Chính quyền Biden sẽ thay đổi chính sách về dầu khí đối với Venezuela?

Đại diện các nhà xuất và nhà nhập khẩu dầu từ Venezuela cùng các nhóm vận động cho biết trong tháng này, họ sẽ lên kế hoạch gây sức ép với chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden để đảo ngược lệnh cấm hoán đổi dầu dầu diesel để lấy dầu thô từ Venezuela.

Khó thay đổi ngay tức thì?

Chính quyền Trump kể từ quý IV năm 2020 đã cấm các công ty chuyển dầu diesel  sang  Venezuela để đổi lấy dầu thô. Các thỏa thuận trước đó được miễn trừ khỏi các lệnh trừng phạt mà Mỹ đã áp đặt lên công ty dầu khí nhà nước Petroleos de Venezuela SA (PDVSA).

Việc áp đặt này làm dấy lên lo ngại về tác động nhân đạo đến từ việc thiếu hụt dầu diesel, nguyên liệu vốn được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực giao thông công cộng, nông nghiệp của Venezuela.

Máy bơm dầu được nhìn thấy ở Lagunillas, Venezuela ngày 24/5/2018. Ảnh: REUTERS / Isaac Urrutia
Máy bơm dầu được nhìn thấy ở Lagunillas, Venezuela ngày 24/5/2018. Ảnh: REUTERS / Isaac Urrutia

Ngoài ra, nó còn được dùng cho các máy phát điện như một phương tiện hỗ trợ cho các vụ mất điện thường xuyên ở quốc gia này.

Nông dân Venezuela đã cảnh báo rằng, tình trạng thiếu hụt dầu diesel đang cản trở việc thu hoạch nông sản của mình.

Ngoài việc khan hiếm dầu diesel, Venezuela còn rơi vào tình trạng thiếu xăng trên diện rộng do các nhà máy lọc dầu trong nước chỉ hoạt động với một phần nhỏ công suất. Trong khi đó hơn 1 năm nay, Washington đã không cho phép khách hàng của PDVSA cung cấp xăng cho quốc gia OPEC đang gặp khủng hoảng nghiêm trọng này.

Feliciano Reyna, chủ tịch nhóm viện trợ Accion Solidaria có trụ sở tại thủ đô Caracas, cơ quan tập trung điều trị HIV/AIDS và các hoạt động cứu trợ y tế khác, cho biết: “Phương tiện công cộng sử dụng rất nhiều dầu diesel. Chúng tôi hy vọng rằng chính quyền sắp tới của ông Biden có thể có cái nhìn chiến lược hơn về mục đích của các lệnh trừng phạt và có thể dỡ bỏ những biện pháp vốn không thể làm thay đổi vị thế của nhóm cầm quyền mà chỉ gây ra thêm khó khăn cho người dân". 

Người phát ngôn của ông Biden, người nhậm chức Tổng thống vào ngày 20/1, từ chối bình luận về vấn đề này.

Ông Biden cho rằng ông Maduro là một nhà độc tài và các cố vấn ông cho biết có khả năng ông Biden tiếp tục duy trì một số biện pháp trừng phạt trong khi tìm kiếm sự đồng thuận hơn giữa các quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ về cách áp dụng chúng.

Các công ty thường xuyên tham gia vào các giao dịch hoán đổi với sự ủy quyền của chính phủ Hoa Kỳ bao gồm Reliance Industries Ltd của Ấn Độ, Repsol SA của Tây Ban Nha và Eni SpA của Ý. Giấy phép cho phép các công ty tinh chế dầu thô của Venezuela được phép cung cấp dầu thô cho các công ty này để đổi lấy dầu diesel, ngay cả khi bị trừng phạt.

Một người thân cận với Công ty Reliance cho biết, công ty đã gửi cho các đồng minh của ông Biden tài liệu tóm tắt về khả năng ảnh hưởng nhân đạo nếu lệnh cấm hoán đổi dầu diesel với dầu thô Venezuela tiếp tục được duy trì.

"Mục tiêu của chúng tôi là, thực hiện nó vào ngày đầu tiên ông Biden làm Tổng thống", người này nói với điều kiện giấu tên.

Người này còn nói thêm rằng, chính quyền TT Trump vào tháng 11/2020 đã từ chối yêu cầu của công ty tham gia vào một giao dịch hoán đổi do PDVSA đưa ra.

Tuy nhiên, Công ty Reliance vẫn chưa đưa ra bình luận nào về vấn đề này.

Trong khi đó, một phát ngôn viên của Công ty Repsol cho biết, công ty “đang đối thoại liên tục với các cơ quan chức năng ở Venezuela và Hoa Kỳ" và cho biết công ty sẽ “tiếp tục tuân thủ cam kết với chính quyền sắp tới của ông Biden.”

Về phía Công ty Eni, người phát ngôn của công ty cho biết còn "quá sớm" để bình luận về vấn đề này.

Các tài liệu nội bộ của PDVSA mà Hãng tin Reuters có được cho thấy Venezuela đã không nhận được dầu diesel nhập khẩu kể từ tháng 11/2020 và Công ty tư vấn Gas Energy America cảnh báo rằng, lượng dầu diesel tồn kho của nước này có thể hết vào tháng 3 hoặc tháng 4. Venezuela hiện phụ thuộc rất nhiều vào Iran để nhập khẩu nhiên liệu, đặc biệt là xăng.

Mặc dù thiếu nhưng Venezuela vẫn bán dầu sang Cuba

Một người thân cận với tổ hợp lọc dầu Paraguana của PDVSA cho biết, hai nhà máy chính của họ sản xuất khoảng 30.000 thùng dầu diesel mỗi ngày; Công ty Năng lượng Khí đốt Venezuela  ước tính, mức tiêu thụ nội địa của nước này dao động từ 42.000 đến 59.000 thùng mỗi ngày (bpd) vào năm 2020.

Mạng lưới lọc dầu của PDVSA hiện sản xuất khoảng 1,3 triệu thùng/ngày, mực độ hoạt động thấp hơn với công suất tối thiểu sau nhiều năm mạng lưới này không đầu tư cũng như công tác quản lý yếu kém.

Nguồn xuất khẩu chủ yếu của PDVSA là cho đồng minh truyền thống của mình là Cuba theo một thỏa thuận cung cấp dài hạn.

Các chuyến hàng của PDVSA đến Cuba đạt trung bình khoảng 4.000 thùng /ngày trong ba tháng cuối năm 2020 và đây chỉ một phần nhỏ trong tổng số 75.000 thùng/ngày mà công ty gửi đến hòn đảo này trong cùng thời điểm 1 năm trước đó.

Mặc dù thiếu, nhưng Venezuela vẫn xuất dầu sang Cuba.
Mặc dù thiếu, nhưng Venezuela vẫn xuất dầu sang Cuba.

Ông Elliott Abrams, Đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về Venezuela đã chỉ ra những chuyến hàng đó như một dấu hiệu cho thấy dường như “nguồn cung của họ đã đủ.”

Cả PDVSA, Venezuela lẫn Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Hoa Kỳ, cơ quan thực thi các biện pháp trừng phạt, đều không trả lời yêu cầu bình luận về vấn đề này.

Văn phòng Washington về Mỹ Latinh (WOLA), một nhóm nhân quyền, cũng đã gửi cho nhóm chuyển giao của ông Biden một bản ghi nhớ về chính sách khuyến nghị chính quyền của ông tái thiết lập các giao dịch hoán đổi dầu thô lấy dầu diesel.

NGUYỄN MINH

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương