Chuyện ăn uống khi nào mới đơn giản như xưa?

Giữa vô vàn sự lựa chọn về ăn uống, tôi lại nhớ bữa cơm ở miền núi xa khi cơm các em mang đi học chẳng to hơn nắm tay là bao.

Ngon hay dở hẳn là chuyện khó tường minh. Riêng với tôi, ký ức tự nó ghi nhận những chân lý mà bản thân không bao giờ có thể lý giải được. “Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ múc gật đầu khen ngon”, “Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”, đấy, chỉ vì mấy câu ca dao được học trong chương trình phổ thông ấy mà tôi mặc định đó là những món ngon nhất trần đời, chứ kỳ thực có thấy ai ăn râu tôm với ruột bầu đâu, dù là thời khốn khó.

Suy nghĩ của trẻ con về miếng ngon có lẽ luôn đến từ cảm giác. Hay như hồi bé, chẳng biết đọc ở đâu câu chuyện về hai bạn học sinh nhỏ, đi đường xa được cô giáo luộc su hào, chấm nước mắm ăn với cơm trong đêm mưa, mà cái sự ngọt ngào của củ su hào tươi rói nhổ lên từ vườn hôm ấy khơi gợi tôi mãi đến bây giờ, chẳng lần nào ăn su hào luộc mà không nghĩ tới.

Lắm khi đứng giữa vô vàn những sự lựa chọn ấy, tôi nhớ về một bữa cơm ở trường học miền núi xa (Ảnh minh họa: internet).
Lắm khi đứng giữa vô vàn những sự lựa chọn ấy, tôi nhớ về một bữa cơm ở trường học miền núi xa (Ảnh minh họa: internet).

Bây giờ lớn rồi, rủng rỉnh hơn nên có nhiều sự lựa chọn về ăn uống hơn so với cái hồi sinh viên thòm thèm cơm ký túc. Mỗi lần có hẹn đi ăn, chúng tôi mất vài tiếng đồng hồ để suy nghĩ hôm nay mình ăn gì, ăn chỗ nào. Hằng hà sa số những ứng dụng giới thiệu địa điểm, ngỡ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho mình, cuối cùng lại lôi mình vào một ngã… không phải ngã tư mà là ngã bảy, tám, chín - đường. Thế nhưng không “sợt” trước thì không yên lòng đi ăn, lỡ mà chán, lỡ mà đắt, lỡ mà vân vân. Chuyện ăn uống khi nào mới đơn giản như xưa?

Khó lắm! Thì đó, chọn thứ mình muốn ăn đã kỳ công, thời buổi này còn phải nghĩ ăn thế nào cho “không chết”! Mẹ tôi ngày trước hay kêu ca việc đi chợ chẳng biết mua gì, tôi hiện tại có thêm một vế nữa là mua cái gì và ở đâu. Những thức đồ ngoài chợ không thiếu, nhưng nhìn vào lại đầy hoài nghi. Vào siêu thị mua cũng chẳng khá khẩm gì hơn. Thế là muốn ăn gì lại lục tung cả facebook, hỏi han khắp nơi để tìm được cho ra chỗ mua an tâm. Mà kể có mua ngoài chợ, thì thử hỏi các mẹ, các chị mà xem, có mấy mẹ mấy chị không bảo, cái này cái kia mình mua chỗ quen biết. Làm gì có ai kiểm chứng niềm tin bao giờ!

Đấy là tôi lắm khi à uôm cho xong, còn kỹ lưỡng ra như các bạn tôi, tìm hiểu thông tin nhiều, mua một trái táo thôi cũng kỳ công lắm. Táo ta, táo tàu hay táo nhập. Táo nhập đường thủy hay đường không. Táo trồng theo tiêu chuẩn gì, táo có số mã vạch gì, tất cả đều cần phải lựa chọn. Đâu rồi trái táo ngày xưa hớp hồn Adam và Eva? Hay đây chính là trái táo đỏ quyến rũ lấy đi linh hồn Bạch Tuyết? Phù thủy ngày nay mà đưa táo cho Bạch Tuyết, đồ rằng sẽ nhận được câu trả lời, táo có chứng nhận không?

Lắm khi đứng giữa vô vàn những sự lựa chọn ấy, tôi nhớ về một bữa cơm ở trường học miền núi xa. Cơm mang đi học chẳng to hơn nắm tay của các em là bao - đựng trong túi nilon đã nhàu, màu đỏ, cột thắt nút lại vội vàng. Xịn hơn thì để cơm trong cái bát con rồi mới đựng vào túi. Học sinh tiểu học, đi từ bản đến trường vài km đường núi, một ít cơm thâm xì ăn với muối, cất trong ngăn bàn, vậy thôi!

Bữa ấy, trong lớp các em có một bạn may mắn hơn, nhà gần trường. Bữa trưa của em được bố mẹ để phần. Lúc em ăn tôi thấy em nhìn tôi vui lắm. Chắc là học sinh có điều kiện nhất lớp nên em mới ăn bún khô với nước chan toàn váng mỡ…

Ngôi trường ấy tôi đi cách đây vài năm, lại đúng là vùng chịu mưa lũ năm nay, bao năm qua chưa lần nào tôi có dịp quay lại, chẳng biết bữa trưa của các em giờ ra sao, đến khi nào thì các em được chọn lựa? Còn tôi, đến khi nào thì tôi thôi phải chọn?

Bích Ngọc

Mỗi đứa trẻ cũng là một con người

Mỗi đứa trẻ cũng là một con người

Chăm sóc và nuôi dạy con cái cũng chính là dịp để mình nhìn lại mình và được sống lại thêm một cuộc đời nữa.