viện kinh tế quốc tế Peterson có trụ sở tại Washington ước tính, 112 tỷ USD giá trị hàng hóa sẽ bị ảnh hưởng bởi đợt tăng thuế này.
Trước đó, ngày 23/8, Trung Quốc tuyên bố áp thuế bổ sung đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 75 tỷ USD. Cụ thể, Bắc Kinh sẽ bắt đầu áp thuế 5% đối với dầu thô của Mỹ kể từ ngày 1/9. Đây là lần đầu tiên mặt hàng này trở thành mục tiêu bị nhắm đến kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nổ ra hơn một năm trước.
Để đáp trả hành động của Bắc Kinh, Tổng thống Trump thông báo Mỹ sẽ tăng thêm 5% các mức thuế hiện đang được thực hiện cũng như đã nằm trong kế hoạch đối với hàng nhập khẩu trị giá khoảng 550 tỷ USD của Trung Quốc.
Đến nay, hơn 250 tỷ USD trong tổng số 540 tỷ USD giá trị hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ (số liệu năm 2018) đã bị áp mức thuế mới.Hàng trăm công ty và các nhóm chuyên gia kinh tế của Mỹ đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Trump hoãn vòng áp thuế quan mới, cho rằng nguy cơ từ các biện pháp thuế này sẽ gây ra tình trạng mất việc làm và tạo gánh nặng cho người tiêu dùng Mỹ. Tuy nhiên, viết trên Twitter, ông Trump chỉ trích các doanh nghiệp yếu kém đã “thừa cơ” đổ lỗi cho thuế quan gây ra hoạt động tồi tệ của họ.
Theo khảo sát của Đại học Michigan, lòng tin của người tiêu dùng Mỹ trong tháng Tám giảm mạnh nhất trong gần bảy năm qua, khi người tiêu dùng ngày càng lo ngại về tác động kinh tế từ quyết định tăng thuế của Tổng thống Trump đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Chỉ số lòng tin tiêu dùng tháng 8 giảm xuống 89,8 điểm, so với mức 98,4 của tháng 7, chỉ số điều kiện kinh tế hiện tại giảm từ 110,7 điểm xuống 105,3 điểm và chỉ số kỳ vọng tiêu dùng giảm từ 90,5 điểm xuống 79,9 điểm. Mức giảm 8,6 điểm của chỉ số lòng tin tiêu dùng là mạnh nhất kể từ tháng 12/2012, khi chỉ số này giảm 9,8 điểm. Cả ba chỉ số đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Kháo sát của Đại học Michigan cho biết, cứ ba người tiêu dùng được hỏi thì có một người đề cập đến tác động tiêu cực của việc tăng thuế.
Bài viết không tồn tại hoặc đã xóa