Chủ nuôi phải bồi thường ra sao khi để chó tấn công người khác?

Trong thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ chó tấn công người gây thương tích thương tâm. Vậy trách nhiệm người nuôi chó sẽ ra sao?

Một cụ bà ở Hà Nội mới đây bị chó cắn phải cắt 1/3 cánh tay. Mé trai 9 tuổi ở Vĩnh Phúc bị chó cắn rách bộ phận sinh dục phải cấp cứu. Cả hai nạn nhân đều bị cho hàng xóm tấn công.

Câu chuyện nuôi chó gây nguy hiểm cho người xung quanh một lần nữa được nhắc đến. Vậy nuôi chó như thế nào để đảm bảo an toàn cho người xung quanh. Và nếu để xảy ra tai nạn chó cắn thì người nuôi sẽ bị xử phạt như thế nào? bồi thường ra sao?

Theo quy định pháp luật hiện hành, việc nuôi chó tại nhà phải tuân thủ một số quy định. Như phải đăng ký nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư; xích, nhốt hoặc giữ chó; đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng tới người xung quanh.

Điều này có quy định tại Điều 6 Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày 09.01.2007.

15.jpg
Nhiều trường hợp bị chó cắn thương tâm. 

Ngoài ra, nếu ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị khi đưa chó ra ngoài, phải nhốt, giữ chó trong chuồng, cũi hoặc phải rọ mõm và có người dắt.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng quy định: Chủ nuôi chó, mèo phải xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh.

Khi đưa chó ra nơi công cộng phải đeo rọ mõm cho chó, hoặc xích giữ chó và có người dắt. Nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh.

Người nuôi chó phải bị xử lý vi phạm hành chính, phạt tiền từ 600.000 -800.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không tiêm phòng vaccine phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

Nếu chó cắn gây thiệt hại cho người khác phải bồi thường về mặt dân sự cho người bị thiệt hại. Mức độ bồi thường tùy thuộc vào thiệt hại đã gây ra. Tuy nhiên dựa trên chi phí hợp lý các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.

Ccó thể xem xét xử lý trách nhiệm hình sự nếu đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. 

Cơ quan chức năng có thể xem xét xử lý chủ nuôi chó hoặc người đang quản lý chó về tội "Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người".

Theo đó, người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác, đặc biệt là làm chết người, thì có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng hoặc phạt tù đến 12 năm.

Làm gì khi trẻ bị chó cắn?

Trấn an trẻ khỏi cảm giác hoảng loạn đối với trẻ nhỏ.

Vết thương cần được rửa và dội ngay lập tức với xà phòng và nước trong thời gian khoảng 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa bằng nước. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.

Rửa sạch vết thương bằng cồn, rượu 70% hoặc thuốc sát khuẩn iodine nếu có.. Đổ một ít trực tiếp lên chỗ bị chó dại cắn để sát trùng vết thương, loại bỏ vi khuẩn, mầm bệnh. Tránh đổ quá nhiều sẽ gây xót vết thương.

Trường hợp vết thương chảy nhiều máu thì cần cầm máu ngay lập tức, bằng cách dùng băng gạc y tế hoặc vải sạch băng bó lại ngay.

Nếu không cầm được máu cần đến ngay cơ sở y tế.

Tiêm ngay vaccine phòng dại nếu gặp các trường hợp sau:

Vết cắn sâu hoặc vết cắn nhẹ ở những vùng nguy hiểm như đầu, cổ, mặt, các chi, bộ phận sinh dục... Nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để được cấp cứu, tiêm huyết thanh và vaccine phòng dại kịp thời.

Khi bị chó dại cắn hoặc chó có biểu hiện dại hay không thể theo dõi con vật sau khi cắn, địa điểm xảy ra tai nạn gần vùng đang có dịch bệnh chó mèo... Cũng cần nhanh chóng đưa nạn nhân đi tiêm phòng dại ngay lập tức.

HẢI MY