Theo hãng tin AP, ông Nobuaki Kurumatani đã đệ đơn từ chức tại một cuộc họp hội đồng quản trị và hội đồng quản trị đã chấp nhận, có hiệu lực vào hôm nay (14/4), đại diện Toshiba có trụ sở tại Tokyo cho biết.
Ông Kurumatani đứng đầu các hoạt động tại Nhật Bản của CVC Capital Partners, công ty đã đề xuất việc mua lại vào tuần trước, trước khi đảm nhận vị trí CEO của Toshiba vào năm 2018.
Một số câu hỏi đã được đặt ra, cả trong và ngoài công ty có trụ sở tại Tokyo, về việc Kurumatani dẫn đầu cuộc thảo luận của hội đồng quản trị về việc mua lại.
Thương vụ CVC ước tính trị giá 2.000 tỷ yên (18 tỷ USD) và sẽ biến Toshiba thành tư nhân. Toshiba cho biết họ đã “cân nhắc kỹ lưỡng”.
Giao dịch cổ phiếu của công ty đã bị đình chỉ khi có tin tức vào tuần trước. Cổ phiếu của Toshiba, công ty có hoạt động kinh doanh bao gồm sản xuất thang máy và đường sắt, tăng vọt trên bản tin CVC và được giao dịch ở mức gần 5.000 yên (46 USD).
CVC là một công ty cổ phần tư nhân của châu Âu, có trụ sở tại Luxembourg, đã cam kết đầu tư gần 162 tỷ USD, quản lý hơn 300 nhà đầu tư.
Vị trí CEO của ông Kurumatani được thay thế bởi Chủ tịch Satoshi Tsunakawa.
Ông Tsunakawa đã giám sát một số thách thức tài chính gần đây tại Toshiba. Trước khi trở thành CEO, trong nhiệm kỳ trước của mình từ năm 2016, ông đã đứng đầu mảng kinh doanh hệ thống y tế của Toshiba, hiện là công ty thuộc tập đoàn sản xuất máy ảnh và thiết bị Canon của Nhật Bản.
Toshiba, được thành lập vào năm 1875, từ lâu đã được xem là một trong những thương hiệu uy tín của Nhật Bản, đã phát triển radar và lò vi sóng, nồi cơm điện và máy tính xách tay đầu tiên của quốc gia này.
Toshiba cũng phát minh ra bộ nhớ flash, chip máy tính phổ biến để lưu trữ và lưu giữ dữ liệu cho máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại di động và các thiết bị khác. Toshiba không còn sản xuất máy tính xách tay và đã bán bộ phận chip máy tính của mình.
Theo AP, công ty bắt đầu sup đổ vì khoản đầu tư lớn vào năng lượng hạt nhân. Sau thảm họa hạt nhân ở Fukushima, chi phí kinh doanh tăng cao do lo ngại về an toàn ngày càng tăng. Một số quốc gia đang hướng tới năng lượng bền vững.
Toshiba cũng thua lỗ lớn từ hoạt động năng lượng hạt nhân của nhà sản xuất Westinghouse của Mỹ, được Toshiba mua lại vào năm 2006 và đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào năm 2017.
Tại Nhật Bản, Toshiba đang ngừng vận hành các nhà máy hạt nhân, bao gồm cả nhà máy ở Fukushima, nơi xảy ra trận sóng thần 10 năm trước gây ra nhiều vụ nổ lò phản ứng.
Vào năm 2015, Toshiba thừa nhận rằng họ đã làm sai lệch sổ sách của mình một cách có hệ thống kể từ năm 2008, khi các nhà quản lý cố gắng đạt được các mục tiêu quá tham vọng.
Một cuộc điều tra cho thấy họ đã thổi phồng lợi nhuận và che giấu những khoản chi lớn.