Bất an trong chính căn nhà của mình
Hàng trăm cư dân chung cư Phú Thạnh (53 Nguyễn Sơn, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM) vô cùng hoang mang khi bỗng dưng biết được thông báo về việc tiến hành khởi kiện và yêu cầu chủ động bàn giao căn hộ của Ngân hàng Việt Á (VAB).
Nhiều cư dân cho hay họ rất bất ngờ khi đang ở ổn định hơn chục năm qua bằng số tiền tích cóp nhiều năm bỏ ra mua tài sản thì bỗng dưng lại bị yêu cầu di dời chỉ vì chủ đầu tư là công ty cổ phần xây dựng (CTCP) công trình 585 ngấm ngầm đem tài sản đi thế chấp.
Hơn chục năm qua, cư dân chung cư Phú Thạnh đấu tranh, gửi đơn từ đi khắp các cơ quan chức năng để cầu cứu việc không được công ty 585 cấp sổ hồng như cam kết. Dù đã nhiều năm như vậy nhưng không hiểu sao sự việc cứ dần chìm vào quên lãng mà không được cơ quan ban ngành nào giải quyết triệt để.
Khẳng định sẽ trả nợ để 'chuộc' nhà
Sau khi thông tin về dự án chung cư Phú Thạnh xuất hiện trên truyền thông, đại diện các bên liên quan gồm lãnh đạo UBND phường Phú Thạnh, Công an phường Phú Thạnh, công ty 585, Ngân hàng Việt Á và Ban quản trị chung cư đã có buổi làm việc để kịp thời thảo luận, đưa ra phương án giải quyết các vấn đề còn vướng mắc của dự án.
Nêu lý do về việc ra thông báo, bà Ngô Hồng Kim – đại diện VAB cho biết ngày 2/8/2010 công ty 585 và VAB ký hợp đồng tín dụng, số tiền được duyệt hạn mức cho vay là 270 tỷ đồng, ngân hàng giải ngân cho vay với số tiền gần 265 tỷ đồng, tài sản đảm bảo vay số lượng là 219 căn hộ tương đương hơn 268 tỷ đồng.
Từ đó, thực hiện hợp đồng thế chấp số 104 ngày 4/8/2010, tổng dư nợ đến nay quá hạn 12 năm, khoảng 3 năm gần đây đã trả nợ dần để rút tài sản ra. Hiện nay, 585 đã rút được 6 căn hộ còn lại 213 căn hộ giảm 1 căn so với thông báo số 285 ngày 6/6/2024. Hiện tại dư nợ khoảng 188,6 tỷ đồng nợ gốc, chưa tính lãi phát sinh.
Về phía công ty 585, đại diện là ông Thân Đức Hải (con ông Thân Đức Cường) cho biết, số liệu mà ngân hàng VAB đưa ra là chính xác. Số lượng căn hộ tại dự án là 833 căn, công ty thế chấp sổ đỏ bằng hình thức tài sản hình thành trong tương lai theo mã số căn hộ là 219 căn hộ.
Trong quá trình hoạt động kinh doanh bất động sản, thời điểm những năm 2010, bất động sản rơi vào trạng thái đóng băng, lãi suất ngân hàng lên tới 22 - 23 %/năm khiến công ty gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh cũng như thu xếp các khoản nợ với ngân hàng.
Đến nay, công ty 585 đã xử lý giải chấp được 6 căn hộ (trong đó 1 căn mới được giải chấp hồi đầu tháng 6/2024). Chủ đầu tư đề xuất VAB chi nhánh TP.HCM tiếp tục hỗ trợ công ty trong vòng 3 năm tới để công ty có thêm thời gian chuẩn bị bán các tài sản tương đương nhằm xử lý giải chấp 213 căn hộ còn lại (từ nay đến năm 2027).
Trong số 213 căn hộ đang thế chấp tại VAB, công ty 585 còn phải thu của cư dân 5% giá trị căn hộ tương đương 41,8 tỷ đồng. Đại diện công ty 585 khẳng định cư dân không có trách nhiệm đối với ngân hàng mà thuộc trách nhiệm của công ty 585.
Chủ đầu tư có dấu hiệu lừa đảo, Ngân hàng Việt Á vô can?
Ông Ngô Văn Sáu, đại diện Ngân hàng TMCP Việt Á cho biết, qua quá trình làm việc với công an quận Tân Phú có thông báo số 4322 của cơ quan điều tra liên quan đến dự án 585 có 4 nội dung các cư dân tố cáo 585 việc thế chấp 219 căn hộ này và cơ quan đã có kết luận, còn 3 nội dung còn lại không liên quan đến ngân hàng.
Việc thế chấp 219 căn hộ này là một dạng thế chấp theo luật ngân hàng và công ty cũng đã phối hợp để giải quyết công nợ kéo dài nhiều năm. Nếu kéo dài thời gian hơn nữa thì ngân hàng phải làm theo thủ tục. Nếu ngân hàng khởi kiện thì tòa sẽ mời ban quản trị và cư dân 213 căn hộ này.
Theo luật sư Lê Thu Thảo, Đoàn luật sư TP.HCM trả lời báo Kinhtedothi.vn, chủ đầu tư mang căn hộ chung cư đã thế chấp ngân hàng để tiếp tục ký hợp đồng mua bán, thu tiền của khách hàng, đã khiến khách hàng có nguy cơ bị phát mãi nhà để trả nợ.
"Trong trường hợp này, có thể hiểu, một tài sản đã được chủ đầu tư 2 lần mang ra giao dịch (thế chấp cho ngân hàng và bán cho người mua nhà). Đây là dấu hiệu của hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Hành vi này có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự", luật sư Thảo nói và nhấn mạnh, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, người mua nhà có thể sớm gửi đơn tới các cơ quan chức năng để được xem xét.
Còn theo luật sư Lê Ngô Trung, Giám đốc Công ty Luật TNHH Trung Lê và Cộng sự, với việc một tài sản mà chủ đầu tư vừa đem đi cầm cố thế chấp cho ngân hàng, vừa đem bán cho người dân thì hoàn toàn có cơ sở để xem xét về hành vi có dấu hiệu lừa đảo.
Tuy nhiên, trong trường hợp này cũng cần xem xét trách nhiệm của ngân hàng. Theo hợp đồng mua bán được giao kết và thực hiện giữa chủ đầu tư và khách hàng có ba hình thức thực hiện thanh toán mà trong đó có hai hình thức là nộp tiền mặt và chuyển khoản vào tài khoản của chủ đầu tư mở tại chính bên cho vay (Ngân hàng Việt Á).
khi thực tế nhiều người mua đã thanh toán lên đến 95% giá trị căn hộ mà vẫn không tiến hành thủ tục giải chấp, liệu có hay không việc Ngân hàng Việt Á không hề hay biết về các giao dịch này giữa chủ đầu tư và người mua căn hộ?
Điều này đặt ra câu hỏi về việc ngân hàng này có biết và kiểm soát hay không dòng tiền thanh toán và giao dịch liên quan chính tài sản mà mình đang nhận thế chấp?